Năm 2020, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng -10,5%, đạt 35 tỷ USD. Trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm hơn 22% từ 740 tỷ USD xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, mức sụt giảm của ngành dệt may Việt vẫn thấp hơn nhiều mặt bằng chung thế giới.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, cho biết ngành dệt may Việt Nam vừa trải qua năm suy giảm đầu tiên trong lịch sử 25 năm mở ra thị trường xuất khẩu thế giới. Đến năm 2021, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, tuy số lượng và đơn giá chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019.
“Với dệt may, để trở lại ngưỡng tiêu thụ của năm 2019, thì theo dự báo sáng nhất cũng phải đến quý III/2022. Còn theo kịch bản phục hồi chậm, thì hết năm 2023”, ông Trường nói.
Bắt đầu có những tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may trong nước. Ảnh: Reuters. |
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Vinatex đã có đơn hàng đến hết tháng 4. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8.
Đối mặt với dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần 3, ông Trường cho rằng tình hình dịch bệnh đã khác. Nếu để xảy ra dịch bệnh ở cơ sở, phải cách ly không thể tổ chức sản xuất, thì ngoài việc bị thiệt hại về tiền lương, chế độ cho người lao động, các doanh nghiệp còn không thể hoàn thành được hợp đồng kinh tế đã ký kết với khách hàng.
Bên cạnh việc bị thiệt hại trong cam kết tài chính với khách hàng, trong dài hạn, vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế (nhất là trong bối cảnh hiện nay, quy trình tái bố trí lại chuỗi cung ứng đã đẩy nhanh hơn).
Chính vì thế, đại diện Vinatex đánh giá lần này việc kiểm soát dịch bệnh ở các doanh nghiệp dệt may cần thực hiện ở mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn. Ông Trường cho rằng doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cần nâng mức độ phòng chống dịch bệnh lên cao nhất.
Hai là đối với người lao động đến từ vùng dịch thì chưa đến nhà máy làm việc, đảm bảo cách ly đủ 21 ngày, sau đó đi kiểm tra có kết quả âm tính. Doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho những lao động này mức lương tối thiểu.
Ba là thực hiện nghiêm túc tập trung sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất, chất lượng trong giai đoạn bản lề phấn đấu đạt ngưỡng năm 2019 để phục hồi về tài chính, đơn hàng và vị trí mới trong chuỗi cung ứng, mạnh mẽ hơn so với vị trí đã có từ trước.
Ngành dệt may trong nước đang đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động hơn 4 triệu người, dù việc làm ít đi, thu nhập ít đi nhưng vẫn trên mức tối thiểu và không làm mất việc của người lao động.
Năm 2021, ngành dệt may trong nước dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD ra thị trường nước ngoài, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD đề ra, các doanh nghiệp dự kiến phải tìm kiếm, mở rộng thị trường, trong đó các FTA được coi là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Lãnh đạo Vinatex cũng cho biết muốn tận dụng lợi ích về cắt giảm thuế quan từ các FTA, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc sản xuất tại Việt Nam hoặc các nước nội khối trong hiệp định từ khâu sợi trở đi đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ khâu sản xuất vải trở đi với Hiệp định EVFTA...