Cụ thể, theo số liệu từ Euromonitor, Adidas Group với 2 thương hiệu Adidas và Reebok hiện là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam với 1,5%. Kế đến là Inditex (chủ sở hữu các thương hiệu Zara, Pull & Bear, Stradivarius...) và H&M.
Theo sau những tên tuổi nước ngoài này là Bình Tiên (Biti's), Hoàng Dương (Canifa), Vinatex (Việt Tiến, May 10, Mattana...) và An Phước. Tuy nhiên, hãng nghiên cứu Virac cho rằng những doanh nghiệp này chỉ chủ yếu tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở.
Trong báo cáo về thị trường thời trang Việt Nam năm 2021, Virac khẳng định doanh nghiệp nội địa từ lâu đã đánh mất lợi thế cạnh tranh trên "sân nhà" do mẫu mã nghèo nàn và quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dù thực tế chất lượng sản phẩm không quá chênh lệch.
Doanh nghiệp thời trang Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trên sân nhà lẫn thị trường quốc tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiện nay, hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đã đẩy ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp.
Virac cho biết sự phân mảnh của thị trường cũng ngày càng được thấy rõ khi không có doanh nghiệp nào nắm quá 2% thị phần tiêu thụ.
Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, doanh thu thị trường thời trang Việt Nam chỉ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm 2019.
Trong khi đó, ở góc độ xuất khẩu, Virac đánh giá các sản phẩm dệt may của Việt Nam còn nặng nề gia công, chủ yếu xuất khẩu dưới tên thương hiệu nước ngoài. Ngành thời trang tuy sở hữu nhiều gương mặt thiết kế được đánh giá cao bởi đồng nghiệp quốc tế nhưng vẫn chưa được biết đến rộng rãi.
"Là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhưng thời trang Việt Nam vẫn còn xa lạ với bản đồ thời trang thế giới, kể cả trong khu vực, cần cải tiến ngành công nghiệp thời trang trong nước kết hợp thêm với truyền thông để đưa thương hiệu Việt ra với thế giới", đại diện Virac nhấn mạnh.