Để không lặp lại tình trạng phi công Vietnam Airlines (VNA) đồng loạt xin nghỉ bệnh để lãn công đòi tăng thu nhập, và tự do chuyển đổi nhà khai thác như từng xảy ra cuối năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2011, về việc ban hành Bộ Quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay. Theo dự thảo này, đội ngũ nhân sự kỹ thuật cao, trong đó có phi công, muốn nghỉ việc phải báo trước 180 ngày; ngoài ra, phải bồi thường chi phí liên quan.
Hài hòa lợi ích các bên?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 20/4, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT, cho biết căn cứ để bộ này đưa ra dự thảo, là điều 70 Luật Hàng không dân dụng cho phép Bộ trưởng Bộ GTVT được quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không. Ngoài ra, quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ) đưa ra thời hạn thông báo nghỉ việc “ít nhất” 30-45 ngày, không phải thời hạn tối đa.
“Khi dự thảo văn bản này, chúng tôi xem xét cân bằng lợi ích của doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ), không thể để DN xáo trộn kinh doanh, cũng như NLĐ bị thiệt thòi. Đây mới chỉ là dự thảo, đang được gửi đi lấy ý kiến của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư Pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện dự thảo thông tư”, bà Nga nói.
Phi công của Vietnam Airlines. |
Trong số đối tượng bị điều chỉnh, VNA bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương của cơ quan soạn thảo. Theo đại diện này, một học viên phi công muốn trở thành lái phụ phải mất ít nhất 3 năm, thêm 5 năm nữa để trở thành lái chính. Nếu thuê một phi công thương mại cần ít nhất 4 tháng tuyển dụng, thêm 2-3 tháng nữa mới có thể lái được, vì phải làm quen quy trình, tài liệu của nhà khai thác, đường băng và sân bay mới.
Vì vậy, phi công muốn nghỉ việc phải kéo dài thời gian thông báo cho DN là cần thiết, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các hãng hàng không và sự an toàn trong khai thác.
Trái với Bộ Luật Lao động
Ngược lại, hãng hàng không tư nhân VietJet và các nhà nghiên cứu chính sách lại cho rằng, đề xuất của Bộ GTVT trái với BLLĐ.
Ông Lưu Quốc Khánh, Giám đốc điều hành VietJet, cho rằng BLLĐ không quy định về khái niệm nhân viên trình độ cao và các quy định riêng biệt dành cho đối tượng này. Hơn nữa, điều 37 BLLĐ quy định, NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) chỉ cần báo trước ít nhất 30 ngày (đối với HĐLĐ không xác định thời hạn thì phải báo trước ít nhất 45 ngày). NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng quy định, không vi phạm thời hạn báo trước thì không phải bồi thường chi phí đào tạo.
Dự thảo của Bộ GTVT có tính chất phân biệt đối xử, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ trong việc tự do lựa chọn việc làm và nơi làm việc, vi phạm quy định của BLLĐ về giao kết, thực hiện và chấm dứt HĐLĐ.
Nhận xét về dự thảo thông tư của Bộ GTVT, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết trong trường hợp phi công muốn chấm dứt HĐLĐ mà dự thảo thông tư quy định phải báo trước 180 ngày, là trái với BLLĐ hiện hành (điều 37 và 38).
Cũng không thể vận dụng hiểu luật theo cách luật không quy định thời hạn tối đa mà chỉ quy định thời gian tối thiểu, để đưa ra quy định phải báo trước bằng văn bản 180 ngày. “Thông tư không thể “to” hơn luật được”, ông Bốn nhấn mạnh.
Tương tự, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng không nên giải quyết vấn đề chảy máu chất xám như dự thảo thông tư của Bộ GTVT.
Hiện BLLĐ chưa hình dung hết cơ chế đặc biệt cần thiết đối với một số ngành nghề đặc thù như hàng không (cơ chế đào tạo, kinh phí đào tạo, duy trì lực lượng vì còn liên quan các vấn đề an ninh quốc phòng...). Muốn giải quyết vấn đề này phải sửa đổi BLLĐ. theo hướng cho phép một số ngành nghề đặc thù được nới thời gian thông báo nghỉ việc, để DN không bị động; đồng thời sửa đổi Luật Hàng không cho phù hợp với lĩnh vực đặc thù.
Xử lý từ quy chế tuyển dụng
Cũng theo TS Lê Hồng Sơn, trước mắt, cần xử lý vấn đề từ quy chế tuyển dụng của DN. Cụ thể là đưa ra các điều kiện ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm của NLĐ, như: phải cam kết thời gian làm việc tối thiểu, thống nhất thời gian phải báo trước khi nghỉ việc, nếu vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường kinh phí đào tạo...
Tất nhiên, những trường hợp này chỉ áp dụng đối với NLĐ được cử đi đào tạo từ ngân sách của DN. Các trường hợp tự bỏ kinh phí đào tạo, tuyển dụng trên thị trường chỉ được áp dụng theo BLLĐ.