Chiều 26/8, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tổ chức hội nghị gặp mặt và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh mặt hàng sầu riêng năm 2021.
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Pắk, địa phương có 3.341 ha sầu riêng trong đó diện tích thu hoạch khoảng 2.400-2.500 ha, ước đạt sản lượng 45.000 tấn.
Trong đó, sầu riêng được đánh giá, cấp giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn là 581 ha với 497 hộ.
Hiện sầu riêng tại huyện Krông Pắk đã thu hoạch được khoảng 30-35% tổng sản lượng, số còn lại cho thu hoạch từ tháng 8-10.
Sầu riêng đang bước vào thời điểm thu hoạch, nhưng nhu cầu tiêu thụ chậm hơn những năm trước. Mỗi ngày, sầu riêng rụng khoảng 1,5 - 2,5 tạ/ ha, có nguy cơ bị hư hỏng nếu không được tiêu thụ.
Nông dân, doanh nghiệp đều gặp khó
Trên địa bàn huyện Krông Pắk có 47 cơ sở thu mua, chế biến, đóng gói sản phẩm sầu riêng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết do ảnh hưởng của dịch, các doanh nghiệp thu mua không thể vận chuyển hàng về các tỉnh miền Tây và TP.HCM để bóc tách, đóng gói.
Người dân thu hoạch sầu riêng bán cho thương lái. Ảnh: T.N. |
“Hiện chỉ có một số lượng nhỏ doanh nghiệp lắp đặt hệ thống cấp đông, các doanh nghiệp còn lại muốn thuê mặt bằng nhưng không có. Tình hình xuất khẩu gặp khó khăn do đó nguồn vốn để doanh nghiệp thu mua, dự trữ khó khăn”, bà Trinh nói.
Bà Ngô Tử Vi, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu (Bến Tre), cho biết hiện công ty thu mua sầu riêng với 3 loại. Trong đó, loại 1 có giá 35.000 đồng/kg; loại 2 giá 25.000 đồng/kg và loại 3 là 15.000 đồng/kg.
Theo bà Vi, mỗi ngày công ty thu mua hơn 100 tấn sầu riêng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch, công ty bỏ tiền ra mua nhưng chưa biết xuất khẩu đi đâu.
“Giá sầu riêng xuống thấp do tác động từ nhiều phía nhưng nông dân cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp, các đại lý thu mua. Sầu riêng có xuống 20.000 đồng/kg thì nông dân cũng còn lãi. Công ty thu mua sầu riêng biết sẽ lỗ nhưng vẫn thu mua vì trách nhiệm cộng đồng”, bà Vi nói.
Vị phó giám đốc cho biết thêm do hàng không xuất đi được nên các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn về vốn. Do đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn bằng cách thế chấp hàng tồn kho.
“Nếu bây giờ doanh nghiệp không được vay vốn sẽ bán bằng mọi cách để có dòng tiền kinh doanh. Từ đó, phía Trung Quốc ép giá sẽ càng lỗ. Nếu có tiền trữ lại khoảng 2 tháng nữa thì doanh nghiệp sẽ có lời”, vị phó giám đốc nói thêm.
Để ổn định đầu ra sầu riêng lâu dài, bà Vi cho rằng người dân và chính quyền cần đi vào sản xuất theo chuỗi liên kết. Từ đó, sầu riêng sẽ ổn định được giá và đầu ra, người dân không cần lo điệp khúc được mùa mất giá.
“Trung Quốc là thị trường chiếm 80% xuất khẩu sầu riêng, nhưng chỉ là đường tiểu ngạch. Tôi đã nhiều lần tìm đường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này nhưng không được. Để tránh tình trạng 'được mùa mất giá', nông dân cần đầu tư đúng cách, nâng cao chất lượng sầu riêng để xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc”, vị này đề xuất.
Trong khi đó, ông Bùi Đình Luật, thành viên tổ sầu riêng VietGAP tại xã Êa Kênh, cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch nên các loại phân, thuốc, tiền công tăng cao.
Theo ông Luật, chi phí đầu tư tăng nhưng hiện giá sầu riêng xuống thấp, bán tại vườn chỉ 18.000-25.000 đồng/kg.
“Nhà nước cần vào cuộc với doanh nghiệp và đại lý thu mua bàn kế để giúp nông dân tiêu thụ sầu riêng vì sản lượng còn nhiều. Nếu giá tiếp tục xuống quá thấp thì ảnh hưởng đến kinh tế của doanh nghiệp, nông dân và của địa phương”, ông Luật nói.
Tìm đầu ra cho sầu riêng
Ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch, địa phương đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sầu riêng.
Theo ông Diệu, địa phương đã hỗ trợ đưa đón công nhân kỹ thuật từ các tỉnh miền Tây đến địa bàn, tìm vị trí để các cơ sở bóc múi đổ vỏ, bãi tập kết xe…
Để giúp nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sầu riêng, UBND huyện Krông Pắk kiến nghị UBND tỉnh xem xét, liên kết các cơ sở thu mua sầu riêng tiếp cận các kho đông lạnh.
Tỉnh cần hỗ trợ đưa sản phẩm sầu riêng lên sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, mở rộng thị trường tiêu thụ. Các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để thu mua, dự trữ mặt hàng sầu riêng.
UBND huyện Krông Pắk đề nghị các cơ quan tạo điều kiện hỗ trợ, cơ chế hoạt động đặc biệt giúp doanh nghiệp tổ chức, thu mua, sơ chế, vận chuyển để không xảy ra thiệt hại cho nông dân.
Doanh nghiệp thu mua và người dân đều gặp khó. Ảnh: T.N. |
UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở ngành liên quan hướng dẫn cho doanh nghiệp lập, hoàn thiện hồ sơ đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy “giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý” và bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm sầu riêng Dona huyện Krông Pắk.
Về phía Trung ương, UBND huyện Krông Pắk kiến nghị tạo điều kiện để mặt hàng sầu riêng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Về lâu dài, Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ kết nối, tìm kiếm thị trường mới cho sầu riêng tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.