Phản ứng về bức thư của thống tướng Min Aung Hlaing, ông Prayuth nói: “Chúng tôi ủng hộ tiến trình dân chủ ở Myanmar, nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là duy trì mối quan hệ tốt đẹp, vì nó tác động đến người dân, nền kinh tế, thương mại quốc tế trong thời điểm này".
“Thái Lan ủng hộ tiến trình dân chủ. Phần còn lại là tùy thuộc vào ông ấy (tướng Min Aung Hlaing) thực hiện điều đó như thế nào", thủ tướng Thái Lan nói, theo Reuters.
Tướng Prayuth Chan-ocha là người thực hiện cuộc chính biến ở Thái Lan vào năm 2014, lật đổ chính quyền dân sự của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra để lên nắm quyền. Ông giữ chức thủ tướng Thái Lan kể từ đó đến nay.
Tướng Min Aung Hlaing (trái) chào Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok vào tháng 8/2017. Ảnh: Reuters. |
Hôm 1/2, quân đội Myanmar do tướng Min Aung Hlaing đứng đầu tiến hành cuộc chính biến, bắt giữ cựu Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo dân cử khác, cùng những quan chức của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền.
Sau đó, tướng Min Aung Hlaing tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước, ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Ông hứa sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2022, và sẽ trao quyền lực cho người chiến thắng.
Kể từ sau vụ binh biến, phong trào biểu tình của người dân lan rộng khắp Myanmar suốt 5 ngày qua. Người dân xuống đường thể hiện sự phản đối với chính phủ quân sự và yêu cầu đòi thả tự do cho bà Suu Kyi.
Quân đội Thái Lan và Myanmar có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong những thập kỷ gần đây, dù quan hệ hai nước có nhiều bất đồng.