Một chiến đấu cơ Mỹ đáp xuống sàn của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong Vịnh Bengal hôm 17/10. Ảnh: AP |
Hàng loạt tàu chiến và phi cơ của Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ thực hành kỹ năng chống tàu ngầm đối phương trong cuộc tập trận đa hạng mục trên Vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương vào cuối tuần trước. Đây là dấu hiệu cho thấy 3 cường quốc đang củng cố mối quan hệ trong bối cảnh họ phải cạnh tranh với Trung Quốc, Wall Street Journal bình luận.
Sự quan ngại về sức mạnh quân sự đang tăng nhanh của Trung Quốc cũng như khả năng triển khai lực lượng ngày càng xa bờ của Bắc Kinh đã khiến giới cầm quyền ở Washington, New Delhi và Tokyo thay đổi suy nghĩ theo hướng thúc đẩy hợp tác kinh tế và quốc phòng.
"Lợi ích của chúng tôi ngày càng chồng lấn. Lập quan hệ đối tác hàng hải với những bạn bè và đồng minh cùng chí hướng là việc rất quan trọng", Amy E. Searight, Phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Nam Á và Đông Nam Á, bình luận.
Cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương bắt đầu từ tuần trước và sẽ kết thúc trong ngày 18/10 – diễn ra trong bối cảnh giới chức Mỹ tỏ ý định thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông bằng cách điều phi cơ hoặc chiến hạm tuần tra gần những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp.
Phát biểu trước cuộc tập trận mà Mỹ dùng cụm từ "diễn tập tác chiến phức tạp với công nghệ cao", các quan chức cấp cao từ cả ba nước khẳng định họ không nhắm tới bất kỳ quốc gia nào, mà chỉ muốn bảo đảm tự do hàng hải toàn cầu.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận về cuộc tập trận. Tuần trước, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh có quan hệ tốt với cả Ấn Độ và Mỹ. Bà hy vọng cuộc tập trận sẽ thúc đẩy ổn định.
Bắc Kinh từng thể hiện sự quan ngại về mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Ấn Độ với Nhật Bản và Mỹ. Hôm 16/10, Hoàn Cầu thời báo, một báo thuộc sở hữu của nhà nước, cảnh báo: "Ấn Độ nên thận trọng nếu họ có ý định tham gia liên minh chống Trung Quốc".
Chính phủ Ấn Độ không hài lòng với sự hiện diện ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, cũng như chính sách gây ảnh hưởng bằng viện trợ của Bắc Kinh đối với những nước láng giềng của Ấn Độ ở Nam Á.
Năm ngoái, hơn 2.000 binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu nhau ở một khu vực hẻo lánh trên dãy Himalaya mà hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Không tiếng súng nào vang lên nhưng đây là cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. Nó có hàm ý quan trọng vì xảy ra vào thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Ấn Độ.
Trong chuyến công du Nhật Bản vào năm 2014, tức là trước khi tình trạng căng thẳng ở biên giới bùng phát, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã ám chỉ Trung Quốc khi ông phê phán "tư tưởng bành trướng" của những nước muốn xâm phạm bờ cõi của quốc gia khác.
Từ trạng thái "căng thẳng và hoài nghi" thời Chiến tranh Lạnh, giờ đây, dưới sự chèo lái của Modi, New Delhi tăng cường hợp tác với Washington. Vị thủ tướng cũng cam kết rằng ông sẽ hiện đại hóa quân đội và công bố kế hoạch chi hàng tỷ USD để mở rộng Hải quân. Một trọng tâm của ông là tăng cường khả năng tác chiến chống tàu ngầm vào giai đoạn mà hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trong Ấn Độ Dương tăng dần.
Hợp tác khăng khít
Bên cạnh tác chiến chống tàu ngầm, trọng tâm của cuộc tập trận cũng là bảo vệ hàng không mẫu hạm và các hoạt động tác chiến trên tàu sân bay – mối quan tâm chủ đạo của Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi muốn mở rộng hoạt động của hàng không mẫu hạm. Một khu trục hạm, hai tàu tuần dương cỡ nhỏ và một tàu ngầm của Ấn Độ tham gia cuộc tập trận.
Hải quân Mỹ phái một nhóm tàu hiện đại tham gia cuộc tập trận. Chúng bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, một tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường, một tàu ngầm tấn công và USS Fort Worth – chiến hạm tác chiến ven bờ từng làm nhiệm vụ ở Biển Đông. Một khu trục hạm của Nhật Bản cũng tham gia diễn tập.
Để phô trương sức mạnh của Hải quân Nhật Bản, hôm 17/10, Thủ tướng Shinzo Abe thị sát hàng chục tàu chiến ở vùng biển phía nam thủ đô Tokyo. Trong chuyến thị sát, ông cũng thăm nhiều chiến hạm từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Pháp.
"Hợp tác và liên kết đang trở thành xu hướng lớn do mối quan ngại của các nước đối với sự dịch chuyển cán cân quyền lực ở châu Á và sự trỗi dậy của Trung Quốc", Ashley Tellis, một chuyên gia về Đông Nam Á của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie tại Washington, phát biểu.
Ấn Độ vẫn tiếp tục là đối trọng của Trung Quốc, song sức mạnh chiến lược của họ sẽ phụ thuộc vào khả năng tạo ra kiểu tăng trưởng kinh tế giúp Trung Quốc trỗi dậy. "Nếu Ấn Độ không hợp tác, họ sẽ chỉ là một thế lực yếu trên bàn vờ và đó sẽ là điều không may đối với cả New Delhi lẫn Washington", Tellis dự đoán.