Theo Sky Sports, một trong những lý do khiến Manchester United chưa có được sự ổn định là việc thiếu đi chân sút có thể ghi 20 bàn thắng tại Ngoại hạng Anh trong một mùa giải.
Có một thống kê đáng kinh ngạc là vẫn chưa có cầu thủ nào của MU đạt cột mốc 20 bàn tại Ngoại hạng Anh kể từ sau Robin van Persie ở mùa giải 2012/13.
Cụ thể, trong mùa giải cuối cùng của Sir Alex Ferguson, chân sút người Hà Lan đã ghi được 26 bàn thắng, góp công lớn trong chức vô địch Ngoại hạng Anh gần nhất của "Quỷ đỏ".
Thanh gươm cùn
Để so sánh, kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, có tới 10 đội bóng đã có cầu thủ ghi được hơn 20 bàn trong một mùa tại Ngoại hạng Anh.
Man City đứng đầu với 4 cầu thủ đạt được cột mốc đó, bao gồm Sergio Aguero (5 lần), Erling Haaland (2 lần), Yaya Toure và Raheem Sterling.
Ngay cả những đội bóng tầm trung bình và khá tại Ngoại hạng Anh cũng đều sở hữu một chân sút cự phách trong đội hình như Brentford, Everton hay Southampton.
Trong khi đó, kỉ lục ghi nhiều bàn thắng nhất trong một mùa giải của một cầu thủ MU kể từ 2012/2013 chỉ là 18 pha lập công của Bruno Fernandes (2020/2021) và Cristiano Ronaldo (2021/2022).
Mùa giải trước, danh hiệu cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho MU thuộc vệ Fernandes và Rasmus Hojlund với cùng 10 bàn thắng.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 50 năm qua, chân sút số một của "Quỷ đỏ" mới lại sở hữu thành tích khiêm tốn đến thế, kể từ sau Sammy McIlroy với 6 bàn thắng vào mùa giải 1973/1974.
Sự thiếu hụt một "sát thủ" cũng là một trong những lý do chính khiến Ruud van Nistelrooy được bổ nhiệm làm trợ lý của Ten Hag vào mùa hè này.
Thời còn thi đấu, Van Nistelrooy đã đạt cột mốc 20 bàn trong 4 mùa giải là 2001/02, 2002/2003, 2003/2004 và 2005/2006.
Xét rộng hơn trên cả lịch sử giải đấu, cựu tiền đạo người Hà Lan đã ghi được 150 bàn thắng trong 219 lần ra sân cho MU. Trong giai đoạn 2001-2006, Van Nistelrooy chính là một trong những tiền đạo khét tiếng nhất giải với 95 bàn trong 150 lần ra sân.
Dù đã giải nghệ từ lâu, nhưng cho đến nay, trợ lý HLV này vẫn là cầu thủ có hiệu suất ghi bàn tốt nhất của MU trong lịch sử Ngoại hạng Anh, với trung bình một bàn thắng sau mỗi 128 phút.
Mùa trước, Manchester United chỉ ghi được 57 bàn tại Premier League, ngang bằng với Crystal Palace và kém hơn West Ham United hay Aston Villa.
Cùng với Mitchell van der Gaag, Steve McClaren hay Van Nistelrooy, Erik ten Hag cũng đưa chân sút nổi tiếng một thời Benni McCarthy về ban huấn luyện, với vai trò cụ thể là HLV tiền đạo.
Liệu Zirkzee hoặc Hojlund có phải lời giải?
Không ai nghi ngờ khả năng ghi bàn của cựu danh thủ người Hà Lan, nhưng bóng đá là trò chơi của những cầu thủ còn đang thi đấu trên sân. Không phải Van Nistelrooy, chính những cầu thủ MU mới là người định đoạt mọi thứ.
Đó cũng là lý do mà HLV Erik ten Hag mang về Zirkzee để hỗ trợ cho Hojlund. Điều đó được chứng minh ở giai đoạn cuối mùa 2023/24. Cựu HLV Ajax từ bỏ sơ đồ 4-2-3-1, chuyển sang 4-2-2-2.
Nhờ vậy, MU chơi tốt hơn hẳn. Cách bố trí này phù hợp để cùng sử dụng Zirkzee và Hojlund trên hàng công.
Tân binh 23 tuổi cũng đã nhanh chóng ghi dấu ấn khi trở thành cầu thủ đầu tiên ghi bàn trong mùa giải mới với pha lập công giúp MU thắng Fulham trong ngày khai màn Ngoại hạng Anh.
Một trong những đặc điểm chính trong lối chơi của Zirkzee mùa giải trước là khả năng xử lý bóng thoải mái. Điều này khiến tiền đạo người Hà Lan có xu hướng chơi lùi sâu thay vì di chuyển xung quanh vòng cấm.
Chính nỗ lực kết nối lối chơi này đã giúp Zirkzee đạt trung bình 49,5 lần chạm bóng mỗi 90 phút ở Serie A, con số cao nhất đối với một tiền đạo cắm tại giải đấu. Để so sánh, Hojlund chỉ có 28 lần chạm bóng mỗi 90 phút tại Ngoại hạng Anh mùa trước.
Bên cạnh đó, việc được chơi trong một đội bóng yêu cầu khả năng pressing rất cao đã giúp Zirkzee cải thiện đáng kể khả năng chơi không bóng của mình. Thống kê cho thấy cựu tiền đạo Bologna đứng thứ hai Serie A về số lần giành được quyền kiểm soát bóng ở 1/3 cuối sân.
Sở hữu chiều cao lên đến 1,93 m, nhưng Zirkzee cũng có khả năng xử lý bóng cực kỳ ấn tượng. Theo thống kê, chân sút này đạt trung bình 4,3 lần rê bóng/90 phút, cao nhất ở Serie A đối với các tiền đạo mục tiêu.
Một trong những kỹ thuật ưu thích của Zirkzee là "Cruyff turn" - thuật ngữ chỉ pha ngoặt qua người kinh điển của huyền thoại Johan Cruyff. Một trong những pha xoay người kiểu này của Zirkzee thường khiến đối thủ bối rối và dễ dàng bị vượt qua.
Hojlund sở hữu tiềm năng của một cây săn bàn hàng đầu với khả năng xâm nhập vòng cấm khá tốt, tuy nhiên lại không giỏi trong việc rời khỏi tuyến đầu để kết nối với các đồng đội. Sự có mặt của Zirkzee vì thế sẽ giúp MU giải phóng Hojlund khỏi nhiệm vụ làm tường và kiến thiết lối chơi.
MU đã từng có những cặp "song sát" với sức công phá từng khiến cả Ngoại hạng Anh phải sợ hãi như Dwight Yorke - Andy Cole hay Cristiano Ronaldo - Wayne Rooney.
Ở mức độ nào đó, Rasmus Hojlund và Joshua Zirkzee cũng là hai mẫu cầu thủ với những ưu điểm có thể bù đắp rất tốt cho nhau.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.