Bình luận
"Big 3" hiện có 20 Grand Slam cho mỗi tay vợt. Cuộc đua giữa họ trở lại vạch xuất phát. Đó là điều Novak Djokovic dường như không thể tưởng tượng ra khi anh bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp, dấn thân vào ATP Tour để cạnh tranh danh hiệu với Roger Federer và Rafael Nadal.
Khi đó, Federer đang độc chiếm ngôi số một của quần vợt nam thế giới. Trong khi Nadal, một thần đồng chính hiệu, đã bất khả chiến bại trên mặt sân đất nện ở tuổi thiếu niên và sớm thách thức "Tàu tốc hành" trên mọi mặt sân.
Federer, Djokovic, Nadal đều sở hữu 20 Grand Slam. Ảnh: US Open. |
Djokovic đuổi kịp Federer và Nadal
Cuộc chiến giữa Federer và Nadal trở thành chủ đề độc tôn, thống trị quần vợt nam nửa sau thập niên đầu của thế kỷ XXI. Khi đó, Djokovic ở bên ngoài quan sát, nhưng ở góc độ đó, anh thu thập thông tin và tìm thấy cảm hứng để cầm vợt ra sân.
"Tôi nghĩ Federer và Nadal là lý do tôi có được vị trí của ngày hôm nay. Họ đã giúp tôi nhận ra mình phải làm gì để cải thiện, trở nên mạnh mẽ hơn về mặt tinh thần, thể chất và chiến thuật. Khi tôi vào tốp 10 lần đầu tiên, tôi đã thua họ ở những trận cầu lớn trong 3 hay 4 năm liền. Điều gì đó đã thay đổi vào cuối năm 2010, đầu năm 2011. 10 năm qua là một cuộc hành trình đáng kinh ngạc và tôi sẽ không dừng lại ở đây", Djokovic chia sẻ sau khi vô địch Wimbledon.
Tay vợt số một thế giới nhận set thua thứ hai từ đầu giải trước Matteo Berrettini tại chung kết hôm 11/7. Tuy nhiên, anh đã thể hiện bản lĩnh và độ quái để thắng 3 set còn lại. Chung cuộc, Djokovic lần thứ 6 vô địch Wimbledon khi hạ đối thủ 25 tuổi người Italy với các tỷ số 6-7, 6-4, 6-4, 6-3.
Djokovic luôn là người theo đuổi Federer, Nadal trong cuộc đua danh hiệu và các kỷ lục. Song từ lúc nào, anh đã dần cân bằng và vượt lên. Tay vợt người Serbia đang có thành tích đối đầu tốt hơn hai đối thủ. Anh cũng là người duy nhất đánh bại Federer 3 lần tại Wimbledon, và 2 lần hạ Nadal tại Pháp Mở rộng.
Federer và Nadal là động lực để Djokovic thi đấu. Ảnh: US Open. |
Không phải Federer hay Nadal, Djokovic mới là tay vợt có số tuần ở vị trí số một nhiều nhất lịch sử bảng xếp hạng ATP (329 tuần). Kỷ lục cũ của Federer là 310 tuần. Djokovic cũng là tay vợt duy nhất giành được cả 9 danh hiệu Masters 1.000 đánh đơn, điều mà anh làm được tới 2 lần.
Nhưng phải đến chủ nhật vừa qua, Djokovic mới bắt kịp hai đối thủ, những người anh cho là thước đo của sự tiến bộ. Danh hiệu Grand Slam là thước đo vĩ đại nhất trong môn quần vợt, và "Big 3" đang sở hữu mỗi người 20 danh hiệu.
Đó là thành tích tuyệt vời cho những cuộc đua trường kỳ, không biết mệt mỏi. Đây là điều mà ít người có thể nghĩ đến khi Pete Sampras lập kỷ lục cũ với danh hiệu Grand Slam thứ 14, sau khi lên ngôi ở giải đấu cuối cùng tại US Open 2002.
Sampras, người đã phá vỡ cột mốc 12 Grand Slam của Roy Emerson, chắc chắn không nghĩ kỷ lục của mình sẽ bị xô đổ khi ông để thua Federer trong lần gặp duy nhất của họ tại Wimbledon 2001 ở vòng 4.
"Tôi chỉ ngạc nhiên về thế hệ này. Nếu bạn hỏi tôi bắt đầu với 14 danh hiệu và liệu 3 chàng trai kia có vượt qua tôi trong vòng 15-19 năm tới hay không, tôi sẽ nói không đời nào", Sampras chia sẻ.
Có nhiều cách giải thích. Kỷ lục của Sampras khi nhìn lại đã chín muồi. Cho đến năm 1968, khi các giải Grand Slam trở nên mở rộng cho giới chuyên nghiệp, nhiều tay vợt hàng đầu như Jack Kramer, Pancho Gonzalez và Rod Laver đã không đủ điều kiện để thi đấu. Ngay cả sau khi quần vợt bước vào Kỷ nguyên Mở, những tay vợt nam hàng đầu như Bjorn Borg, Jimmy Connors và John McEnroe thường bỏ qua Australian Open hoặc Pháp Mở rộng.
