(Từ phải sang) Ông Nguyễn Thanh Công, Phan Anh Điền (Ba Khắc) và Võ Anh Thanh (Tư Yển) trong buổi trò chuyện với độc giả TP.HCM về ký ức Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Thanh Trần. |
Cách đây 55 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm thay đổi cục diện chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, làm dấy lên phong trào đòi rút quân tại Mỹ và là tiền đề tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuộc chiến diễn ra trong thời gian ngắn và gấp rút, nhưng tính táo bạo của nó với những đợt tấn công trực diện vào địa điểm hiểm yếu đã khiến nó được nhớ đến như một thiên hùng ca của dân tộc.
Trong dịp kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức chương trình giao lưu và giới thiệu quyển sách Mậu Thân 1968 - Một thiên anh hùng ca nhằm ôn lại sự kiện xưa và rút ra những bài học giá trị của thế hệ thanh niên hiện nay.
Trong buổi ra mắt sách sáng ngày 7/1, nhiều nhân chứng lịch sử - những người đã tham gia trong chiến dịch mùa xuân năm 1968 - đã có mặt để chia sẻ lại những ký ức xúc động một thời. Họ là những người mà 55 năm trước vẫn còn là những thanh niên 21-23 tuổi, nay đã gần 80 song vẫn mang lý tưởng ở tuổi đôi mươi.
“Ngày xưa vì xảy ra chiến tranh mà chúng tôi bỏ học để làm nhiệm vụ bảo vệ và xa hơn nữa là phát triển đất nước. Nhiệm vụ của thanh niên bây giờ là phấn đấu để đưa đất nước sánh ngang với thế giới”, ông Nguyễn Thanh Công - người tham gia sự kiện 1968 - đúc kết lại.
Tác phẩm Mậu Thân 1968 - Một thiên anh hùng ca được ra mắt nhân kỷ niệm kỷ niệm 55 năm Xuân Mậu Thân (1968 – 2023). Ảnh: Thanh Trần. |
“Điều tôi mong muốn ở thế hệ trẻ ngày nay chính là sự đổi mới tư duy, các bạn không thể làm như chúng tôi 50 năm trước nữa. Chúng ta cần học tập, tiếp cận công nghệ 4.0 với một tư duy mới từ các nền kinh tế khác trên thế giới”, ông nói thêm.
Tác phẩm Mậu Thân 1968 - Một thiên anh hùng ca có bố cục bốn phần, bao gồm: Bối cảnh lịch sử; Phong trào đấu tranh của thanh niên - sinh viên Sài Gòn - Gia Định 1966 - 1967; Tiến công vũ trang giữa Sài Gòn và Ký ức Mậu Thân. Bên cạnh đó, nhiều hình minh họa, số liệu cùng những chia sẻ của nhiều chứng nhân là những tư liệu hiếm có, hữu ích trong việc tra cứu về một giai đoạn lịch sử hào hùng, đồng thời khơi gợi lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
“Tập sách được xuất bản đã đóng góp thêm vào kho tư liệu quý giá của Thành phố, giúp cho thế hệ trẻ hiểu rằng tự hào về truyền thống của cha anh không chỉ dừng lại ở nhận thức, ở thái độ mà quan trọng hơn phải chính là những hành động cụ thể, thiết thực trong quá trình dựng xây thành phố…”, bà Trịnh Thị Hiền Trân - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố - chia sẻ.
Theo bà Trân, tập sách với những bài viết, hình ảnh, tư liệu súc tích, cô đọng và cảm xúc có thể giúp độc giả hiểu thêm về phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên - học sinh Sài Gòn Gia Định giai đoạn 1966-1967, về tiếng trống hào hùng trong đêm văn nghệ Tết Quang Trung, sự ra đời của Trung tâm cứu trợ số 04 Duy Tân với biểu tượng “Tay nắm tay che” và những câu chuyện về biệt động Sài Gòn và lực lượng võ trang Thành Đoàn trong tổng tiến công Mậu Thân năm 1968... tất cả đã góp phần làm nên bản hùng ca mùa Xuân năm 1968.
“Rồi, như chúng ta đã biết: Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã nổ ra - đột ngột, bất ngờ, dũng mãnh, khí thế xung thiên! Lịch sử đã ghi. Báo chí, truyền thông Mỹ và phương Tây thừa nhận”, ông Phạm Chánh Trực - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn - viết trong lời giới thiệu.