Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn Nhật Bản làm điểm đến đầu tiên cho chuyến công du dài ngày tới hàng loạt quốc gia châu Á. Điểm đến sau đó là Hàn Quốc, vào ngày 7/11.
Điểm chung dễ nhận biết giữa chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của tổng thống Mỹ là địa điểm máy bay Air Force One hạ cánh: căn cứ quân sự.
Sức mạnh Mỹ ở nước ngoài
Không phải sân bay quốc tế Haneda hay Narita, căn cứ không quân Yokota ở ngoại ô thủ đô Tokyo của Nhật Bản là chặng dừng đầu tiên của Tổng thống Trump ở châu Á.
Theo CNN, với diện tích hơn 7 km2 và là nơi làm việc của 14.000 binh lính, Yokota vốn được coi là "nước Mỹ thu nhỏ" trong lòng nước Nhật. Các công trình kiến trúc, nhà cửa, công viên... đều đậm chất Mỹ, nhằm giúp những quân nhân vơi đi cảm giác nhớ nhà.
Tổng thống Mỹ đặt chân đến Nhật Bản trong sự chào đón nồng nhiệt của hàng nghìn quân nhân. Ảnh: Reuters. |
Căn cứ này có 3.000 m đường băng máy bay. Trụ sở của Bộ tư lệnh Phòng không Nhật cũng đặt ở đây để điều hành các hoạt động của hệ thống tên lửa phòng không.
Trong chiếc áo quân phục, ông chủ Nhà Trắng thể hiện đúng tác phong của một tổng tư lệnh khi lần đầu tiên có mặt tại châu Á kể từ khi nhậm chức. Trước hàng nghìn quân nhân, ông Trump ca ngợi mối quan hệ với Toyo và không quên cảnh báo các thế lực thù địch không nên coi thường sức mạnh của nước Mỹ.
Tại Hàn Quốc, địa điểm ông chọn để hạ cánh là căn cứ không quân Osan, nơi cách biên giới Triều Tiên chỉ hơn 60 km.
Không chỉ là nơi có hai đường băng với tổng chiều dài lên tới trên 3.000 m, Osan là nơi có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Trump và bà Melania tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP. |
Nơi đây sở hữu sân bay quan trọng của lực lượng binh lính Mỹ ở bán đảo Triều Tiên, và là căn cứ tiền tiêu của Lầu Năm Góc ở vùng Viễn Đông. Washington đặt hàng chục máy bay Dragon Lady với khả năng bay cao hơn 21.000 m trên mực nước biển ở căn cứ này.
Osan cũng là nơi đồn trú của 2 phi đội bay F-16 với những phi công được huấn luyện bằng tôn chỉ "sẵn sàng cất cánh ngay đêm nay". Một phi đội F-16 khác được đặt tại Kunsan, căn cứ không quân còn lại của Mỹ ở Hàn Quốc.
Sau Thế chiến II, Mỹ duy trì lực lượng quân sự khổng lồ ở Nhật Bản và Hàn Quốc với sự có mặt đầy đủ của các binh chủng. Hai quốc gia này được coi là tiền tuyến của Mỹ trong việc gia tăng hiện diện và sự ảnh hưởng tại châu Á - Thái Bình Dương.
Sự có mặt của ông Trump tại hai căn cứ này là minh chứng rõ nét nhất cho thấy chính quyền Mỹ vẫn mong muốn duy trì ảnh hưởng trong khu vực thông qua những hàng loạt căn cứ quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang lâm vào thế bế tắc.
Thông điệp tới Triều Tiên
Chuyến công du châu Á của ông Trump diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang từ đầu năm 2017, sau hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đặc biệt, Triều Tiên đã phóng thử các tên lửa đạn đạo vào ngày 29/8 và 15/9 bay qua Hokkaido trước khi rơi xuống Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ được chào đón bởi người đồng cấp Moon Jae In tại doanh trại Humphreys. Ông nghe báo cáo về tình hình an ninh trên bán đảo rồi cùng dùng bữa trưa với các quân nhân. Ảnh: AFP. |
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được dự đoán là trọng tâm đối thoại trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại Nhật Bản, ông nhấn mạnh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là "mối đe dọa đối với thế giới văn minh, với hòa bình và ổn định toàn cầu".
Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ có bài phát biểu trước quốc hội Hàn Quốc và kêu gọi "cùng nhau giải quyết trước thách thức chung".
Trong khi Mỹ cùng các đồng minh và đối tác đang gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, chính quyền của ông Trump khẳng định tất cả phương án đều sẵn sàng, bao gồm hành động quân sự, để đối phó với tình hình.
Theo Reuters, Mỹ có hơn 30.000 quân tại Hàn Quốc, cùng hàng loạt xe tăng, xe bọc thép, xe thiết giáp chở quân, vũ khí cá nhân và đạn dược... Đây chính là "cú đấm thép" của Washington tại châu Á, trong trường hợp xung đột trên bán đảo đảo Triều Tiên bùng nổ.
Sự có mặt của Tổng thống Trump tại hai căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc chính là thông điệp cứng rắn nhằm tới Triều Tiên, cho thấy phương án quân sự luôn nằm trong tay của những nhà cầm quyền ở Washington.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng đã đe đọa sẽ "trừng phạt không khoan nhượng" nếu ông chủ Nhà Trắng đưa ra bất cứ phát ngôn nào không thận trọng.