Tại cuộc gặp với ông Michael Arthur, Phó chủ tịch cấp cao tập đoàn Boeing, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Boeing và Vietjet Air đạt thỏa thuận về tái cấu trúc và tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt mua 200 tàu bay Boeing 737 nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Đặt hàng này được hình thành qua 3 thế hệ tổng thống Mỹ với những bước phát triển quan trọng sau mỗi dấu mốc trong quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa 2 nước trong thời gian qua.
200 tàu bay qua 3 thế hệ tổng thống Mỹ
Năm 2016, hãng hàng không Vietjet đặt mua 100 tàu bay hiện đại nhất của Boeing trước sự chứng kiến của Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm của ông đến Việt Nam. Hoạt động này tạo tiếng vang lớn trên trường thế giới về sự đổi mới ấn tượng của kinh tế Việt Nam khi lần đầu tiên một hãng hàng không tư nhân đặt đơn hàng lớn với tập đoàn Boeing.
Trước đó, Vietjet có hợp đồng đặt hàng tàu bay A320 - 321 của Airbus và nhận tàu, đưa vào khai thác gần 100 tàu bay Airbus mới cùng nhiều hỗ trợ tích cực về các dịch vụ kỹ thuật, thành lập học viện… của nhà sản xuất máy bay hàng đầu đến từ châu Âu.
Lễ ký kết thỏa thuận đặt mua 100 tàu bay Boeing lần đầu vào năm 2016. Tổng thống Obama ký tặng bức ảnh gửi công ty. |
Năm 2019, Vietjet và tập đoàn Boeing thoả thuận nâng tổng đơn hàng lên 200 tàu bay, sự kiện công bố dưới sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump tại thủ đô Hà Nội. Tổng thống Trump cho biết đây là sự kiện đẹp nhất trong chuyến đi Việt Nam của ông.
Đi cùng với thỏa thuận đặt mua tàu bay, Vietjet cũng ký thỏa thuận về kỹ thuật động cơ dài hạn với đối tác CFM International- liên doanh General Electric, bao gồm cung cấp động cơ, dịch vụ kỹ thuật. Đây là đơn đặt hàng tàu bay lớn và được quan tâm không chỉ bởi quy mô, giá trị hàng chục tỷ USD mà còn vì ý nghĩa tích cực với các doanh nghiệp và 2 nền kinh tế.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Trump chứng kiến ký kết đặt hàng tăng lên 200 tàu bay năm 2019. |
Năm nay, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đơn đặt hàng được Vietjet và Boeing thống nhất tiếp tục triển khai, sau thời gian gián đoạn vì những biến cố với dòng tàu bay Boeing 737 Max và dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Vietjet tiếp nhận tàu bay Boeing 737 thế hệ mới của Boeing theo lịch giao mới, theo chiến lược phát triển, kinh doanh của hãng hàng không Việt Nam này.
Bản lĩnh đi qua đại dịch
Thời gian qua, thỏa thuận giao 200 tàu bay bị gián đoạn do sự cố liên quan tàu bay 737 Max và tiếp theo là tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu của Boeing. Nhiều đơn đặt hàng và kế hoạch giao nhận tàu bay trên khắp thế giới bị hủy bỏ, trì hoãn vô thời hạn. Vietjet chịu những thiệt hại không nhỏ khi dòng máy bay 737 Max không được nhà chức trách các nước phê chuẩn và Boeing không thể giao hàng đúng hạn. Cùng lúc dịch bệnh bùng phát, Vietjet kịp thời gửi tặng người dân Mỹ hàng triệu khẩu trang y tế - sản phẩm khan hiếm trên toàn thế giới tại thời điểm đó.
Vietjet kịp thời gửi tặng người dân Mỹ hàng triệu khẩu trang y tế. |
Hãng hàng không tư nhân của Việt Nam đi qua dịch đầy bản lĩnh, duy trì năng lực khai thác, năng lực tài chính để phát triển hậu dịch. Việc Vietjet và Boeing thống nhất tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết là dấu mốc tích cực của mối quan hệ tin cậy, lâu dài giữa 2 quốc gia. Đây cũng kết quả của công tác ngoại giao kinh tế của các lãnh đạo Việt Nam.
Trong đàm phán lần này, Vietjet và Boeing thống nhất cao mục tiêu hướng tới là những chiến lược tầm nhìn với những mục tiêu dài hạn. Nếu chỉ dựa trên những lợi ích thương mại ngắn hạn, hai bên không thể gặp nhau ở những điều khoản về đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên sâu…
Boeing đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, với những hoạt động đại diện cho tập đoàn Boeing như chương trình chống biến đổi khí hậu, giảm thải CO2, nghiên cứu sản xuất, linh kiện, sản xuất phần mềm, hỗ trợ phát triển hạ tầng hàng không, sân bay, đầu tư hoạt động bảo dưỡng kỹ thuật, bao gồm công nghệ cao… Boeing hướng đến mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm hàng không của khu vực và quốc tế.
Về phía Vietjet, trong điều kiện thị trường hàng không bắt đầu hồi phục, điều kiện hạ tầng còn hạn chế ở Việt Nam, hãng hàng không tư nhân này có kế hoạch mang “màu cờ sắc áo” tới khai thác các vùng trời mới, với cam kết hỗ trợ mạnh mẽ và toàn diện của tập đoàn sản xuất máy bay Boeing.
Ngài John Kerry, Cựu ngoại trưởng Mỹ, hiện là đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden, là người đóng vai trò tích cực trong chương trình hợp tác của Boeing với Vietjet về chống biến đổi khí hậu, giảm thải CO2 sử dụng năng lượng sạch cho tàu bay và các chương trình hành động vì Việt Nam.
Với định hướng trở thành hãng hàng không toàn cầu, Vietjet không chỉ mang tới cơ hội bay cho hàng triệu người chưa được đi máy bay, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy những đổi mới trong các chính sách quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ để cải thiện các tiêu chuẩn hoạt động tại Việt Nam.
Đơn đặt hàng của Vietjet dự kiến mang tới 200.000 việc làm cho người dân Mỹ, trị giá 35 tỷ USD, bao gồm đơn đặt hàng tàu bay trị giá 24,2 tỷ USD và dịch vụ kỹ thuật động cơ trị giá 10,8 tỷ USD. Các kết quả đạt được không chỉ thúc đẩy tăng trưởng cho ngành hàng không và kinh tế Việt Nam, mà còn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm các tập đoàn lớn như Boeing và nền kinh tế Mỹ.
Bình luận