Hai cuốn sách của TS Thụy Anh. |
Tập thơ thiếu nhi Phù thủy sợ ma (Nhà xuất bản Kim Đồng) của Thụy Anh là 1 trong 10 tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4-2023. Giọng thơ trong trẻo, bắt trúng tâm lý của trẻ nhỏ, trong đó có những bài học về cuộc sống, định nghĩa về tình thân, về tình cảm thiêng liêng... Gần đây, Thụy Anh còn phát hành tập thơ thiếu nhi Mèo con đếm tuổi (Nhà xuất bản Trẻ), chứng tỏ phần nào sức viết của chị.
"Tôi cho rằng thơ và đồng dao là những người bạn thân dễ hiểu, dễ chơi nhất đối với trẻ. Những bài thơ bé bỏng này, tôi ước chúng được vang lên như chuỗi cười khúc khích tự nhiên, kể cho bé về thế giới, nói với bé những lời hiền hậu, thân mến", nhà thơ Thụy Anh chia sẻ.
- Chị đã chọn cách truyền tải thế nào để đưa những bài học về cuộc sống đến với trẻ thật gần gũi và dễ hiểu?
- Tôi muốn chia sẻ với các bạn nhỏ nhất - lứa tuổi tiền tiểu học cho đến hết tiểu học - nên thường sẽ chọn cách cách nói, chữ viết làm sao để đúng nhịp với các em.
Sau rất nhiều thời gian gần gũi với các em, tôi đã có thể bắt nhịp được với các em. Và lời thơ dành cho thiếu nhi thì tương đối đơn giản, dễ hiểu, nhưng trong đó vẫn phải có những câu thơ có sức gợi tả, gợi được cảm xúc. Và phải có một cái chất nữa là chất dí dỏm, hài hước của trẻ em. Bởi vì bản chất đứa trẻ như thế nào thì nó sẽ đón nhận những câu thơ của nhà thơ như vậy.
Trong quá trình quan sát, thấy nhiều bạn nhỏ đọc thơ của tôi rồi bật cười khúc khích, trở nên vui vẻ. Đấy cũng là phương án mà tôi lựa chọn cho những bài thơ của mình và trong mỗi bài thơ luôn luôn sẽ có một điểm sáng thú vị, độc đáo với một góc nhìn trẻ thơ.
- Vì sao chị lại chọn nhan đề là "Phù thủy sợ ma"?
- Chúng ta đều biết có câu chuyện phù thủy sợ ma trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Đồng thời những năm gần đây trong dịp lễ Halloween, các em nhỏ rất thích tự biến mình thành những cô cậu bé phù thủy, với những cây đũa thần có nhiều phép thần thông biến hóa. Dù là phù thủy, nhưng bên trong chúng vẫn là một đứa trẻ, vẫn luôn có rất nhiều nỗi sợ, trong đó có cả sợ ma.
Con của tôi khi còn nhỏ, đến ngày Halloween, thường làm rất nhiều thứ đáng sợ để trang trí phòng riêng, nhưng đến tối lại xin ngủ với bố mẹ, vì tự cảm thấy sợ quá. Và khi được mẹ ôm vào lòng, được gọi mẹ ơi mẹ ơi, thì bỗng cảm thấy hết sợ.
- Vậy theo chị, thơ có ảnh hưởng như thế nào tới các em nhỏ?
- Tôi vẫn thường xuyên khuyên các bậc phụ huynh có con nhỏ tiền tiểu học là đừng quên các tác phẩm thơ dành cho các em.
Trước hết, thơ không chỉ là ngôn ngữ, mà nó còn giúp cho các bạn nhỏ có thể xây dựng phông nền cảm giác của mình với đời sống xung quanh. Góc nhìn của thơ ca khiến cho các em nhìn mọi điều một cách khoan hòa hơn, dễ chịu hơn.
Thứ hai, thơ là phương tiện để trẻ nhỏ kết nối cảm xúc với gia đình, bố mẹ, kết nối với cộng đồng, với bạn bè xung quanh.
Khi chúng ta đọc một bài thơ với nhịp điệu khớp với nhịp điệu của trẻ, khi người mẹ đọc thơ cho em bé trong bụng nghe, đặc biệt thơ của Việt Nam, với đặc trưng ngôn ngữ 6 thanh điệu, sẽ tạo nên cảm xúc rất lớn, dễ thương, âu yếm, vui tươi.
Chính vì thế, việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc với thơ là điều rất tốt, giúp các em có nhiều cảm xúc, thêm ngôn ngữ sáng tạo và kết nối với vạn vật, thông qua những giai điệu dễ thương, nhẹ nhàng.
Nhà thơ, TS giáo dục Thụy Anh. |
- Không phải ai biết làm thơ cũng có thể làm được thơ cho thiếu nhi. Vậy theo chị, đâu là điều khó khăn khi sáng tác cho thiếu nhi và điều quan trọng để một tác giả có thể đi đường dài là gì?
- Vốn dĩ việc sáng tác đã rất khó, mà sáng tác cho thiếu nhi lại càng khó hơn. Không phải ai muốn cũng làm được, bởi nó còn cần tố chất của người viết.
Bên cạnh việc quan sát, chia sẻ hoặc đắm chìm trong thế giới của các em, tôi cho rằng, người viết phải là những người mà đâu đó trong họ vẫn còn tồn tại bản chất những đứa trẻ.
