Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thử sức lĩnh thưởng cùng văn hóa và du học Pháp

Mời bạn đọc của Zing.vn trả lời các câu hỏi về văn hóa và du học Pháp để nhận phần quà hấp dẫn từ Đại sứ quán.

Mời bạn đọc trả lời câu hỏi hàng tuần để nhận phần quà hấp dẫn từ các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Trong tuần này, mời các bạn thử tài hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Pháp.

1. Pháp là quốc gia giành nhiều giải Nobel văn học nhất thế giới. Tính tới năm 2014, người Pháp bao nhiêu lần được nhận giải thưởng danh giá này?

A: 10                     B: 15                   C:  20

2. Tháp Effel được xây dựng trong thời gian bao lâu?

A: 2 năm                B: 4 năm         C: 6 năm

3. Tác phẩm nào dưới đây không phải của Đại văn hào Pháp Victor Hugo?

A: Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris)

B: Những người khốn khổ (Les Misérables)

C: Tấn trò đời (La Comédie humaine)

4. Rượu nho xuất khẩu mang lại cho nước Pháp danh thu nhiều tỷ USD. Đất trồng nho chiếm bao nhiêu diện tích đất nông nghiệp của Pháp?

A: 3%                    B: 6%                 C: 9%

5. Hiện nay có bao nhiêu sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp?

A: 1.000                 B: 3.000              C: 6.000

6. Cựu du học sinh tại Pháp có bằng master hoặc tương đương trở lên từ nay sẽ được xem xét cấp visa lưu hành đi Pháp. Đúng hay sai?

A: Đúng                B: Sai

7. Chi phí cho một năm học tại 1 trường đại học công lập tại Pháp khoảng 12.000 euros. Thực tế sinh viên nước ngoài phải trả bao nhiêu cho 1 năm học hệ cử nhân?

A: 12.000 euros   B: 6.000 euros   C: 184 euros

Độc giả có câu trả lời xin vui lòng gửi mail về địa chỉ mail thegioizing.vn@gmail.com.

Email gửi theo hình thức: Tiêu đề: Trả lời câu hỏi về văn hóa và du học Pháp. Nội dung: Câu 1: Đáp án A, Câu 2: Đáp án B... Thư hợp lệ phải viết bằng tiếng Việt, có dấu.

5 bạn có câu trả lời đúng và sớm nhất sẽ nhận quà hấp dẫn từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 12/10 trên Zing.vn.

Phỏng vấn trực tuyến Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier sẽ chia sẻ với độc giả Zing.vn về mọi vấn đề liên quan tới đất nước - con người Pháp và mối quan hệ với Việt Nam.
  • 2015-10-08 15:00+0700
  • Hà Nội
Đặt câu hỏi

Tự động cập nhật sau 30 giây

  • Bạn NGUYỄN HUỲNH NHƯ hỏi:

    Xin chào ông đã đến Việt Nam, ông đã đi tất cả mọi nơi trên đất nước Việt Nam chưa? Điều gì làm cho ông yêu thích đất nước của chúng tôi?

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Tôi đã đến rất nhiều tỉnh ở Việt Nam, chủ yếu các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc Bộ. Tôi cũng từng đến các tỉnh miền Trung như Nghệ An và Huế. Nhưng những tỉnh miền Trung khác thì tôi chưa từng đến. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi dự định du lịch bằng ôtô.

    Điều khiến tôi cảm thấy yêu thích nhất là phong cảnh ở các vùng đồng quê. Tôi cảm thấy ấn tượng về con người. Họ rất thân thiện. Khi tôi dùng tiếng Việt họ thân thiết ngay lập tức.

  • Bạn Nguyễn Ngọc Minh hỏi:

    Các trường ĐH của Pháp có điểm khác biệt gì về uy tín và chất lượng so với các quốc gia châu Âu khác để thu hút du học sinh?

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Nền giáo dục đại học châu Âu nói chung là nền giáo dục có chất lượng. Với riêng Pháp, nền giáo dục thu hút được sự quan tâm của người Việt Nam.

    Pháp có tiếng đặc biệt so với các quốc gia khác do các nguyên nhân lịch sử, bởi cha ông từng trải nghiệm nền giáo dục Pháp trong lịch sử. Trong bảng xếp hạng quốc tế, Pháp là một trong những quốc gia hàng đầu. Một ví dụ tại Việt Nam là giáo sư Ngô Bảo Châu từng được đào tạo ở Pháp.

