Mở đầu phiên làm việc sáng 29/12 tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tham luận, nhấn mạnh kết quả năm 2020 cho thấy các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.
Phòng chống Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu
Thứ nhất, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ trương đúng đắn này được triển khai suốt thời gian qua và cần được thực hiện mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh rất khó đoán định. Cùng với đó, tận dụng các cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút FDI… để gia tăng khả năng chống chịu, sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Thứ ba, nhận định, đánh giá đúng tình hình về khó khăn, thách thức và cơ hội, xây dựng giải pháp, đối sách phù hợp.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới sáng tạo, nâng cao bản lĩnh trí tuệ trong công tác tham mưu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Theo đó, phòng chống Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ; việc mở cửa trở lại phải xem xét rất thận trọng.
Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm; đẩy nhanh chuyển đổi số; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao; khẩn trương lập đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM; tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; tập trung đẩy nhanh công tác lập quy hoạch; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành giá, nhất là giá cả hàng hóa phải thận trọng, phù hợp; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để các doanh nghiệp vươn ra quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thu ngân sách tăng hơn 150.000 tỷ đồng so với đánh giá trước đó
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận năm 2020 trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực.
Kết quả thu cân đối ngân sách Nhà nước đến hết 28/12 đạt 1,43 triệu tỷ đồng. Ước thu ngân sách cả năm đạt 1,47 triệu tỷ đồng, bằng 98,3% dự toán, cao hơn 148.000-150.000 tỷ đồng so với con số đánh giá tháng 8, tháng 9 để báo cáo Quốc hội.
Thu cân đối ngân sách địa phương ước vượt trên 40.000 tỷ đồng, bằng 106% dự toán. Đến nay có 56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, các tỉnh trọng điểm có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh đánh giá vượt dự toán, một số địa phương chưa hoàn thành dự toán như TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng.
Thu cân đối ngân sách Trung ương ước đạt 776.000 tỷ đồng, đạt 88,4% dự toán, cao hơn 51.000 tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP. |
Theo Bộ trưởng Tài chính, trong điều kiện thu ngân sách khó khăn, vẫn bảo đảm nguồn thực hiện các khoản chi quan trọng theo dự toán, đặc biệt là chi đầu tư phát triển, đồng thời bổ sung chi phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động bị giảm sâu vào thu nhập, chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, các cơ quan Nhà nước thực hiện tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Giải ngân chi đầu tư phát triển có bước tiến bộ lớn, ước đến 31/12 đạt 82,8%.
Năm 2021, ngành Tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch. Tuy nhiên, cũng cần căn cứ vào thực tiễn.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính đề nghị các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu gian lận thương mại, xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán ngân sách được giao.