Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thông điệp của tàu sân bay Mỹ khi trở lại Biển Đông

Chuyên gia nhận định thông qua việc điều động tàu sân bay, Trung Quốc muốn thể hiện tham vọng trên biển, trong khi Mỹ muốn trấn an đồng minh ở khu vực.

Hải quân Mỹ cho biết ngày 4/4, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông. Đây là đợt triển khai thứ hai ở Biển Đông trong năm 2021.

Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hôm 3/4 đi qua eo biển Miyako, ngoài khơi phía tây nam Nhật Bản, theo South China Morning Post.

tau san bay anh 1

Việc các tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc đi qua khu vực diễn ra trong bối cảnh các tàu cá Trung Quốc neo đậu trái phép gần đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền Việt Nam. Ảnh: AFP.

Thông báo trên mạng xã hội tối 5/4, hải quân Trung Quốc cho biết tàu Liêu Ninh đang trên hành trình thực hiện "cuộc tập trận đã được lên kế hoạch trước" gần Đài Loan.

Mục đích của cuộc tập trận nhằm "kiểm tra hiệu quả huấn luyện binh lính và nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền, an toàn và lợi ích phát triển của quốc gia".

Tuần trước, Mỹ cũng tiến hành một loạt cuộc tập trận với các đồng minh trong khu vực, bao gồm với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, với Australia ở phía đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Ben Schreer, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Macquarie ở Sydney, cho biết việc tàu sân bay Mỹ đi qua Biển Đông nhằm chống lại các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển này.

Đồng thời, Washington cũng muốn thể hiện cho các đồng minh thấy rằng Mỹ là "đồng minh đáng tin cậy và có khả năng".

"Với việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực, chúng tôi đã thể hiện cam kết của mình đối với trật tự dựa trên quy tắc và luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, nói.

Trong khi đó, cuộc tuần tra của tàu Liêu Ninh ở biển Hoa Đông lại thể hiện tham vọng của Bắc Kinh trong việc sử dụng nhóm tấn công tàu sân bay để bảo vệ những gì họ tuyên bố là "lợi ích cốt lõi", chuyên gia này nhận định.

"Đó là một tín hiệu cho Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực, rằng (hải quân Trung Quốc) đang dần phát triển khả năng tác chiến tàu sân bay, mặc dù hiện tại vẫn chưa đạt được điều này”, ông Schreer cho biết.

Collin Koh, nhà nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, cho biết Washington đang phát đi tín hiệu cam kết với các đồng minh về việc duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin cậy trong khu vực, và tìm cách ngăn cản Bắc Kinh có “bất kỳ hành động quyết liệt nào” ở đá Ba Đầu.

Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hoạt động gần đây của nhóm tàu Trung Quốc tại đây đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Vào năm 2020, Washington cũng thực hiện các cuộc tập trận trên biển trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Malaysia ở Biển Đông leo thang, ông Koh cho biết.

tau san bay anh 2

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Getty.

Theo chuyên gia tại Đại học Công nghệ Nanyang, hoạt động của hải quân Trung Quốc trong khu vực, bao gồm việc điều tàu sân bay đi qua eo biển Miyako, nhằm mục đích nhấn mạnh “khả năng đối phó với nỗ lực" từ phía Mỹ và các đồng minh trong việc ngăn chặn Bắc Kinh đạt được những lợi ích trên biển.

Xue Chen, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, đồng tình với nhận định của chuyên gia Koh. Ông cho rằng trong các tình huống leo thang căng thẳng, có thể có nguy cơ đụng độ do lỗi từ phía con người.

Ông Chen cũng nhận định sự hiện diện của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông dường như là một thông điệp gửi đến Trung Quốc.

Philippines tố Trung Quốc muốn chiếm thêm thực thể ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vào ngày 4/4 cáo buộc Bắc Kinh có kế hoạch chiếm trái phép thêm nhiều thực thể ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc bám đuôi chiến hạm Canada đi qua Biển Đông

Tàu hộ vệ Calgary của Canada đi qua vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Trung Quốc đã điều tàu bám đuôi.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm