Khi muốn gây ấn tượng với chủ nợ, đối tác kinh doanh hay các nhà báo, ông Donald Trump thường gửi tới họ một văn bản trông giống như là tài liệu chính thức có tên "Báo cáo tình trạng tài chính". Những văn bản này đôi khi dài tới 20 trang, với vô vàn những con số, liệt kê tài sản, số nợ và thu nhập hàng tỷ USD của ông Trump.
Thế nhưng, khi đào sâu vào chi tiết khối tài sản thực sự của vị tỷ phú này, người ta phát hiện ra tài liệu tưởng chừng hợp lệ kia có những chi tiết đáng nghi. Thủ thuật đơn giản nhất là bỏ qua các tài sản đã bị thế chấp, định giá quá cao các tài sản hay làm sai lệch những con số tài chính quan trọng nhất.
Nghi vấn lừa đảo
Sau khi cuộc điều tra cáo buộc câu kết với Nga đã kết thúc, các điều tra viên tại Washington D.C và New York đang lùng sục các tài liệu bất thường, với mục tiêu để xem có thể khép hành vi thổi phồng tài sản của ông Trump trong quá khứ vào tội danh lừa đảo.
Các báo cáo tài chính đang là trung tâm cho ít nhất 2 cuộc điều tra nhắm vào ông chủ Nhà Trắng, với tính chất riêng biệt so với cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Hôm 27/3, Ủy ban Giám sát và cải cách của Hạ viện Mỹ đã yêu cầu Mazars USA, công ty kế toán của ông Trump, giao các báo cáo về tình trạng tài chính của tổng thống Trump trong 10 năm gần nhất.
Cựu luật sư Michael Cohen cung cấp thông tin về các báo cáo tình hình tài chính sai sự thật ông Trump sử dụng trong quá khứ. Ảnh: Washington Post. |
Hồi đầu tháng 3, Cơ quan dịch vụ tài chính bang New York đã lập hồ sơ điều tra Aon, công ty bảo hiểm lâu năm của Tổng thống Trump. Theo Washington Post, một nguồn tin cho biết cuộc điều tra có liên quan tới câu hỏi liệu ông Trump có bàn giao tài liệu yêu cầu Aon giảm chi phí một số loại bảo hiểm.
Hai vụ điều tra đều bắt nguồn từ lời khai hồi tháng 2 của Michael Cohen, cựu luật sư của Tổng thống Trump. Ông Cohen cáo buộc ông Trump từng thường xuyên sử dụng thông tin sai sự thật về tình hình tài chính để gây ấn tượng với các nhà đầu tư và công ty bảo hiểm.
Trả lời quốc hội Mỹ, ông Cohen cho biết các báo cáo tài chính được gửi tới ngân hàng Deutsche Bank trong thời gian ông Trump tìm cách vay tiền để mua đội bóng bầu dục nổi tiếng Buffalo Bills. Sau khi lời khai được ông Cohen cung cấp, Deutsche Bank và một số chủ nợ cho ông Trump vay tiền đã nhận được yêu cầu phối hợp điều tra của văn phòng chưởng lý bang New York.
Từ thập niên 80, ông Trump đã nổi lên nhờ khối gia tài kếch xù. Tuy nhiên, ông thường tránh cung cấp bằng chứng hoặc tài liệu để chứng minh thu nhập và nguồn gốc tài sản bản thân. Sau khi đắc cử năm 2016, ông Trump cũng từ chối cung cấp số liệu về nghĩa vụ thuế của bản thân, đi ngược lại với truyền thống đã có từ thời tổng thống Jimmy Carter.
Việc các nhà kinh doanh bất động sản thổi phồng giá trị các dự án hay tài sản của bản thân không phải điều mới mẻ và không bị cấm. Thế nhưng, luật pháp Mỹ có quy định cấm cung cấp thông tin giả cho các công ty bảo hiểm và chủ nợ, nhà đầu tư để thu lợi.
Cả Aon và Deutsche Bank đều từ chối bình luận về vụ việc. Tuy nhiên, hai tổ chức này xác nhận sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra.
Thủ thuật thổi phồng giá trị tài sản
Câu chuyện về các báo cáo tình hình tài chính, mà thực chất là những tài liệu quảng cáo mà công ty của ông Trump đưa ra, đã có từ những năm 1980.
Năm 2007, một luật sư của ông Trump tên Michelle Lokey cho biết đã gửi những tài liệu này tới chủ nợ của ông Trump tại các dự án bất động sản ở Chicago và Las Vegas, do ông Trump trực tiếp đứng ra bảo đảm cho các khoản nợ này. Điều này có nghĩa là nếu tập đoàn Trump không thể trả được nợ, các chủ nợ có thiết siết nợ với các tài sản cá nhân của ông Trump.
"Tôi đoán đó là lý do họ muốn thông tin về tài sản và thu nhập của ông ấy", Lokey khai nhận.
Các báo cáo này được thực hiện bởi Mazars, công ty kế toán lâu năm của ông Trump. Trong những trường hợp khác, khi một trong các công ty của ông Trump muốn ký một hợp đồng liên bang, công ty này sẽ lập ra một báo cáo tài chính được kiểm toán cẩn thận.
Đây là hai hành vi nghiệp vụ khác nhau. Khi soạn thảo báo cáo tình trạng tài chính, các kế toán cho biết không xác minh hay kiểm toán các chi tiết trong báo cáo. Thay vào đó, họ nhận thông tin từ ông Trump và chỉ đơn giản là ghi vào báo cáo mà không kiểm tra độ chính xác của các con số.
"Trong quá trình soạn thảo, các kế toán không có trách nhiệm đánh giá giá trị tài sản. Việc của họ là chấp nhận các con số và xử lý tiếp", Gerald J. Rosenblum, một trong các kế toán của ông Trump, cho biết.