Sampras là một trong những nhà vô địch vĩ đại đầu tiên cam kết chơi cả 4 giải chuyên nghiệp mỗi năm. Và mặc dù Sampras xuất sắc trên các mặt sân nhanh, ông thậm chí chưa bao giờ vào đến chung kết Pháp Mở rộng, một phần vì lối chơi giao bóng lên lưới, không phù hợp trên sân đất nện.
Cuộc đua danh hiệu của "Big 3". Ảnh: ATP. |
Cơ hội để Djokovic vượt lên
Tuy nhiên, sự nổi lên của "Big 3" đã tương ứng với một phong cách thống nhất. Trong thời đại này, một tay vợt có thể giành chiến thắng tại Wimbledon giống như cách họ vô địch US Open. Đó là lối chơi tấn công từ vạch cuối sân, tung cú thuận tay và chặn những pha giao bóng uy lực, cũng như di chuyển sâu vào sân để làm hạn chế lợi thế của đối thủ.
"Mọi tay vợt đều chơi giống nhau, nhưng chỉ 3 người giỏi hơn hẳn số còn lại. Về mặt nào đó, việc thống trị sẽ dễ dàng hơn. Nói cách khác, cuộc cạnh tranh càng khó hơn với các tay vợt trẻ khi phải chống lại đối thủ có kinh nghiệm, tài năng", Sampras nói.
Năm này qua năm khác, những tiến bộ trong phương pháp phục hồi và đào tạo đã kéo dài sự nghiệp cho các tay vợt. Ở giai đoạn này, các tay vợt lớn tuổi này nhìn thấy vận động viên lớn tuổi khác thành công và nghĩ tại sao không phải là mình?
Sự nghiệp kéo dài thêm cũng cho phép các tay vợt có thêm thời gian để giải quyết những điểm yếu của mình với nhiều dữ liệu phân tích hơn. Khi được hỏi điều gì đã giúp bản thân cải thiện đáng kể nhất trong thập kỷ qua, Djokovic trả lời: "Chỉ là khả năng đối phó với áp lực".
"Bạn càng chơi nhiều trận đấu lớn, bạn càng có nhiều kinh nghiệm. Càng có nhiều kinh nghiệm, bạn càng tin tưởng vào bản thân. Càng chiến thắng, bạn càng tự tin. Tất cả đều được kết nối với nhau", Djokovic nói.
Tất nhiên, điều gì cũng có những giới hạn. Federer, người có kinh nghiệm nhất trong "Big 3", ở tuổi 39, có lẽ sẽ không để thua 3-6, 6-7, 0-6 trước hạt giống số 14 Hubert Hurkacz nếu anh ấy còn ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng Djokovic mới 34 tuổi và đang ở một giai đoạn khác.
"Lịch sử đang ở trên một đường thẳng. Tôi biết điều đó mặc dù đã cố gắng không nghĩ về nó quá nhiều, cố gắng tiếp cận trận chung kết như bất kỳ trận đấu nào khác. Đôi khi, có những áp lực quá lớn đến từ ngoài sân đấu mà thật khó để né tránh. Bạn phải học cách đối phó, chấp nhận những hoàn cảnh đang trải qua, cố gắng thay đổi và có thể biến nó thành động lực trên sân", Djokovic chia sẻ.
US Open đang chờ đợi Djokovic. Ảnh: US Open. |
Djokovic dường như đã khai thác những nguồn "tài nguyên" này khi vẫn đang chơi với phong độ cao nhất, và đấu những trận lớn nhất tốt hơn các đối thủ của anh, bất kể họ ở thế hệ nào.
"Tôi cảm thấy trong vài năm qua, tuổi tác chỉ là một con số đối với tôi. Rõ ràng, mọi thứ có một chút khác biệt, bạn phải điều chỉnh và thích nghi với những giai đoạn cần trải qua trong sự nghiệp. Nhưng tôi cảm thấy mình có lẽ là người hoàn thiện nhất, với tư cách một tay vợt lúc này", Djokovic nói.
Tay vợt người Serbia đã giành 16 Grand Slam khi đối đầu Federer hoặc nhóm đồng lứa với anh ở các trận chung kết. Djokoivc cũng giành chiến thắng trong 4 trận chung kết gần đây khi đối đầu các tay vợt trẻ hơn đáng kể gồm Dominic Thiem, Daniil Medvedev, Stefanos Tsitsipas và mới nhất là Berrettini.
Djokovic đã thâu tóm cả 3 danh hiệu Grand Slam trong năm nay và đang hướng tới US Open để hoàn tất bộ sưu tập trong một năm dương lịch, đồng thời vượt lên ở cuộc đua Grand Slam. "Tôi chắc chắn có thể hình dung cảnh điều đó xảy ra", anh nói khi cầm chiếc cúp Wimbledon.