Guardian cho biết vào ngày 30/10, Tổng chưởng lý Tây Ban Nha José Manuel Maza thông báo rằng ông sẽ yêu cầu tòa án quốc gia truy tố các thành viên cao cấp trong nội các cũ của cựu thủ hiến Carles Puigdemont. Tòa án tối cao cũng sẽ xem xét các khả năng hành động trước các quan chức của nghị viện Catalonia, hiện đã bị giải tán.
Theo ông Maza, các hành động của giới lãnh đạo Catalonia "trong 2 năm qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp với cao trào là lời đơn phương tuyên bố độc lập chà đạp lên hiến pháp của chúng ta vào hôm 27/10".
Người biểu tình phản đối Catalonia độc lập và ủng hộ một nước Tây Ban Nha thống nhất đã xuống đường hôm 29/10. Catalonia hiện đầy chia rẽ sau tuyên bố độc lập. Ảnh: AFP. |
Theo luật Tây Ban Nha, lời đề nghị của tổng chưởng lý sẽ được các thẩm phán có liên quan xem xét. Các lãnh đạo Catalonia có thể bị gọi đối chất nếu lời buộc tội được hình thành.
Hình phạt cao nhất đối với tội nổi loạn ở Tây Ban Nha là 30 năm tù, trong khi đó tội kích động có thể bị 15 năm tù. Khung hình phạt đối với tội sử dụng sai ngân sách là 6 năm tù.
Trước đó, hôm 29/10, chính phủ Tây Ban Nha cho biết thủ hiến Puigdemont, hiện đã bị tước chức, có thể bị bắt giam trong 2 tháng tới sau khi ông đơn phương tuyên bố độc lập cho Catalonia.
Ngày 27/10, nghị viện Catalonia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha và trở thành một nước cộng hòa do phe ly khai soạn thảo và đề xuất.
Ngay sau khi màn biểu quyết kết thúc ở Catalonia, Thượng viện Tây Ban Nha đã bỏ phiếu đồng ý cho phép chính phủ áp dụng Điều 155 của Hiến pháp, áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên vùng tự trị và cách chức các thành viên chính quyền Catalonia.
Chính phủ Tây Ban Nha đã thực hiện bước đầu tiên trong việc kiểm soát trực tiếp Catalonia bằng việc sa thải cảnh sát trưởng và bổ nhiệm phó thủ tướng chịu trách nhiệm tại đây.