Rosenblum và Lokey là các kế toán đã bị sa thải trong vụ ông Trump kiện phóng viên tờ New York Times vì đưa tin sai sự thật về tài sản của ông. Vụ kiện này sau đó đã được phía ông Trump rút lại.
Khách sạn Trump International Hotel & Tower là một trong các tài sản bị che giấu trong các báo cáo tình hình tài chính. Ảnh: AP. |
Các kế toán tiết lộ ông Trump đã cung cấp số liệu cho định giá nhiều tài sản, thổi phồng giá trị của chúng bằng cách thêm vào các thu nhập trong tương lai mà không được bảo đảm.
Các kế toán cũng cho biết ông Trump yêu cầu họ không đưa vào các báo cáo hai khách sạn lớn ở Chicago và Las Vegas. Đây là các tài sản đã được mang ra thế chấp. Điều này có nghĩa là một phần trong số nợ thực tế của ông Trump đã được giấu đi trong báo cáo.
Các báo cáo tình hình tài chính cựu luật sư Cohen cung cấp cho quốc hội Mỹ được xây dựng năm 2011. Hai trong số này dài tới 20 trang và được ký bởi các kế toán của ông Trump.
Trong lời khai trước quốc hội Mỹ, Cohen tuyên bố ông Trump đã tự định giá quá cao các tài sản của mình không dựa trên thực tế. Cựu luật sự cho biết ông Trump dựa trên các biện pháp thông thường để thu được số liệu thực tế, sau đó thổi phồng chúng thành con số mình mong muốn.
Trong một báo cáo năm 2013 do Cohen cung cấp, các kế toán đã đưa giá trị thương hiệu của ông Trump vào danh sách tài sản với trị giá 4 tỷ USD. Cái tên thương hiệu "Trump" đã giúp tổng giá trị tài sản của ông từ 4,6 tỷ USD tăng lên 8 tỷ USD.
Báo cáo này được gửi tới ngân hàng Deutsche Bank để vay tiền tham gia đấu giá một tòa nhà có tên Bills. Tòa nhà này được đấu giá ở mức 1 tỷ USD, lớn hơn nhiều lần bất cứ tài sản nào khác trong quá khứ của vị tỷ phú.
Trước công luận, ông Trump tuyên bố sẵn sàng trả 1 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, một trong các trợ lý của ông Trump cho biết ông Trump khi đó gặp khó khăn về tài chính để tham gia cuộc đấu giá.
"Chúng tôi đang để ý tới Bills nhưng Allen và tôi đang gặp khó khăn về hợp lý hóa các con số", Ron Lieberman, trợ lý lâu năm của ông Trump, viết trong thư điện tử gửi tới một đối tác. Nhân vật "Allen" được cho là Allen Weisselberg, trưởng bộ phận tài chính của ông Trump khi đó.
Một ví dụ điển hình khác là một báo cáo tài chính năm 2011, trong đó cho biết ông Trump có 55 lô đất để bán tại khu vực miền Nam California, được định giá khoảng hơn 3 triệu USD cho mỗi lô đất.
Thế nhưng, theo ghi chép của thành phố, ông Trump khi đó chỉ có 31 lô đất sẵn sàng được giao dịch. Bản báo cáo tài chính đã khai khống 24 lô đất, với tổng giá trị 72 triệu USD mà thực tế ông Trump khi đó không có quyền giao dịch.
Khả năng buộc tội ông Trump?
Hiện tại, các chuyên gia tài chính và pháp lý cho biết chưa thể đưa ra kết luận hậu quả pháp lý mà ông Trump phải đối mặt. Các chuyên gia nhận định mức độ nghiêm trọng của vụ việc phụ thuộc vào ý đồ sử dụng các tài liệu sai sự thật này và liệu ông Trump đã thu được lợi ích tài chính gì từ hành vi này chưa.
"Những sai số này đã tác động tới các nhà đầu tư như thế nào? Nếu đây là hành vi có hệ thống và được sử dụng rộng rãi, ông ấy sẽ găp rắc rối thật sự", Kyle Welch, phó giáo sư về kế toán tại Đại học George Washington, nhận xét.
Tổng thống Trump thăm bang Florida hôm 29/3. Ảnh: AFP. |
Ông Welch cho rằng ông Trump có thể thoát trách nhiệm bằng cách chỉ ra các kế toán đã ghi rõ trong các báo cáo tài chính rằng những văn kiện như vậy không phản án toàn bộ tình hình tài chính của mình.
Quy mô quá lớn của thông tin phóng đại cũng có thể giúp ông Trump thoát trách nhiệm. Giáo sư Welch cho rằng những con số trên quá phi thực tế, do đó khó có chuyện các ngân hàng hay công ty bảo hiểm có thể bị lừa chỉ bởi các báo cáo này.
Các báo cáo tình hình tài chính của ông Trump thường bắt đầu với 2 trang từ bỏ trách nhiệm, cảnh báo rằng các tài liệu này được xây dựng không tuân theo các phương pháp kế toán thông thường.
"Những người sử dụng báo cáo tài chính này nên hiểu rằng họ có thể có các kết luận khác nhau về tình hình tài chính của ông Donald Trump", các báo cáo kết luận.
Các chuyên gia pháp lý nhận định những thông tin từ bỏ trách nhiệm như vậy giúp bảo vệ ông Trump khỏi các cáo buộc về lừa đảo các nhà đầu tư và công ty bảo hiểm.
"Những tuyên bố từ bỏ trách nhiệm rõ ràng như vậy đã loại bỏ cơ sở để đưa ra cáo trạng lừa đảo", Jacob Frenkel, cựu công tố viên liên bang hiện làm luật sư tại hãng luật Dickinson Wright, cho biết.