Tây Ban Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất kể từ khi chấm dứt chế độ độc tài Francisco Franco.
Với quyết định tuyên bố độc lập hôm 27/10, nghị viện Catalonia, dẫn đầu là đảng JxSi của Thủ hiến Carles Puigdemont, đã đẩy đối đầu giữa Barcelona và Madrid lên một nấc thang mới, khi những màn đấu khẩu giữa các chính trị gia có thể châm ngòi cho bạo lực giữa người biểu tình và lực lượng chấp pháp.
Phe đa số mong manh
Tuyên bố độc lập được thông qua hôm 27/10 tại nghị viện Catalonia với chỉ 70 phiếu thuận trên tổng số 135 đại biểu.
Kết quả này, cùng với con số chỉ 38% cử tri Catalonia tham gia bỏ phiếu và ủng hộ độc lập trong ngày trưng cầu dân ý hôm 1/10, cho thấy phong trào ly khai không hoàn toàn áp đảo tại xứ tự trị này.
"Họ (phong trào ly khai) luôn nói trưng cầu dân ý là quyền của người Catalonia. Vậy họ sẽ làm thế nào nếu phe phản đối độc lập đòi trưng cầu dân ý một lần nữa. Carles Puigdemont đang ở trong tình thế hết sức 'mong manh'?", Ian Hobbs, giáo sư từ trường Khoa học chính trị và xã hội, Đại học Newcastle, nói với Zing.
Những bước đi cứng rắn của chính quyền khu vực Catalonia thời gian qua, dù làm nức lòng những người ủng hộ độc lập, đã chọc tức những "đám đông im lặng" vốn mong muốn tiếp tục là một phần của Tây Ban Nha.
Hiện, liên minh JxSi và CUP ủng hộ độc lập chiếm 72 ghế tại nghị viện Catalonia, tức chỉ nhiều hơn quá bán 4 ghế. Giáo sư Hobbs nhận định "không có gì đảm bảo các đảng ủng hộ độc lập sẽ tiếp tục duy trì được đa số tại nghị viện" trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tước quyền tự trị và nguy cơ bùng phát bạo lực
Trong vòng 1 giờ sau khi tuyên bố độc lập được thông qua tại nghị viện Catalonia, thượng viện Tây Ban Nha cho phép kích hoạt điều 155 hiến pháp, đình chỉ quyền tự trị của Catalonia.
Chính phủ của thủ tướng Mariano Rajoy đã giải tán nghị viện và sa thải chính quyền Catalonia. Để đảm bảo kiểm soát lực lượng chấp pháp khu vực, Madrid cũng bãi nhiệm giám đốc cảnh sát Catalonia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Ảnh: AFP. |
"Quyền lực tại Catalonia, nay, sẽ được chuyển giao cho các bộ trưởng của chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Kiểm soát trực tiếp sẽ được duy trì tới khi bầu cử nghị viện Catalonia diễn ra", Thủ tướng Rajoy nói. Cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 21/12.
Mặc dù vậy, sẽ không dễ dàng để chính quyền trung ương Tây Ban Nha hiện thực hóa các tuyên bố của họ.
Để kiểm soát chính quyền khu vực, một trong các bước đi đầu tiên của Madrid là trục xuất Cựu thủ hiến Carles Puigdemont cùng nội các của ông này khỏi trụ sở chính quyền khu vực ở Barcelona. Tuy nhiên, chưa rõ Madrid sẽ tiến hành bước đi này như thế nào.
Phe ly khai tuyên bố sẽ thực hiện bất tuân dân sự quy mô lớn trong trường hợp Madrid đình chỉ quyền tự trị của Catalonia. Điều này đồng nghĩa với biểu tình, đình công, bãi khóa và nhiều hình thức bất hợp tác khác sẽ diễn ra tại Catalonia trong thời gian tới.
Để vãn hồi trật tự, Tây Ban Nha cần tới sự ra tay của cảnh sát. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu ông Rajoy đặt cược vào khả năng 18.000 cảnh sát khu vực Catalonia tuân theo chỉ thị từ Madrid.
Thực tế, lực lượng này gần như làm ngơ và để mặc cảnh sát Tây Ban Nha đối phó với hàng trăm nghìn người biểu tình trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 mà Madrid coi là vì hiến. Mossos d'Esquadra, nhóm cảnh sát Catalonia ủng hộ độc lập, đã tuyên bố từ chối tuân lệnh của Madrid.
Chính quyền trung ương có thể sẽ triển khai hàng nghìn cảnh sát đến Catalonia. Tuy nhiên, những vụ xô xát hôm 1/10 cho thấy các biện pháp mạnh tay mà cảnh sát Tây Ban Nha sử dụng nhiều khả năng đẩy tình trạng căng thẳng hiện tại vào vòng xoáy bạo lực.
Cảnh sát Tây Ban Nha và người biểu tình ủng hộ độc lập xô xát hôm 1/10. Ảnh: AFP. |
Cánh cửa hẹp cho đối thoại
Theo BBC, cơ hội cho các bên ngồi vào bàn đàm phán chưa hoàn toàn vô vọng.
Ông Carles Puigdemont đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đứng ra làm trung gian hòa giải. Đây là bước đi có tính toán của ông cựu thủ hiến, bởi một khi Catalonia ngồi vào bàn đàm phán với Madrid và một bên thứ 3, khu vực tự trị này sẽ có một địa vị hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không tỏ ra mặn mà với đề xuất của ông Puigdemont và coi cuộc khủng hoảng Catalonia là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha.
Năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã hủy bỏ một số nội dung quan trọng trong hiên pháp của xứ tự trị Catalonia. Cụ thể, cơ quan này không công nhận Catalonia là một nước bên trong Tây Ban Nha; không công nhận vai trò ưu tiên của tiếng Catalonia so với tiếng Tây Ban Nha tại khu vực; bãi bỏ các biện pháp cho phép Catalonia được tự chủ tài chính nhiều hơn.
Để hạ nhiệt những cái đầu nóng của phe ly khai, Madrid có thể yêu cầu Tòa án Hiến pháp đảo ngược phán quyết trên và khôi phục nguyên trạng hiến pháp Catalonia.
Mặc dù vậy, các chính trị gia tại cả Madrid và Barcelona chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào để hạ nhiệt căng thẳng.
Catalonia là vùng tự trị đông bắc Tây Ban Nha. Ảnh: BBC. |
Thế giới ngoảnh mặt
Một Catalonia độc lập sẽ bị cô lập về mặt ngoại giao, đó là viễn cảnh hiện hữu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định ủng hộ lập trường của chính phủ Tây Ban Nha không lâu sau tuyên bố độc lập của Catalonia. Lãnh đạo các nước châu Âu cũng đồng loạt từ chối công nhận tuyên bố độc lập của Catalonia.
"Chính phủ Liên bang Đức sẽ không công nhận tuyên bố độc lập (của Catalonia). Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ sử dụng mọi cơ hội để đàm phán và hạ nhiệt căng thẳng", Steffen Seibert, phát ngôn viên thủ tướng Đức, thông báo.
Từ bên kia Đại Tây Dương, Washington, nhà bảo trợ cho nền độc lập của Kosovo, khẳng định đứng bên cạnh Madrid trong cuộc khủng hoảng.
"Catalonia là một phần của Tây Ban Nha. Mỹ ủng hộ các biện pháp hợp hiến để duy trì một Tây Ban Nha thống nhất và vững mạnh", Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Heather Nauert nói.