  • Bạn Nguyễn Thu Thảo hỏi:

    Hồi đầu năm, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông có thể đến thăm Việt Nam. Xin đại sứ cho biết việc chuẩn bị cho chuyến thăm đã thực hiện đến đâu, dự kiến diễn ra vào thời gian cụ thể nào? Ông đánh giá sao về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm này?

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Tôi xin phép không trả lời bởi đây là một sự kiện quan trọng đối với cả hai bên và cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi hẹn sẽ đề cập vấn đề này trong một dịp khác.

  • Bạn Trong Nguyen hỏi:

    Hiện nay, vấn đề người nhập cư Syria đang làm đau đầu các nước EU. Pháp có chính sách như thế nào đối với người tị nạn Syria đồng thời sẽ bảo vệ những du học sinh nói riêng và những người không phải đi tị nạn nói chung?

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Trước hết tôi xin nhấn mạnh rằng, vấn đề nhập cư đang là vấn đề đau đầu với các nước châu Âu, kể cả Pháp. Tình trạng này là kết quả của các cuộc xung đột tại Trung Đông. Và Pháp sẽ áp dụng chính sách chung với EU.

    Về vấn đề an toàn của du học sinh, hiện tại, du học sinh ở Pháp nói riêng và toàn châu Âu nói chung vẫn an toàn.

    Do việc mở cửa biên giới, các băng đảng tội phạm ngoại quốc lợi dụng cơ hội xâm nhập vào Pháp. Tuy nhiên, học sinh nước ngoài không phải là đối tượng của các băng đảng đó, nên không đáng lo ngại.

  • Bạn Vân Nguyễn hỏi:

    Tôi có xem một số video về Đại sứ và thấy cảnh ông tự lái xe đi chợ ở Hà Nội. Tôi muốn biết ông học lái xe máy từ khi nào và có gặp khó khăn khi tập nó hay không?

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Xe máy là đam mê của tôi. Từ khi 18 tuổi, độ tuổi được phép lái xe, tôi đã thi lấy bằng lái xe máy. Khi được tuyển vào bộ ngoại giao, tôi đã mua ngay một chiếc xe phân khối lớn, 150 phân khối, và cùng nó chu du khắp nước Pháp.

    Hơn nữa, khi còn là sinh viên, tôi cũng làm thêm nhằm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Công việc của tôi chính là giao hàng bằng xe máy, một hình thức mà tôi thấy đang rất phổ biến tại Hà Nội. 

    So sánh về giao thông ở Hà Nội và Paris, tôi thấy tham gia giao thông ở Hà Nội như một cuộc đua xe ở vùng viễn Tây và tôi đã quen với tình trạng ấy.

  • Bạn Bảo An hỏi:

    Chào ngài Đại sứ, cháu hiện là học sinh lớp 12 và có ý định du học Pháp. Vậy cháu có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề du học này ở trung tâm nào tại thành phố Hồ Chí Minh ạ?

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Một câu hỏi đặt ra rất đúng thời điểm. Cũng như sự kiện về Ngày hội giáo dục Pháp tại Hà Nội diễn ra vào Chủ nhật (hôm 11/10), Ngày hội giáo dục Pháp tại TP HCM sẽ bắt đầu lúc 8h30 sáng 10/10 tại khách sạn Rex. Bạn có thể tìm kiếm mọi thông tin hữu ích tại sự kiện này. Đặc biệt, trong khuôn khổ của ngày hội, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động miễn phí, giới thiệu về cuộc sống thường ngày tại Pháp.

  • Bạn Quốc Khánh hỏi:

    Sau khi Việt Nam và Pháp ký kết Quan hệ đối tác chiến lược ngày 25/9/2013, thì quan hệ hợp tác đến nay có những thay đổi, thành tựu nào nổi bật? Hai nước có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ xuất phát từ lịch sử, là đối tác chiến lược, vậy Pháp có chính sách gì để ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam? Chúc sức khỏe ngài Đại sứ và gia đình, chúc mối quan hệ Việt Nam - Pháp ngày càng phát triển!

    Đại sứ Jean Noel Poirier

    Việc hai nước ký Quan hệ Đối tác chiến lược đã khẳng định quan hệ gần gũi giữa hai nước và tầm quan trọng trong chính sách ngoại giao Pháp. Hai bên đã giải quyết các vấn đề tồn tại và hướng tới quan hệ thương mại tự do và cán cân thương mại giữa hai nước; tiến tới thương mại giữa 2 bên không ngừng tăng. Đặc biệt, xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam năm nay đạt 1 tỷ USD.

  • Bạn Nguyen Anh hỏi:

    Đại sứ có thể hát tặng tôi và độc giả Zing.vn một bài hát tiếng Việt được không? Xin cám ơn và chúc Ngài nhiều sức khỏe.

    Đại sứ Jean Noel Poirier

    Có lẽ bây giờ bắt tôi hát tiếng Việt hơi khó cho tôi. Nếu được phép, từ giờ tới tết dương lịch tôi sẽ học một bài hát và hát tặng các bạn. Clip sẽ dành riêng cho độc giả Zing.vn.

  • Bạn Vũ Thị Thanh Huyền hỏi:

    Ông có thể cho tôi hỏi muốn đi du lịch tại Paris thì xin visa như thế nào và cần những điều kiện gì để được chấp thuận?

    Đại sứ Jean Noel Poirier

    Thủ tục xin visa vào Pháp khá đơn giản, chúng ta chỉ cần điền vào tờ khai và các giấy tờ cần thiết được công bố trên trang web của đại sứ quán pháp và nộp tại trụ sở Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP HCM.

    Trong thời gian gần đây, tỷ lệ bị từ chối khi xin visa vào Pháp đã giảm từ 9% xuống 7%. Trong 100 hồ sơ thì có 7 trường hợp bị từ chối. Nếu bạn nghe ai đó nói xin visa vào Pháp rất khó khăn thì thông tin đó không chính xác.

    Chúng tôi vẫn có những quy trình kiểm tra visa nhất định để tránh trường hợp xin visa du lịch nhưng lại ở lại Pháp định cư bất hợp pháp.

    Bộ Ngoại giao Pháp mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho những người muốn xin visa vào Pháp.

  • Bạn Ngô Văn Cường hỏi:

    Ông từng làm Tổng lãnh sự tại TP HCM từ năm 2000 - 2004, khi đó Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Trở lại Việt Nam với cương vị đại sứ năm 2012, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi và phát triển của Việt Nam?

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Giữa 2 nhiệm kỳ, tôi nhận thấy rõ sự phát triển lớn của Việt Nam. Trong 15 năm, GDP của Việt Nam tăng gấp 15 lần. Nhiều công ty tư nhân đã phát triển với quy mô lớn. Cơ sở hạ tầng của TP HCM phát triển tốt. Trong 15 năm, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều phương diện, nhưng con người Việt Nam vẫn vậy, cần cù, chăm chỉ, vươn lên vì tương lai.

  • Bạn Lê Quý Giáp hỏi:

    Xin ông cho biết số lượng du học sinh Việt Nam đang theo học tại Pháp? Các bạn chủ yếu chọn những lĩnh vực, ngành nghề gì?

    ĐẠI SỨ JEAN-NOEL POIRIER

    Hiện tại có khoảng 7.000 học sinh Việt Nam du học tại Pháp. Sinh viên thường chọn các ngành kỹ sư, thương mại, ngôn ngữ và văn hoá. Kỹ sư và văn hoá là thế mạnh trong giáo dục của Pháp.

  • Bạn Nguyễn Hà Vi hỏi:

    Trong quá khứ từng có nhiều đội bóng đá Pháp sang Việt Nam thi đấu giao hữu và nhận được sự quan tâm của người hâm mộ dải đất hình chữ S. Thông qua cầu nối Đại sứ quán Pháp, liệu những người yêu bóng đá Pháp có cơ hội được chứng kiến Đội tuyển quốc gia Pháp hoặc thế hệ vàng vô địch France 1998 sang du đấu ở Việt Nam không thưa ngài?

    Đại sứ Jean Noel Poirier

    Việc mời các câu lạc bộ Pháp sang giao hữu ở Việt Nam đã có nhưng quá trình chuẩn bị gặp trục trặc khi hai bên không thống nhất lịch. Mong muốn có đội bóng ngôi sao như kỳ World Cup 98 sang Việt Nam tôi thấy khó bởi hiện tại các cầu thủ thời gian đó hiện bận và cả vấn đề tuổi tác. Do đó, chuyện lập đội bóng ngôi sao là chuyện không đơn giản.

