Đây là lần đầu tiên ba thi tập của nhà thơ gồm Lời Dâng (Gitanjali), Tâm tình hiến dâng (The Gardener) và Tặng vật (Lover’s Gift) cùng xuất hiện trong một cuốn sách dưới hình thức song ngữ Việt-Anh. Trong khi chúng ta chưa có điều kiện tiếp xúc với nguyên bản thơ Tagore, hình thức ấn hành song ngữ với phần tiếng Anh do chính Tagore và những người khác chuyển ngữ là một cố gắng đáng trân trọng của dịch giả và Nhà xuất bản Kim Đồng.
Với những bạn đọc muốn hiểu Tagore và thơ ông, một “món quà” đáng trân trọng nữa trong cuốn sách này là bài giới thiệu công phu của dịch giả Đỗ Khánh Hoan. Trên từng trang của bài giới thiệu dài 40 trang, dịch giả nắm tay ta dẫn bước vào cuộc hành trình khám phá cái “phong phú và siêu việt” như thể “rừng già” của nền văn hóa và tôn giáo Ấn Độ, từ thuở sơ khai đến thời kì hiện đại.
Từ đó, ta có thể thấy rằng thơ Tagore không phải là một loài cây lạ từ đâu đó bứng vào mà vốn dĩ được nảy mầm và vun trồng ngay chính trên mảnh đất Ấn Độ, cũng như vậy, Tagore không phải một cá thể lạc lõng mà là một trong những con người ưu tú và độc đáo của lịch sử Ấn Độ hiện đại.
Tập Thơ Tagore do dịch giả Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ. |
Mặt khác, nói vậy không có nghĩa là đơn giản hóa Tagore và thơ ông. Bởi như dịch giả đã nhận xét hết sức tinh tế: “Lý tưởng đưa ông xa mọi người, song cũng đưa ông gần tất cả.” Và như chính Tagore đã nói vào năm 1916: “Tôi biết tiếng nói của mình quá yếu ớt chẳng thể dâng cao vượt khỏi tiếng ồn ào rền vang mọi nẻo trong thời đại hối hả, vội vàng, và tôi biết bất kỳ em bé nào lang thang, thất thểu ngoài phố cũng có thể dùng cụm từ 'không thực tế' gán cho tôi.” Nhưng xét đến cùng, phải chăng chính sự “không thực tế” lại là một trong những điều tối cần thiết khiến chúng ta là con người, thành con người?
“Bạn đọc, bạn là ai trăm năm về sau đang đọc thơ tôi? Rất tiếc chẳng làm sao gửi cho nhau bông hoa duy nhất trong sắc xuân tràn trề, ánh vàng độc nhất từ lớp mây đằng kia. Xin mở toang cửa nhìn bốn phương trời.”(Who are you, reader, reading my poems an hundred years hence? I cannot send you one single flower from this wealth of the spring, one single streak of gold from yonder clouds. Open your doors and look abroad.)
Đó là lời nhắn gửi của nhà thơ trong bài thơ số 28 tập Tâm tình hiến dâng. Dường như với Tagore, cuộc đời quá rộng lớn và đẹp đẽ để có thể gói lại và gửi cho bạn đọc cho dù qua hàng ngàn hàng vạn tứ thơ.
Đại thi hào Rabindranath Tagore (1861-1941). |
Bởi vậy, mỗi bài thơ của Tagore, bất kể sự khác biệt trong chủ đề và bút pháp, đều có thể coi như một tiếng gõ cửa nhẹ nhàng mà khẩn thiết khiến người đọc phải mở lòng đón nhận cuộc đời và yêu nó bằng cả tâm hồn. Như nhà thơ đã từng làm. Như cái cách ông đã tiếp tục sống và yêu thương sau những tang tóc dồn dập trong gia đình, sau những bi kịch mà quê hương Ấn Độ của ông phải trải qua lúc đó.
Và như lời mở đầu bài thơ số 27 tập Tâm tình hiến dâng: “Hãy tin tưởng dù tình yêu mang lại khổ đau. Chẳng nên khép kín tâm hồn, em ạ.” (Trust love even if it brings sorrow. Do not close up your heart.) Và tất nhiên, như sự tận tâm hết lòng mà ông vẫn dùng để giao cảm với thế giới xung quanh, cho dù ở đầu kia của sự giao cảm là thần linh hay con người, loài vật hay cây cỏ, đấng chí tôn hay người thân yêu, hay thậm chí là kẻ hoàn toàn xa lạ.
Trong điệp văn gửi tới Viện Hàn lâm Thụy Điển nhân dịp ông trở thành người châu Á đầu tiên được nhận giải Nobel Văn học vào năm 1913, Tagore đã mượn một ý trong bài thơ số 63 tập Lời dâng: “Dẫn tôi tới ngồi trong ngôi nhà xa lạ, ngôi nhà không phải của tôi, rồi giới thiệu cùng bạn bè chưa hề quen biết, người đã đem nơi xa xôi tới chỗ gần gụi và biến kẻ xa lạ thành anh em”.
Cuốn Thơ Tagore, với những bài thơ được dịch giả Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ và giới thiệu, phải chăng chính là một trong những thứ có sức mạnh “đem nơi xa xôi tới chỗ gần gụi và biến kẻ xa lạ thành anh em”?