Vụ lừa đảo khét tiếng được nhiều người trong ngành theo dõi. Ảnh: Richard Baker/In Pictures. |
Trong nhiều năm trời, có người đã mạo danh tác giả, quản lý, biên tập viên và đại diện nhà xuất bản, hòng đánh cắp các bản thảo sách mới từ các tác giả nổi tiếng như Margaret Atwood, Ian McEwan và Ethan Hawke. Những tiểu thuyết gia đầu tay, tác giả kém nổi cũng không phải ngoại lệ.
Người bị cáo buộc cho tội trạng này là Filippo Bernardini. Tờ New York Times đã đưa tin rằng theo một email từ văn phòng luật sư Mỹ, dự kiến, Bernardini nhận tội lừa đảo trước thẩm phán tại tòa sơ thẩm ở Manhattan.
Cục Điều tra Liên bang đã bắt giữ Bernardini vào đầu năm ngoái, buộc tội người này đã "mạo danh, lừa đảo và chủ ý lừa gạt hàng trăm người" trong hơn 5 năm, đánh cắp hàng trăm bản thảo chưa từng được xuất bản.
Người phát ngôn của văn phòng luật sư Mỹ đã từ chối bình luận vào thứ ba. Luật sư của Bernardini cũng chưa phản hồi yêu cầu bình luận từ phía New York Times.
Nhiều người nổi tiếng như Ethan Hawke (trái), Margaret Atwood (phải) từng bị đối tượng đánh cắp bản thảo tiếp cận. Ảnh: Daniel Dorsa; Arden Wray/The New York Times. |
Hành vi lừa đảo cao tay
Bernardini là một người Italy, từng làm giao dịch bản quyền cho Nhà xuất bản Simon & Schuster của Anh. Anh ta được cho là đã lợi dụng hiểu biết của một người trong ngành để thực hiện hành vi lừa đảo, như sử dụng từ viết tắt chuyên ngành (ví dụ, dùng "ms" thay cho "manuscript / bản thảo") và nắm chi tiết cách thức vận hành của các đại lý, nhà xuất bản, quy cách làm việc của biên tập viên, dịch giả...
Để đóng giả thành chuyên gia xuất bản, Bernardini thực hiện những thay đổi nhỏ trong tên miền của địa chỉ email để trông như email được công ty cấp ("penguinrandomhouse.com" thành "penguinrandornhouse.com", với chữ "m" thay bằng "rn"). Theo bản cáo trạng được công bố khi bị bắt, Bernardini đã đăng ký hơn 160 tên miền Internet mạo danh các chuyên gia và công ty xuất bản. Bản cáo trạng cho biết kế hoạch lừa đảo của anh ta bắt đầu muộn nhất từ tháng 8 năm 2016 cho đến mùa hè năm 2021.
Trả lời New York Times năm 2020, Catherine Eccles, giám đốc một văn phòng tìm kiếm tài năng văn học ở London, đã nói: "Kẻ lừa đảo biết khách hàng của chúng tôi là ai, biết chúng tôi tương tác với khách hàng như thế nào, đại lý phụ và đại lý chính phù hợp với đối tượng nào. Hành vi lừa đảo rất cao tay".
Bernardini dường như chọn mục tiêu của mình dựa trên thông báo về các thỏa thuận bản quyền được công bố trên các trang thông tin của ngành xuất bản như Publishers Marketplace và Publishers Weekly.
Sau khi Publishers Marketplace đăng một tin nhỏ cho biết tiểu thuyết gia James Hannaham đã bán cuốn sách Re-Entry của mình cho Little, Brown, Hannaham liền nhận được một email có vẻ như từ biên tập viên của ông, Ben George, yêu cầu bản thảo mới nhất.
Chân dung Filippo Bernardini. Ảnh: Daily Mail. |
Thư này lại được gửi đến một địa chỉ mà Hannaham hiếm khi sử dụng. Vì vậy, thay vì phản hồi lại bức thư nọ, nhà văn đã viết thư trực tiếp cho biên tập viên của mình, đính kèm bản thảo như yêu cầu. Biên tập viên nọ đã gọi lại và nói rằng ông chưa gửi một bức thư điện tử nào yêu cầu bản thảo của nhà văn.
Nhiều lần, Bernardini đã cố thâm nhập vào kho dữ liệu của công ty. Ngoài các tác giả, Bernardini theo đuổi cả các nhà tìm kiếm tài năng văn học, các chuyên gia xuất bản khác. Bị cáo từng nhắm vào một công ty tìm kiếm tài năng văn học có trụ sở tại New York. Y đã thiết lập các trang đăng nhập mạo danh, lừa nạn nhân nhập tên người dùng và mật khẩu, cho anh ta cơ hội truy cập vào kho dữ liệu của công ty, nơi chứa các bản tóm tắt cốt truyện và nhiều chi tiết khác về các cuốn sách sắp xuất bản.
Bí ẩn về động cơ
Dù đã bị bắt và chuẩn bị nhận tội, hành vi của Bernardini vẫn khiến giới xuất bản đặt ra nhiều câu hỏi. Câu hỏi lớn nhất là về động cơ, về cách bị cáo thu lợi từ việc làm của mình. Ví dụ, bọn tội phạm mạng nhắm vào các kịch bản phim Hollywood thường cố gắng kiếm tiền bằng cách đăng kịch bản chúng đánh cắp lên mạng và thu phí đọc từ người hâm mộ. Một số tội phạm mạng khác thì đánh cắp các tác phẩm có bản quyền rồi bán lại trên web đen.
Trong bản cáo trạng, Bộ Tư pháp Mỹ không nhắc gì đến việc Bernardini tìm cách bán các bản thảo ở chợ đen hay xuất bản sách lậu. Một số nạn nhân của Bernardini đã nói với phóng viên của The Times rằng họ chưa từng thấy tác phẩm bị đánh cắp trôi nổi trên thị trường. Một số người trong ngành theo dõi vụ việc đã suy đoán rằng bị cáo hẳn đã cố nâng cao danh tiếng của mình bằng kiến thức nội bộ về các dự án nội bộ.
Trong hồ sơ LinkedIn, Bernardini tuyên bố có bằng cử nhân tiếng Trung Quốc tại Đại học Cattolica ở Milan và lấy bằng thạc sĩ về xuất bản tại Đại học College London. Y có một số kinh nghiệm biên dịch khi thực hiện bản dịch tiếng Italy cuốn hồi ký Our story của tác giả truyện tranh Trung Quốc Rao Pingru. Trên LinkedIn, y mô tả khát vọng của mình là đảm bảo “sách có thể được đọc và thưởng thức trên toàn thế giới bằng nhiều ngôn ngữ”.