Người bình thường khi lớn lên sẽ nhanh chóng quên đi tuổi thơ của mình, nhưng có những người lại nhớ rất rõ nhiều chi tiết, từ cái ấm ức nhỏ khi 5-6 tuổi. Người viết phải là những người nhớ và chia sẻ với các em những cảm xúc trong họ, đó không phải giả vờ trở thành trẻ thơ, mà chính là bản chất trẻ thơ bên trong họ vẫn còn tồn tại, vẫn vui tươi, hài hước, dí dỏm.
Thứ hai là người viết luôn có sự giao lưu để bắt nhịp với các em. Có những ý tưởng lóe lên trong đầu các em, khi nói với người lớn, có khi người lớn sẽ cho rằng đó chỉ là chuyện tầm phào, nhưng với các em lại là những điều lớn lao, thú vị. Có những chuyện khiến các em cười khúc khích mãi với nhau, còn người lớn thì chẳng quan tâm.
Bản thân tôi cho tới gần đây mới dám nhận là một tác giả viết cho thiếu nhi. Bởi vì như đã nói, ngôn ngữ viết cho thiếu nhi phải giữ được độ trong sáng, dí dỏm, nhưng không ngô nghê. Chỉ cần lơi lỏng một chút, chúng ta dễ viết những bài vè, chứ chưa phải là ngôn ngữ của thơ ca.
Ngoài ra, chúng ta thường đặt mục tiêu giáo dục quá nặng nề trong mỗi tác phẩm. Người lớn sẽ rất hay sa đà vào câu chuyện dạy dỗ trẻ con, nên thơ ca nặng nề. Trong khi, tính giáo dục với trẻ em chỉ đơn giản là vẻ đẹp của thế giới này, là tính vị tha… Đối với thiếu nhi, ai có thể khơi gợi được cảm xúc bỗng thấy thương yêu của đứa trẻ thì người đó sẽ đi được đường dài.
- Hành trình 13 năm tâm huyết với các hoạt động dành cho thiếu nhi (CLB Đọc sách cùng con, trại Hè thiếu nhi, dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt kiều...) chị có mong muốn gì về sự phát triển của trẻ em Việt Nam?
- Từ khi trở về nước đến nay thì tôi tích cực tham gia hoạt động và tổ chức những hoạt động cho thiếu nhi. Cho đến bây giờ, tôi cho rằng mình đã lựa chọn rất đúng khi gắn bó đời mình với các em, cho đến khi mình không thể hòa nhập được nữa thì thôi
Bố mẹ đừng bao giờ đợi đến khi con cái có vấn đề thì mới bắt đầu đi giải quyết, mà chúng ta hãy chia sẻ với các em từ trước đó. Chính vì thế tôi lấy tên CLB là "Đọc sách cùng con", thể hiện sự đồng hành của bố mẹ với con cái. Cảm xúc hoặc sự chia sẻ là không lời, chúng ta có thể chia sẻ với nhau thông qua câu chuyện đọc sách, qua những bài thơ.
Còn việc lan tỏa tiếng Việt đến với bà con và các em nhỏ Việt kiều, tôi mong muốn chúng ta giữ được tiếng Việt, dù ở đâu trên thế giới này. Đôi khi các bạn nói tiếng Việt chưa sõi, bởi vì bên đó không có môi trường ngôn ngữ, nhưng khi chúng tôi đọc thơ với nhau, các bạn đọc và tôi cảm nhận được những xúc cảm trong đó. Tôi cho rằng, chúng ta chỉ có thể giữ được bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc khi chúng ta giữ được cái cảm xúc ngôn ngữ như vậy.
- Chị đánh giá thế nào về sự lan tỏa của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn nói riêng và các hoạt động nghệ thuật dành cho thiếu nhi của Việt Nam nói chung?
- Tôi nhớ năm 2020, khi Giải thưởng Dế Mèn được công bố, mọi người đã rất hào hứng và phấn khởi, bởi vì nó đã đáp ứng được mong đợi lâu nay của những nhà văn đã, đang và muốn viết cho thiếu nhi.
Tôi nhớ đến câu thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: "Lớn nhanh lên với / Bé bỏng chiều nay". Giải thưởng lúc bấy giờ còn đang bé bỏng và tôi tin rằng chắc chắn nó sẽ lớn lên rất nhanh với những thông điệp lan tỏa tuyệt vời của mình.
Giải Dế Mèn đến thời điểm này đã đáp ứng được mong đợi của nhiều người và tôi nhìn thấy sự lan tỏa của nó. Nó là một cú hích để những người đang làm việc chuyên nghiệp - những tên tuổi gạo cội trong làng văn học thiếu nhi - tiếp tục lao động, cống hiến, vì thấy tác phẩm của mình đang được đọc và công nhận. Tôi rất vui khi biết tác phẩm của mình lọt vào Vòng chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023.
TS giáo dục, nhà thơ Thụy Anh
Nhà thơ Thụy Anh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành giáo dục học tại Đại học Tổng hợp Sư phạm Moskva, chị về nước làm việc. Từ năm 2010, chị sáng lập và là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (Hà Nội).
Các tập thơ đã xuất bản: Nhim nhỉm nhìm nhim (2014), Ngày xưa, ngày nay, ngày sau (2014), Mẹ hổ dịu dàng (2014), Vui cùng tiếng Việt (2014), Chào tiếng Việt (2022)…