Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công an TP.HCM nói về hình thức 'xổ số Labubu' trên TikTok

“Việc bán thú nhồi bông Labubu hay bất kỳ sản phẩm nào với hình thức như trên có thể có dấu hiệu của hành vi đánh bạc”, thượng tá Nguyễn Thăng Long - phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết.

"Quái vật thỏ" Labubu hiện là món art toy được giới trẻ săn mua. Ảnh: Pop Mart.

Gần đây trên mạng xã hội, trò xổ số may rủi với phần thưởng là thú nhồi bông Labubu trở thành trào lưu. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính hợp pháp của hoạt động và đây có phải hình thức đánh bạc trá hình.

Cụ thể, chạy theo cơn sốt Labubu, nhiều người bán món đồ chơi nghệ thuật (art toy) này trên các nền tảng như TikTok và Facebook đã tổ chức các trò chơi có hình thức rút thăm, xổ số, lô tô (raffle). Với hình thức hoạt động khá giống cá cược, người chơi mua vé để có cơ hội trúng thưởng một món đồ chơi thú nhồi bông Labubu. Mỗi lượt chơi thường có từ 10-20 chỗ (slot), hoặc hơn tùy vào quy mô của trò chơi.

Người chơi có thể dùng tiền để mua một hoặc nhiều slot để tăng cơ hội trúng thưởng. Chi phí dao động từ vài chục nghìn đến cả triệu đồng, tùy thuộc vào “luật chơi” mà chủ kênh livestream đưa ra.

Giá mỗi phần thưởng khoảng 1 triệu đồng, nhưng vé tham gia lại được bán cho 10-20 người, tạo ra lợi nhuận lớn cho các chủ shop. Mỗi ngày, những người tổ chức có thể thu lợi hàng chục triệu đồng từ hoạt động này.

Một trong những vấn đề gây lo ngại là cách thức mà các chủ shop lách luật để tổ chức kiểu trò chơi này. Câu hỏi về hình thức này được đặt ra trong buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/8.

Trước những phản ánh từ dư luận, thượng tá Nguyễn Thăng Long - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM - cho biết: "Công an Thành phố đã nắm được phương thức hoạt động, cách thức tổ chức 'trò chơi' này. Hiện các đơn vị nghiệp vụ Công an Thành phố đã và đang tổ chức thu thập tài liệu về hoạt động này để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm".

Nói về hình thức huy động tiền và bốc thăm có thưởng, đại diện Công an TP.HCM cho biết: "Đây là một trong những loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật nếu không được quan chức năng quản lý".

Theo thượng tá Nguyễn Thăng Long, hình thức huy động tiền và bốc thăm có thưởng - tương tự như phản ánh trên mang tính chất trò chơi có thưởng của PV - cần phải có sự phê duyệt, cho phép của cơ quan chức năng với các quy định, điều lệ chặt chẽ.

Ông Long cũng nhấn mạnh rằng: “Việc bán thú nhồi bông Labubu hay bất kỳ sản phẩm nào với hình thức như trên có thể có dấu hiệu của hành vi đánh bạc. Nếu tổng số tiền tham gia một lần chơi 5 triệu đồng trở lên, số lượng người tham gia 10 người trở lên sẽ cấu thành hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc đối với cả người bán và người mua”.

Bên cạnh việc nắm bắt thông tin và xử lý các hoạt động vi phạm, Công an TP.HCM cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các trò chơi rút thăm trúng thưởng hoặc các hình thức trò chơi trúng thưởng khác trên mạng để tránh việc vi phạm pháp luật. Họ có thể trở thành nạn nhân của những hình thức lừa đảo như mua hàng nhái, bị lừa cọc, hoặc thậm chí không nhận được sản phẩm sau khi trúng thưởng.

Nếu phát hiện bất kỳ hoạt động cờ bạc nào, người dân có thể trình báo trực tiếp tại trụ sở cơ quan công an gần nhất hoặc thông qua các hình thức khác như gọi điện thoại, gửi đơn trình báo, hoặc sử dụng ứng dụng VNeID. Công an TP.HCM cũng cam kết bảo mật danh tính người trình báo nếu có yêu cầu.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm