Các giá sách chật ních trong góc phòng của anh Đình Ba. Ảnh: NVCC. |
Với một số người, kết thúc sự nghiệp học hành là rời xa sách vở. Nhưng với một số người khác, việc có một giá sách trong nhà là chưa đủ. Sách của họ để trên những chiếc giá, tủ sách có diện tích tràn bức tường nhà. Thậm chí có người dành một phòng để đựng sách. Trong thời đại mà không gian sống đắt đỏ như hiện nay, họ vẫn không ngần ngại dành những vị trí đẹp, trang trọng cho sách.
Họ có đọc hết lượng sách lớn hàng nghìn cuốn của mình không? Tại sao họ phải dành nhiều tiền để sở hữu sách như vậy?
Tích sách phục vụ công việc và tích sách để giữ kỷ niệm
Anh Đình Ba (một biên tập viên sống tại TP.HCM) là người có thói quen tích trữ sách để phục vụ công việc của mình. Có rất nhiều cuốn anh Ba chưa đọc hết tuy nhiên anh vẫn sử dụng chúng để tra cứu trong một số tình huống cần thiết. Tổng số sách anh Ba có lên đến gần 5.000 cuốn.
Với số lượng nhiều như vậy, anh Ba rất khó khăn trong việc sắp xếp sách theo một chủ đề cố định. Do đó, anh chỉ để chúng theo từng bộ một. Có những chồng sách anh Ba để tràn ra khỏi phòng của mình.
"Hiện nay số sách của tôi đã chật cứng tại các giá để, thêm việc hay tham khảo tài liệu hàng ngày nên tôi không thể để sách ngay ngắn như trước. Sách để tràn cả ra phòng. Tôi cố gắng kiểm soát, chọn lọc việc mua sách hơn để tránh lãng phí vì có nhiều cuốn chưa dùng. Tuy nhiên thói quen mua sách vẫn không bỏ", anh Đình Ba chia sẻ.
Đôi khi, việc lưu trữ sách không chỉ để phục vụ công việc. Nguyễn Hoài Nam (23 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) đã giữ toàn bộ số sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bổ trợ của mình từ hồi lớp 1 cho đến hiện tại. Trong vòng 12 năm THPT và 4 năm đại học, Nam đã để sách chật kín ba chiếc bàn học với các tủ khác nhau. Nam đã phải thiết kế thêm một số giá sách ẩn trong hộc tường hay làm lại bàn học sao cho nhỏ hơn để mở rộng diện tích chứa sách.
Nam chưa bao giờ nghĩ đến việc bán đi hoặc cho ai. Nam cho biết chương trình giáo dục mỗi năm một mới, các tài liệu không còn phù hợp nữa, bây giờ cho đi cũng chẳng có giá trị gì, bán lại tiếc. Nam còn lưu giữ cả những bộ sách của anh trai mình học ngày trước.
"Mình không sưu tầm những cuốn sách này và đối với công việc hiện tại, những cuốn sách càng không còn quá nhiều giá trị sử dụng. Tuy nhiên, chúng là một phần tuổi thơ của mình và đôi khi việc lật lại các trang sách bụi bặm đó lại cho mình cảm thấy như sống lại những kỷ niệm đẹp", Nam tâm sự.
Dù vậy, không ít lần Nam cũng chia sẻ về việc đống sách cũ đang chiếm diện tích quá lớn trong căn phòng của mình. Nam đã phải mua lại các thùng carton đựng giấy từ những cửa hàng photocopy với giá 150.000/10 thùng để chứa sách. Nam không muốn để sách tràn ra đất bởi sợ ẩm mốc bìa sách và đến lúc di chuyển lại khó khăn.
Mỗi khi dọn nhà dịp đầu năm mới, Nam lại lôi đống sách cũ ra, lật giở từng bộ một. Nam sắp lại chúng theo từng chồng, lớp 1 đến lớp 12. Một số ít sách dùng trong quá trình học đại học Nam vẫn giữ trên bàn để sử dụng lúc cần thiết.
Nhà văn, nhà báo Yên Ba là một người sưu tầm sách lâu năm, ông cất giữ chúng cẩn thận trong các tủ kính. |
Nhiều cách hay để bảo quản sách
Để bảo quản sách, người sử dụng có nhiều cách khác nhau. Nhà văn, nhà báo Yên Ba, một người sưu tầm sách chia sẻ: "Để giữ sách không bị ẩm mốc, tôi cất cẩn thận chúng trong những tủ kính. Tôi rang khoảng 1-2 kg hạt tiêu khô, chia đều vào các bít tất mỏng hoặc vải xô bằng nắm tay. Chúng có khả năng hút ẩm tốt và chống được việc mối mọt xâm nhập".
Đối với một số bạn trẻ với thời gian và chi phí không nhiều, họ lựa chọn tái sử dụng những gói hút ẩm trong thực phẩm để cạnh tủ sách. Nguyễn Bình Anh (một bạn trẻ mê sách) chia sẻ rằng: "Ở trên mạng có bán một số túi để trong tủ làm thơm quần áo, mình cũng từng sử dụng chúng để kẹp và giữa các chồng sách của mình. Không chỉ hút ẩm, chúng còn tạo ra mùi hương khá dễ chịu".
Mỗi cuốn sách luôn có một giá trị riêng trong bộ sưu tập cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, việc không gian chứa đang trở thành một vấn đề nan giải với nhiều người yêu sách. Dù sách điện tử hay có các phương tiện số hóa đã phát triển và phổ biến hơn nhưng sách in vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người.