Thời vàng son chóng vánh của Bông Bạch Tuyết
Nhiều nhà đầu tư đã quên lãng một cổ phiếu có thời nằm trong "top list" - Bông Bạch Tuyết, công ty sản xuất bông y tế từng chiếm tới 90% thị phần cả nước.
Vẫn tiếp tục hoạt động sau rất nhiều biến cố, nhưng khi nhắc đến cái tên Bông Bạch Tuyết người ta thường chỉ nhớ thời điểm cách đây hơn chục năm khi sản phẩm bông y tế Bạch Tuyết chiếm tới 90% thị phần cả nước.
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập năm 1960. Sản phẩm chính của nhà máy là bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Sau ngày 30/4/1975, nhà máy Cobovina Bạch Tuyết được Nhà nước quốc hữu hóa và trực thuộc liên hiệp xí nghiệp Dệt Hồng Gấm. Sau đó, nhà máy đổi tên thành xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết vào năm 1979. Năm 1992 tiếp tục đổi tên thành công ty Bông Bạch Tuyết. Đây cũng là thời điểm đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ khi công ty trở thành doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu dây chuyền sản xuất băng vệ sinh dán. Cải tiến công nghệ, tung sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm của Bông Bạch Tuyết nhanh chóng bao phủ khắp thị trường cả nước.
Sự tụt dốc không phanh đã buộc Bông Bạch Tuyết đi vào con đường cùng khi phải dừng sản xuất kinh doanh vào tháng 7/2008. |
Năm 1997, khủng hoảng kinh tế nổ ra lại mang về cho Bông Bạch Tuyết một khoản lợi nhuận “khủng” khi đã nhanh chóng nhập được một lượng bông nguyên liệu lớn với giá rẻ. Đây cũng là năm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Suốt giai đoạn 1997-2002, sản phẩm bông y tế của công ty chiếm tới 90% thị phần cả nước, còn thị phần băng vệ sinh phụ nữ là 30%. Con đường thênh thang đưa Bông Bạch Tuyết trở thành công ty thứ 23 niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam vào năm 2004. Nhưng cũng kể từ đây, chuỗi những tháng năm thua lỗ của doanh nghiệp này bắt đầu.
Nếu như bông y tế công ty này không có đối thủ, thì băng vệ sinh phụ nữ lại gặp phải những cái tên đáng gờm như Kimberly Clark (với sản phẩm Kotex) hay Diana… Không muốn chậm chân trên đường đua, ngay từ những năm 2000 Bông Bạch Tuyết đã nhanh chóng nhập khẩu thêm những dây chuyền sản xuất hiện đại của châu Âu và Nhật Bản. Song đây lại là một sai lầm lớn.
Chính ông Tạ Xuân Thọ, nguyên Tổng giám đốc của Bông Bạch Tuyết đã từng thừa nhận việc nhập thêm máy móc năm 2003 làm lệch pha năng lực sản xuất và năng lực bán hàng. Cụ thể, năng lực sản xuất băng vệ sinh khoảng 2 triệu gói/tháng, gấp 10 lần năng lực bán hàng. Lỗ liên tiếp khiến Bông Bạch Tuyết thực sự kiệt quệ.
Năm 2006, 2007 Bông Bạch Tuyết thua lỗ đến 15 tỷ đồng. Năm 2008 công ty bị bủa vây bởi các khoản nợ ngân hàng. Thời điểm này, bông y tế của Bạch Tuyết chỉ chiếm hơn 60% thị phần, còn băng vệ sinh tụt thê thảm còn khoảng 3% thị phần.
Sản phẩm bông y tế của Bông Bạch Tuyết từng chiếm 90% thị phần nước ta. |
Hồi sinh nhưng chưa hồi phục
Theo phân tích của giới chuyên gia, Bông Bạch Tuyết đã sai lầm trong chính sách đầu tư. Không tập trung chính vào mảng mình có thế mạnh là bông y tế mà dàn trải, thiếu nghiên cứu khi mạnh tay đầu tư cho sản phẩm băng vệ sinh phụ nữ. Cùng với đó là sự bòn rút của chính những người lãnh đạo cũ khiến công ty bị ảnh hưởng không nhỏ.
Theo kết quả thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bông Bạch Tuyết từ năm 2005-2008, đã có nhiều khoản tài chính thiếu minh bạch. Thí dụ dự án xây dựng bệnh viện Bạch Tuyết sau 8 tháng triển khai đã chi 464 triệu đồng, trong đó 355 triệu đồng chi tiếp khách trong khi dự án chưa thực hiện được một công tác cơ bản nào. Hay việc trả lương tổng giám đốc vượt quá hạn mức khi công ty thua lỗ (giai đoạn 2006-2008)… Tất cả đã tạo nên một cơn lốc cuốn phăng đi những ngày huy hoàng của thương hiệu này.
Một năm sau ngày ngưng hoạt động, tháng 9/2009, Bông Bạch Tuyết chính thức hoạt động trở lại. Đây cũng là khoảng thời gian Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM chính thức hủy niêm yết cổ phiếu của công ty. Sai lầm cũ được khắc phục muộn màng khi công ty đề ra hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực là bông, gạc y tế.
Tạm ngưng sản xuất băng vệ sinh phụ nữ. Song những khoản nợ ngân hàng từ năm 2008 vẫn khiến DN oằn mình cõng thêm lỗ. Năm 2010 công ty tiếp tục lỗ 18,94 tỷ đồng. Năm 2011 công ty tuy có giảm lỗ nhưng vẫn chưa thể vượt qua khó khăn.
Năm 2012, trong hành trình đi tìm lại thị phần đã mất trong lĩnh vực bông y tế, công ty tiếp tục phải đối mặt với việc phải trả nợ cho Bibica 9 tỷ đồng (cả gốc và lãi từ số tiền 5 tỷ vay năm 2008). Chưa biết đến khi nào Bông Bạch Tuyết mới rút chân ra được khỏi đống nợ nần. Tham vọng bành trướng sang lĩnh vực sản xuất băng vệ sinh phụ nữ đã khép lại bằng những thua lỗ và kế hoạch thanh lý dây chuyền Bicma (Đức) trong năm 2013 này.
Đến nay, tuy không khó tìm mua được một gói bông y tế mang nhãn hiệu Bạch Tuyết trên thị trường, song để Bông Bạch Tuyết có thể tìm lại vị thế khi xưa có lẽ là điều quá xa vời. Vì khi công ty quay trở lại thị trường và còn ngập trong đống nợ nần, các đối thủ trong ngành đã đi được những bước rất dài. Các nhà đầu tư cũng đã quên lãng một cổ phiếu từng nằm trong top “hot”. Bông Bạch Tuyết giờ đang đứng sau cái bóng đổ vỡ quá lớn của chính mình.
Theo Sài Gòn Đầu Tư