Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Catalonia lung lay trước quyết tâm lập lại trật tự của Madrid

Sự bình lặng trên đường phố Barcelona sau gần 1 tháng bất ổn cho thấy Catalonia đang chấp thuận hơn là tự chủ trước sự cai trị trực tiếp của Madrid.

Thời khắc lịch sử Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha Nghị viện Catalonia tối 27/10 có bước đi lịch sử khi quyết định đơn phương tuyên bố độc lập và khởi động "quy trình lập hiến" về việc tách khỏi Tây Ban Nha.

Ngày làm việc đầu tiên của chính quyền Catalonia sau tuyên bố độc lập đã diễn ra theo cách đặc biệt khác thường. Lãnh đạo của họ, người đang đối mặt với cáo buộc phản động, nổi loạn và biển thủ, đã chạy sang Brussels.

Carles Puigdemont cùng một số thành viên nội các đã tới thủ đô của Bỉ sau khi trưởng công tố viên Tây Ban Nha tuyên bố lập cáo trạng với án tù lên tới 30 năm đối với thủ hiến bị phế truất của Catalonia và các lãnh đạo khác ở Barcelona.

Hôm 27/10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã sa thải chính quyền ly khai của Catalonia, kêu gọi một cuộc bầu cử khu vực sớm vào ngày 21/12 và tuyên bố chính quyền trung ương sẽ trực tiếp cai quản vùng tự trị đông bắc.

Cúi đầu trước chính quyền trung ương

Quá trình này đã bắt đầu suôn sẻ vào ngày 30/10 khi các viên chức phớt lờ lời kêu gọi bất tuân dân sự và quay lại làm việc trong khi các đảng ly khai đồng ý tham gia cuộc bầu cử tháng 12.

khung hoang Catalonia anh 1
Người dân tham gia biểu tình phản đối tuyên bố độc lập của Catalonia ở Barcelona. Ảnh: AP.

Một số nhà lãnh đạo bị lật đổ nổi bật nhất của xứ Catalonia bao gồm Puigdemont và Phó thủ hiến Oriol Junqueras nói rằng họ sẽ không chấp nhận bị sa thải. 

Tuy nhiên, các đảng phái của họ, PdeCat và Esquerra Republicana de Catalunya, cho biết sẽ tham gia vào cuộc bầu cử do thủ tướng kêu gọi, tỏ ý ngầm chấp thuận sự cai trị trực tiếp của Madrid. Nghị viện khu vực cũng đã hủy bỏ cuộc họp ngày 31/10, một tín hiệu khác cho thấy các nhà lập pháp đã chấp nhận bị đuổi việc.

Báo chí Tây Ban Nha đưa tin ông Puigdemont đã lái xe tới thành phố Marseilles của Pháp để bắt chuyến bay tới Bỉ cùng 5 thành viên khác trong chính quyền cũ của mình. Trước đó, bộ trưởng Bộ Tị nạn và Di cư của Bỉ nói rằng ông Puigdemont có thể xin tị nạn tại nước này.

khung hoang Catalonia anh 2
Vị trí vùng tự trí giàu có Catalonia của Tây Ban Nha. Đồ họa: Washington Post.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha tuyên bố các cựu quan chức Catalonia đã lạm dụng quyền lực của họ để đẩy mạnh chiến dịch ly khai.

"Với những quyết định và hành động trong 2 năm gần đây, họ đã gây ra một cuộc khủng hoảng về thể chế với đỉnh điểm là việc đơn phương tuyên bố độc lập, thể hiện sự khinh thường hiến pháp", Bộ trưởng Tư pháp Jose Manuel Maza nói.

Các cáo buộc hình sự là động thái mới nhất của các quan chức Tây Ban Nha nhằm ngăn chặn phong trào độc lập của Catalonia.

Sự kháng cự yếu ớt

Các quan chức bị buộc tội không bị bắt ngay hôm 30/10. Họ được yêu cầu trình diện tại một tòa án ở Madrid trong những ngày tới. Không rõ liệu họ có thể tham gia cuộc bầu cử tháng 12 hay không.

Theo Reuters, hôm 29/10, hàng trăm nghìn người ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất đã xuống đường trong cuộc biểu tình lớn nhất của lực lượng được gọi là đa số im lặng. Họ là những người đã theo dõi các chính trị gia khu vực thúc đẩy độc lập của Catalonia và chọn đứng ngoài phong trào.

Cảnh sát được triển khai dày đặc trên đường phố để ứng phó với những rắc rối có thể xảy ra khi các lãnh đạo Catalonia khẳng định họ sẽ thực hiện công việc của chính quyền "độc lập". 

Theo mệnh lệnh của chính phủ Tây Ban Nha, họ "có vài giờ" để thu dọn đồ đạc nhưng có thể sẽ bị bắt giữ nếu ở lại lâu hơn trong văn phòng.

Bất chấp đe dọa này, một số quan chức Catalonia đã xuất hiện ở nơi làm việc vào ngày 30/10. Ít nhất một bộ trưởng của chính quyền cũ đã tới văn phòng.

khung hoang Catalonia anh 3
Josep Rull, cựu bộ trưởng đất đai của Catalonia, đến dự cuộc họp ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ Catalonia ở Barcelona, ngày 30/10. Ảnh: Bloomberg.

Josep Rull, cựu bộ trưởng Catalonia, đăng trên Twitter bức ảnh ông ngồi trước máy tính tại văn phòng với chú thích "Tại bàn làm việc, thực hiện những nhiệm vụ mà tôi được người dân Catalonia giao phó". Tuy nhiên, ông đã rời khỏi văn phòng khoảng 1 tiếng sau đó.

Cesar Puig, một quan chức khác của Catalonia, đã tới Bộ Nội vụ và được cho là đã lang thang quanh đó trước khi rời đi. "Ông ấy nói tạm biệt. Ông ấy không nói khi nào quay lại và cũng không lấy đồ đạc gì mang theo", người gác cổng cho biết.

Trong khi đó, một số nhân viên vẫn làm việc bình thường cho dù không rõ họ đang làm việc cho "quốc gia độc lập" Catalonia hay là một nhánh của chính quyền Madrid. 

"Chúng tôi đang chờ đợi để biết điều gì sẽ xảy ra", Elisabet Masana, 50 tuổi, thư ký của Bộ Nội vụ, nói với Washington Post.

Phe ly khai suy yếu

Hai cuộc thăm dò ý kiến cho thấy làn sóng ủng hộ độc lập có thể đã bắt đầu suy yếu. Theo khảo sát của Sigma Dos trên El Mundo, 33,5% người Catalonia ủng hộ độc lập trong khi cuộc thăm dò của Metroscopia trên El Pais cho thấy tỷ lệ chỉ là 29%. Trong cuộc điều tra chính thức do chính quyền Catalonia thực hiện hồi tháng 7, con số này là 41,1 %.

Trước đó, những người phản đối ly khai đã tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 khi chỉ có 43% người dân tham gia bỏ phiếu quyết định độc lập.

Sự yên tĩnh ngày 30/10 trên đường phố Barcelona là lời đáp của họ sau cuối tuần bất ổn, khi phản ứng của khu vực với lệnh tiếp quản của chính quyền trung ương còn chưa rõ ràng.

khung hoang Catalonia anh 4
Một sĩ quan cảnh sát Mossos bảo vệ lối vào tòa nhà chính phủ khu vực Generalitat ở Barcelona , ngày 30/10. Ảnh: Bloomberg.

Lời kêu gọi bất tuân dân sự trên quy mô lớn từ các đoàn thể đứng sau chiến dịch ly khai đã không thu hút được nhiều người tin theo. Các công chức như giáo viên, lính cứu hỏa và cảnh sát đã bắt đầu làm việc bình thường vào ngày 30/10 và không có dấu hiệu đình công rộng rãi.

Ngày 28/10, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã chỉ định người đứng đầu mới của cảnh sát khu vực, người từng nhấn mạnh rằng 17.000 nhân viên của lực lượng này nên giữ thái độ trung lập.

Cảnh sát đã rút lực lượng bảo vệ các thành viên chính quyền khu vực bị sa thải. Chân dung của họ đã được gỡ bỏ khỏi các tòa nhà công cộng.

Động thái áp đặt cai trị trực tiếp của chính phủ đã nhận được sự hậu thuẫn của một số nhân vật có ảnh hưởng trong giới kinh doanh ở Catalonia, những người đã kêu gọi các công ty ở lại khu vực. Tình hình hỗn loạn đã thúc đẩy sự di tản của các doanh nghiệp từ Catalonia, khu vực chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha.

Trong khi đó, các cư dân bình thường nói rằng họ không cảm thấy như đang sống trong một nước cộng hòa mới độc lập.

"Chúng tôi không biết mình đang ở đâu. Chúng tôi thấy bối rối", Oriol Garcia, 41 tuổi, nói với Washington Post. Ông cho biết bản thân ủng hộ nền độc lập nhưng không còn cảm thấy tự do vào ngày 30/10. "Chúng tôi đã không tiến lên chút nào", ông nói.

Người Tây Ban Nha biểu tình phản đối Catalonia tuyên bố độc lập Ngày 29/10, hàng nghìn người dân Tây Ban Nha tụ tập tại các đường phố của Barcelona nhằm phản đối việc Catalonia tuyên bố độc lập.

Cựu thủ hiến Catalonia chạy sang Bỉ trước nguy cơ ngồi tù 30 năm

Thủ hiến bị phế truất cùng một số lãnh đạo phong trào ly khai đã rời Catalonia ngay trước khi bị cơ quan công tố Tây Ban Nha cáo buộc tội danh phản loạn.

Tây Ban Nha kêu gọi truy tố lãnh đạo Catalonia vì tội nổi loạn

Tổng chưởng lý Tây Ban Nha kêu gọi truy tố các lãnh đạo Catalonia về tội nổi loạn, kích động nổi loạn và sử dụng sai ngân sách.

Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm