Đôi khi, ngay cả các nhà sinh học cũng khó lòng nhớ rằng sinh sản hữu tính chẳng qua chỉ là một hình thức liên doanh di truyền.
Quá trình lựa chọn ai đó để quan hệ tình dục, mà trước đây được gọi là phải lòng nhau, chứa đầy bí ẩn, cân não và có tính chọn lọc rất cao. Chúng ta không coi bất kỳ thành viên nào hay tất cả thành viên khác giới đều là đối tác thích hợp cho liên doanh di truyền.
Chúng ta quyết định việc xem xét ai đó một cách có ý thức, chúng ta yêu đương mù quáng bất chấp chính mình, chúng ta có thể hoàn toàn không yêu những người yêu chúng ta say đắm. Đó là một sự vụ phức tạp kinh khủng.
Điều đó không phải ngẫu nhiên. Thôi thúc được ân ái tồn tại trong chúng ta bởi vì chúng ta đều là con cháu của những người có thôi thúc được ân ái với nhau; những người không có thôi thúc ấy thì không có con cháu nối dõi.
Một người đàn bà quan hệ tình dục với một người đàn ông (hay ngược lại) là chấp nhận nguy cơ con cái của mình sẽ mang gen của cả mình và người kia. Do đó, không ngạc nhiên khi cô ta lựa chọn gen đối tác rất kỹ lưỡng. Ngay cả những người có tiếng là lăng nhăng nhất cũng không ăn nằm bừa bãi với bất cứ người nào mình gặp.
Mục tiêu của mỗi động vật giống cái là tìm một bạn tình có đủ chất lượng di truyền để làm một “người chồng” tốt, một người cha tốt, hoặc một con đực giống tốt. Mục tiêu của mỗi động vật giống đực thường là tìm càng nhiều vợ càng tốt và đôi khi là tìm những người mẹ và con cái giống tốt, hiếm hoi mới nhằm tìm người vợ tốt.
Năm 1972, Robert Trivers nhận ra lý do cho sự bất đối xứng xuất hiện khắp nơi trong giới động vật này; các trường hợp ngoại lệ hiếm hoi đối với quy tắc trên càng chứng tỏ tại sao quy tắc ấy thường được tuân thủ.
Giới tính nào đầu tư nhiều nhất vào việc nuôi dưỡng con non, chẳng hạn thông qua việc mang thai chín tháng, lại thu lợi lộc ít nhất từ việc kiếm thêm bạn tình.
Giới tính nào đầu tư ít nhất vào việc nuôi con sẽ có thời gian rảnh rỗi để tìm kiếm bạn tình khác. Do vậy, nói chung, con đực đầu tư ít hơn và quan tâm số lượng bạn tình, trong khi con cái đầu tư nhiều hơn và quan tâm chất lượng bạn tình.
Kết quả là con đực cạnh tranh giành giật sự chú ý của con cái, có nghĩa là con đực có nhiều cơ hội để lại số lượng lớn hậu duệ so với con cái nhưng cũng có nguy cơ cao hơn là không có hậu duệ nào.
Giống đực hoạt động như một cái sàng di truyền: Chỉ những con đực ưu tú nhất mới có thể có con, và việc các con đực kém cỏi thường không có cơ hội sinh sản liên tục thanh lọc các gen xấu khỏi cộng đồng loài.
Người ta cho rằng dần dần theo thời gian nó đã trở thành “mục đích” của con đực, nhưng lại mắc sai lầm khi giả định rằng tiến hóa thiết kế những gì là tốt nhất cho các loài.
Cái sàng ở một số loài hoạt động tốt hơn ở những loài khác. Voi biển bị sàng lọc khắt khe đến nỗi trong mỗi thế hệ, chỉ có một nhúm con đực làm cha của tất cả đàn con. Hải âu mày đen đực chung thủy với những người vợ độc thân của chúng đến nỗi hầu như mọi con đực đến đúng độ tuổi sẽ tham gia vào việc sinh sản.
Tuy nhiên, có thể nói rằng trong vấn đề lựa chọn bạn tình, con đực thường theo đuổi số lượng, còn con cái theo đuổi chất lượng.
Trong trường hợp của loài chim như một con công, con trống sẽ thực hiện đầy đủ màn trình diễn đúng nghi lễ để tán tỉnh bất kỳ con mái nào đi qua; công mái sẽ giao phối chỉ với một con công trống, thường là với con có cái đuôi đẹp đẽ, sặc sỡ nhất.
Thật vậy, theo thuyết chọn lọc hữu tính, đó là lỗi của con mái khiến con trống mọc ra một cái đuôi kỳ lạ như vậy. Con trống phát triển đuôi dài để quyến rũ con mái. Con mái đã phát triển khả năng bị quyến rũ để chắc chắn chọn được những con trống tốt nhất.
Chương này nói về một loại thi thố kiểu Hoàng hậu Đỏ, một cuộc thi dẫn đến việc sáng tạo ra vẻ đẹp. Ở con người, khi tất cả tiêu chí thực tế để lựa chọn một người bạn tình - sự giàu có, sức khỏe, khả năng tương hợp, khả năng sinh sản - bị gạt bỏ thì những gì còn lại là tiêu chí rất tùy tiện về vẻ đẹp.
Ở các loài động vật khác cũng thế. Ở những loài mà con cái không nhận được gì hữu ích từ bạn tình, dường như chúng chỉ lựa chọn dựa trên các tiêu chí thẩm mỹ.