Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ hiến Catalonia: Từ thủ lĩnh ly khai tới kẻ trốn nã hàng đầu

Carles Puigdemont, người mang trong mình tư tưởng ly khai từ khi còn trẻ, giờ đây đã trở thành "kẻ thù" lớn nhất của chính phủ bảo thủ tại Tây Ban Nha.

Carles Puigdemont, nhà lãnh đạo bị lật đổ của vùng tự trị Catalonia tại Tây Ban Nha, đang phải đối mặt với lệnh bắt giữ trên toàn EU sau khi trốn sang Bỉ. Tòa án quốc gia Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã quốc tế với vị cựu thủ hiến cùng 4 cựu bộ trưởng đi cùng.

54 tuổi, có mái tóc kiểu The Beatles, ông Puigdemont từng là người gần như không được ai biết đến khi trở thành thủ hiến vùng tự trị giàu có với 7,5 triệu dân. Giờ đây, ông đã trở thành kẻ trốn nã mà chính phủ Tây Ban Nha do Thủ tướng Mariano Rajoy đứng đầu muốn "bắt sống" nhất.

cuu lanh dao Catalonia anh 1
Ông Puigdemont sau phiên họp dẫn đến quyết định tuyên bố độc lập của nghị viện Catalonia hôm 27/10. Ảnh: Getty.

Chơi trò chính trị

Cơ quan công tố Tây Ban Nha muốn truy tố ông Puigdemont với các tội danh nổi loạn, kích động nổi loạn và lạm dụng công quỹ. Song người đàn ông 54 tuổi đã phớt lờ một trát triệu tập của tòa án quốc gia Tây Ban Nha ở Madrid hôm 2/11.

Cựu nhà báo từng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý từ khi ông trở thành thủ hiến của Catalonia vào tháng 1/2016, sau cuộc bầu cử mà nhóm ủng hộ ly khai lần đầu tiên giành được đa số tại nghị viện khu vực.

Việc ông tiến hành trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalonia hôm 1/10, bất chấp lệnh cấm của tòa án, đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ. Cảnh sát Tây Ban Nha đã cố chặn đứng cuộc bỏ phiếu nhưng bất thành. 90% người đi bỏ phiếu ủng hộ Catalonia độc lập.

Nghị viện Catalonia tuyên bố độc lập một tuần trước.

Chính phủ Tây Ban Nha đáp trả bằng cách giải tán chính quyền của ông Puigdemont, áp đặt luật lệ trực tiếp và kêu gọi cuộc bầu cử mới tại Catalonia dự kiến diễn ra vào ngày 21/12.

cuu lanh dao Catalonia anh 2
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh: Getty.

"Tôi đã được dân bầu ra. Mục đích của cuộc bầu cử (mới) là gì?", ông Puigdemont nói, cáo buộc Thủ tướng Rajoy giải tán quốc hội Catalonia một cách "bất hợp pháp"

"Để giải quyết các vấn đề chính trị, bạn cần phải chơi trò chính trị. Bạn không được bỏ tù những người có suy nghĩ khác với bạn", ông Puigdemont nói, cho biết thêm rằng ông đã chuẩn bị để tranh cử trong những cuộc bỏ phiếu sắp tới.

Ly khai từ trong máu

Ở Amer, ngôi làng nhỏ nằm trên núi với 2.200 dân, nơi ông Puigdemont lớn lên, và ở Girona, nơi ông làm thị trưởng từ năm 2011 đến năm 2016, ông được nhắc đến như là một người có tư tưởng ly khai từ trong máu.

"Ở Catalonia, nhiều người bắt đầu có tư tưởng ly khai vì 'dị ứng' với những chính sách của Madrid. Nhưng không phải anh ấy, anh ấy vốn dĩ đã luôn có tư tưởng ly khai trong mình", Antoni Puigverd, nhà thơ, nhà báo, bạn của ông Puigdemont, cho hay.

Ông Puigdemont chưa bao giờ che giấu xu hướng ly khai của mình, ngay cả khi ông gia nhập đảng CDC của người tiền nhiệm Artur Mas vào năm 1980. Khi đó, CPC chỉ đơn thuần muốn đàm phán để đem về quyền tự trị lớn hơn cho Catalonia, chứ không phải muốn vùng tự trị này tách khỏi Tây Ban Nha.

cuu lanh dao Catalonia anh 3
Cựu thủ hiến Artur Mas (trái) và ông Puigdemont. Ảnh: Getty.

Người bạn Salvador Clara, một nghị viên thuộc phe ly khai cánh tả ở Amer, nói thêm rằng ông Puigdemont đã bảo vệ nền độc lập của Catalonia "kể từ khi anh ta có thể nhớ được".

Tháng 7/2015, Puigdemont trở thành chủ tịch của Hiệp hội Các Đô thị vì Độc lập, kết hợp các cơ quan địa phương để thúc đẩy quyền tự quyết.

Trong 17 năm, ông làm việc cho tờ El Punt mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa tại Catalonia, nay đã xuất bản dưới cái tên El Punt Avui sau khi hợp nhất với một báo khác. Sau đó, ông thành lập một hãng thông tấn địa phương và một tờ báo tiếng Anh về khu vực của mình.

"Ông luôn kết hợp hoạt động chính trị với báo chí", Ramon Iglesias, một nhà báo của đài phát thanh Cadena Ser tại Girona nói.

Năm 1991, khi làm việc cho một tờ báo địa phương ở Girona, ông Puigdemont đã phát động chiến dịch nhằm thay đổi cách viết tên thành phố từ tiếng Tây Ban Nha (Gerona) sang tiếng Catalonia (Girona).

Đối với Silvia Paneque, người đứng đầu đảng Xã hội đối lập ở Girona, ông Puigdemont đôi khi theo đuổi một dạng chủ nghĩa dân tộc "nhấn mạnh vào việc tách biệt những người ủng hộ và phản đối độc lập".

Gia đình ủng hộ độc lập

Ông Puigdemont sinh ngày 29/12/1962 trong một gia đình làm bánh. Ông là con thứ hai trong số tám anh chị em.

"Chúng tôi là một gia đình ủng hộ độc lập trong mọi khía cạnh", chị gái ông Anna, chủ tiệm bánh gia đình ở Amer, nói với AFP.

Ông Puigdemont nói cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp như người tiền nhiệm của ông Artur Mas, cũng như tiếng Romania - vợ ông, Marcela Topor, đến từ Romania, và họ có hai cô gái.

cuu lanh dao Catalonia anh 4
Người Catalonia biểu tình phản đối chính phủ bắt giữ 2 lãnh đạo ly khai. Ảnh: Getty.

Song khác với Mas, người thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được lòng dân trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế ở Tây Ban Nha, ông Puigdemont là một người theo hướng dân chủ xã hội, người có khả năng thu phục các thành viên cực hữu trong nhóm ủng hộ ly khai vốn thận trọng với Mas.

Nhà báo người Catalonia, Enric Juliana, nói rằng việc theo đuổi chủ nghĩa ly khai lâu năm đã khiến Puigdemont trở thành "ứng viên lý tưởng" để kế nhiệm Mas.

"Anh ấy đến nơi mà anh ấy ở một cách tình cờ, anh ấy không khao khát một sự nghiệp chính trị, và điều đó đã cho anh ấy sự tự do to lớn", người bạn Puigverd nói.

Hàng nghìn người bao vây nghị viện Catalonia vì 8 cựu bộ trưởng bị bắt Hàng nghìn người biểu tình bao vây nghị viện Catalonia, hiện do Madrid kiểm soát, phản đối lệnh bắt giữ 8 cựu bộ trưởng với cáo buộc nổi loạn cùng bản án lên tới 30 năm.

Bỉ 'sẽ xem xét' việc bắt cựu thủ hiến Catalonia

Brussels cho bết sẽ xem xét lệnh bắt giữ trên toàn Liên minh Châu Âu do Tây Ban Nha ban hành đối với ông Carles Puigdemont, cựu lãnh đạo vùng tự trị Catalonia.

Cựu thủ hiến Catalonia từ chối về nước do lo ngại bị bắt giam

Cựu thủ hiến Carles Puigdemont sẽ không quay trở lại Tây Ban Nha phục vụ điều tra do lo ngại có thể bị nhà chức trách bắt giữ.

Đông Phong

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm