Tại sao chúng ta trì hoãn?
Khi tôi đề cập lúc trước, có một số người coi trì hoãn là căn bệnh lười, nhưng nghiên cứu khoa học lại chỉ ra rằng nó phức tạp hơn thế. Trong khi quan điểm truyền thống cho rằng trì hoãn là một thói quen xấu tránh né công việc, thì nghiên cứu lại chỉ ra rằng những người trì hoãn thường xuyên thực ra đang tránh một thứ kinh khủng hơn: Áp lực.
Một phân tích về các nhiệm vụ bị trì hoãn cho thấy chúng ta trì hoãn làm những việc mà chúng ta thấy khó, nhàm chán hoặc gây đau đớn – nói chung là không thú vị. Điều này thật hợp lý, mỗi khi chúng ta sợ hãi làm gì thì chúng ta sẽ trì hoãn càng lâu càng tốt việc phải nghĩ tới nó.
Ảnh minh hoạ. |
Mel Robbins, tác giả của cuốn sách bán chạy có tên “Luật Năm Giây” nói rằng, trì hoãn không liên quan gì tới thái độ, đạo đức làm việc hay năng lực của chúng ta cả. Ngược lại là khác, nó là một hành động giúp chúng ta đối mặt với căng thẳng. Thông thường, chúng ta hoãn làm những thứ khiến chúng ta bị căng thẳng và rất tự nhiên, chúng ta muốn né tránh yếu tố gây ra căng thẳng.
Phản ứng “tìm kiếm đường tắt” của bộ não đối với các yếu tố gây căng thẳng này rất hợp lý; chúng ta gắng tránh né nó và tìm kiếm những yếu tố hài lòng ngắn hạn ở dạng “trốn tránh”. Rồi theo quy luật tiến hóa, bộ gen DNA đã thay đổi hàng thế kỷ nay theo môi trường mà căng thẳng đóng vai trò hỗ trợ bộ máy của chúng ta trốn tránh khỏi những thứ có thể đe dọa tới sự sống sót.
Thử tưởng tượng, người Neanderthal thời tiền sử đang muốn đi săn, nhưng họ phát hiện ra có vài con hổ nanh sắc đang lởn vởn bên ngoài hang đá. Rõ ràng những yếu tố căng thẳng này sẽ lấn át mong muốn đi săn của họ, và họ quyết định sẽ ở trong hang và ngồi vẽ lên tường.
Những gì chúng ta tìm được và gọi là “nghệ thuật cổ đại” có lẽ chính là từ những trì hoãn thời tiền sử! Rõ ràng, việc phải hoàn thành một bài luận vào sáng thứ Hai đầu tuần không to tát như vấn đề sống còn là đối đầu với bọn hổ nanh sắc, nhưng bộ gen DNA của chúng ta đâu có hiểu. Tất cả những gì nó nhớ được thì căng thẳng đồng nghĩa với nguy hiểm và đồng nghĩa với việc chờ đợi, ở nguyên tại chỗ. Và cơ thể chúng ta tuân theo thôi.
Vậy nên đừng quá khó khăn với chính bản thân mình khi bạn thấy muốn trì hoãn, nó không nói lên điều gì về con người bạn cả. Nếu bạn đang trì hoãn, thì ít nhất hãy dành thời gian một cách có ích khi bạn đang trong tình trạng đó, và tự hỏi bản thân mình những câu hỏi tìm nguyên nhân tại sao bạn lại muốn trì hoãn ở thời điểm đó:
- Những căng thẳng đến từ một mối đe dọa thực sự hay giả?
- Nếu những lo lắng về mối đe dọa là đúng, thì điều xấu nhất có thể xảy đến là gì?
Tự đặt ra những câu hỏi này và thành thực trả lời chính là những bước đi đầu tiên để tự nhận thức về lý do tại sao bạn trì hoãn.
Trong khi sự trì hoãn có thể là một cách chúng ta đã tiến hóa để tránh căng thẳng, thì buồn cười rằng trong xã hội hiện đại, việc chúng ta trì hoãn lại gây ra thêm nhiều căng thẳng về lâu về dài.
Khi chúng ta trì hoãn, chúng ta cho phép những nhiệm vụ không thú vị bị chất đống lại, rồi khiến danh sách việc cần làm của chúng ta đầy ắp những thứ ta chẳng muốn làm, và thế là khiến chúng ta càng sợ hãi phải làm chúng. Điều này lại dẫn tới sức khỏe bị ảnh hưởng và kết quả làm việc càng tệ đi.
Các nghiên cứu về thể chất đối với những người hay trì hoãn đã minh chứng cho điều này. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người trì hoãn sẽ gặp nhiều căng thẳng và hay hối tiếc hơn những người ít trì hoãn, khiến họ càng thêm mất ngủ và bị tăng mức độ chán nản và lo lắng.
Những căng thẳng cộng thêm tình trạng thiếu ngủ ảnh hưởng lớn tới sự tự tôn, khiến họ tự mô tả chính bản thân họ là tội lỗi, đáng xấu hổ và tự chỉ trích, mà tất cả đều xuất phát từ sự trì hoãn. Và tình trạng tiêu cực này chính là cái vòng luẩn quẩn trong cuộc sống, khiến chúng ta tiếp tục trì hoãn thêm nhiệm vụ, càng làm tăng gánh nặng cho chính chúng ta.
Bình luận