Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 20/8, nhiều đề xuất đã được đưa ra để phát triển thị trường lao động, trong đó có bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động.
"Việc bảo đảm thu nhập thực tế của người lao động rất quan trọng. Bởi lạm phát cao là một loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nói tại hội nghị.
Bà Hồng cho rằng lao động và phát triển thị trường lao động "đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định đối với việc phát triển kinh tế của một quốc gia".
Bà kể ra một số giải pháp để phát triển thị trường lao động như đào tạo nghề, đảm bảo các điều kiện để người lao động yên tâm làm việc, giải pháp chính sách về nhà ở, cân đối cung cầu lao động.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ quan này cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các khoản vay tiêu dùng cho công nhân của KCN. Nếu làm được, NHNN sẽ tiến hành nhân rộng hình thức này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hạn chế của thị trường lao động là tình trạng phân bổ không đồng đều, năng suất và chất lượng lao động thấp, khó thu hút đầu tư FDI công nghệ cao.
Tình trạng mất việc làm, thiếu hụt lao động cục bộ một số địa phương và lĩnh vực cũng diễn ra trong giai đoạn này. Ngoài ra, tốc độ già hóa dân số nhanh hơn dự báo làm giảm lực lượng lao động, dẫn tới nguy cơ "chưa giàu đã già".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 5 giải pháp ngắn hạn, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội; làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học; giải quyết vấn đề khan hiếm lao động cục bộ; tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Các nhóm giải pháp dài hạn bao gồm hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin để kết nối cung cầu lao động.
Tại hội nghị, Tổng giám đốc Trường Hải (Thaco) Phạm Văn Tài cũng đưa ra các giải pháp phát triển thị trường lao động, bao gồm ban hành hệ thống chính sách đồng bộ trong phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển kinh tế vùng; chú trọng tổ chức hệ thống giáo dục và đào tạo từ trường phổ thông đến đại học và các trường đào tạo nghề; tập trung phát triển nhân lực có trình độ cao.
Tổng giám đốc Trường Hải Thaco Phạm Văn Tài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Ông Tài cũng cho rằng cần nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí trong nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nhân tài; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu, đào tạo theo xu thế chuyển đổi số hiện nay.
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút thêm chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Tổng số nhân sự của Thaco hiện nay là trên 60.000 người, trong đó, trình độ đại học, trên đại học 32%; cao đẳng, kỹ thuật 18%; công nhân kỹ thuật 50%.
Trong giai đoạn 2022-2025, Thaco có nhu cầu nhân sự tăng 15%/năm, tức là khoảng 9.000-10.000 việc làm/năm.
Để đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, Thaco đã chú trọng tuyển dụng tại địa phương, chủ động đào tạo, huấn luyện, thường xuyên phát triển nhân sự, kiện toàn và nâng cấp quản trị nhân sự đáp ứng chiến lược sản xuất, kinh doanh từng giai đoạn.