Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu hạt điều của Đức năm 2020 đạt 64.700 tấn, trị giá 490 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với năm 2019.
Giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức đạt 7.569 USD/tấn, giảm ở hầu hết thị trường cung cấp chính. Duy nhất giá nhập khẩu từ Ấn Độ tăng 2,7%, lên 7.852 USD/tấn.
Năm 2020, Đức tăng nhập khẩu hạt điều từ các thị trường Việt Nam, Ấn Độ, Hà Lan, Brazil, nhưng giảm nhập khẩu từ Indonesia, Honduras, Anh. Cụ thể, nhập khẩu hạt điều của Đức từ Việt Nam trong năm 2020 đạt 37.700 tấn, trị giá 282,82 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 7% về trị giá so với năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân đạt 7,5 USD/kg (khoảng 173.000 đồng/kg).
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức chiếm 58,24% trong năm 2020, cao hơn so với 54,18% năm 2019.
Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Báo Đầu tư. |
Năm 2020, nhập khẩu hạt điều của Đức từ Ấn Độ đạt 18.870 tấn, trị giá 148,22 triệu USD, tăng 0,03% về lượng và tăng 2,8% về trị giá. Thị phần hạt điều của Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Đức chiếm 29,15% trong năm 2020, thấp hơn so với 31,33% trong năm 2019.
Tháng 2 vừa qua, Thủ tướng phê duyệt đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 đạt khoảng 60-62 tỷ USD.
Cụ thể, đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD; trong đó, nhóm nông sản chính đạt 25 tỷ USD, lâm sản đạt khoảng 16-17 tỷ USD, thủy sản đạt 15 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt 3-4 tỷ USD, mặt hàng khác đạt khoảng 2 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 6-8%/năm; khoảng 40% sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm là qua chế biến và chế biến sâu.
Theo đó, giải pháp chung để hoàn thành mục tiêu trên là rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách xuất khẩu nông lâm thủy sản; tiếp tục thực hiện và hoàn thiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.