  • Bạn phuong thao hỏi:

    Xin chào, tôi là người Việt Nam đã lấy chồng là người Pháp (có hôn thú). Tôi được chồng bảo lãnh sang Pháp từ tháng 3/2015, sau 6 tháng ở Pháp tôi và chồng không hợp nhau và quyết định ly hôn. Cho tôi hỏi nếu tôi ly hôn vào thời điểm này tôi có được công nhận ở Pháp và nếu tôi muốn ở lại Pháp thì tôi cần làm những thủ tục gì? Chồng tôi muốn tôi trở về Việt Nam nhưng tôi không có ý định trở về, vậy chồng tôi có quyền bắt buộc tôi trở về hay không? Tôi mong nhận được câu trả lời, cám ơn ông!

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Với câu hỏi này tôi chưa đủ thông tin để trả lời. Tôi nghĩ có hai cách thiết thực nhất. Bạn có thể đến tòa thị chính tại nơi bạn sinh sống để tìm hiểu các thủ tục hoặc nếu muốn quay lại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp đón bạn ở Đại sứ quán Pháp. Chúng tôi sẽ đưa ra những thông tin cần thiết để bạn có thể xử lý dễ dàng hơn.

  • Bạn Nguyễn Linh hỏi:

    Xin được hỏi Ngài Đại sứ: Những dự án kinh tế Pháp dự định đầu tư vào Việt Nam là gì? Trong tương lai, đầu tư về kinh tế của Pháp vào Việt Nam sẽ như thế nào? Về giáo dục, các sinh viên tham gia chương trình đào tạo của Pháp ở Việt Nam sẽ được quan tâm như thế nào? Merci d'avance!

    Đại sứ Jean Noel Poirier

    Một số dự án của Pháp tại ViệtNam gồm chuỗi phân phối BigC, Sanophi - dự án dược phẩm nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Về hàng không dân dụng, Pháp có dự án liên quan tới Airbus. Một dự án biểu tượng là tuyến Metro số 3 - biểu tượng của Hà Nội. 

    Về triển vọng hợp tác kinh tế trong tương lai, cả hai nước đều tin tưởng không chỉ xâm nhập các ngành truyền thống mà còn hiện đại. Đặc biệt, Pháp mong muốn doanh nghiệp Pháp hiện diện tại Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

  • Bạn Hoàng Việt Phương hỏi:

    Chào Ngài Đại sứ, xin ông cho biết quan điểm về tình hình Biển Đông hiện nay?

    Đại sứ Jean Noel Poirier

    Pháp đặc biệt quan tâm và theo dõi sát tình hình Biển Đông. Quan điểm của Pháp rất rõ rằng chúng tôi ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế. Thứ hai, Pháp mong muốn các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải. Cuối cùng, các bên tranh chấp cần giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực. Nhiều tàu của Pháp cũng thường xuyên đi lại ở khu vực này. Sắp tới, một tàu tuần tra của Pháp sẽ cập cảng Đà Nẵng.

  • Bạn Phạm Nhật Minh hỏi:

    Xin chào ngài Đại sứ, nhà thờ Đức Bà do người Pháp xây dựng vào năm 1863, nay đã được 150 năm. Hiện tại nhà thờ Đức Bà tại TP HCM đã xuống cấp nghiêm trọng. Tôi muốn hỏi Ngài về việc trùng tu nó như thế nào, vì chính người Pháp xây dựng nên người Pháp sẽ hiểu rõ nó hơn chúng tôi. Với quan hệ hai nước Việt - Pháp ngày một gắn kết tốt đẹp, tôi hy vọng người Pháp sẽ có thể hỗ trợ cho chúng tôi về ý kiến cũng như nhân sự về việc bảo trì công trình Nhà thờ Đức Bà nói chung và các công trình khác do người Pháp xây dựng nói riêng. Cám ơn ngài Đại sứ.

    Đại sứ Jean-Noel Poirier

    Cám ơn độc giả quan tâm tới di sản kiến trúc Pháp ở Việt Nam. Những di sản này không chỉ được người dân Việt Nam đánh giá cao mà chúng còn để lại ấn tượng với cả người Pháp khi tới Việt Nam du lịch. 

    Tôi xin đưa một số thông tin rằng, khoảng 1.000 công trình được xây từ thời Pháp. Nhiều cơ quan ở Việt Nam gửi yêu cầu cho Pháp hỗ trợ trùng tu các công trình. Tuy nhiên, do số lượng quá lớn nên chúng tôi sẽ xem xét để hỗ trợ các tòa nhà đặc biệt.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm