Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng cuộc tàn sát người Armenia dưới Đế chế Ottoman đã cấu thành tội diệt chủng là "thái quá" và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có biện pháp đáp trả trong vài tháng tới, phát ngôn viên của ông Tayyip Erdoga cho biết ngày 25/4.
Sau khi nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lên án tuyên bố của ông Biden vào ngày 24/4, ông Kalin cho biết Tổng thống Erdogan sẽ giải quyết vấn đề tại cuộc họp nội các hôm 26/4, theo Reuters.
“Vào thời điểm và địa điểm mà chúng tôi cho là thích hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả tuyên bố không công bằng và đầy đáng tiếc này", ông chia sẻ.
Trong số các biện pháp đáp trả, ông Kalin không nói rõ liệu Ankara có hạn chế Mỹ tiếp cận căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Căn cứ vốn được sử dụng hỗ trợ liên minh quốc tế chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq.
Người Armenia biểu tình trước đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Tổng thống Joe Biden công nhận cuộc thảm sát năm 1915 là diệt chủng. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố công nhận tội ác diệt chủng tại Armenia năm 1915, điều chưa tổng thống Mỹ nào trong lịch sử làm. Tuyên bố được phía Armenia hoan nghênh nhưng làm căng thẳng mối quan hệ giữa Washington và Ankara.
Trong nhiều thập kỷ, các tổng thống Mỹ đã tránh sử dụng chữ "diệt chủng" vì lo ngại phản ứng tiêu cực từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ giữa hai nước đã thay đổi.
Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống phòng không của Nga, trong khi Ankara tức giận vì Washington trang bị vũ khí cho người Kurd ở Syria và không dẫn độ giáo sĩ mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc dàn xếp âm mưu đảo chính năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ từng chấp nhận rằng nhiều người Armenia sống dưới Đế chế Ottoman đã bị giết trong các cuộc đụng độ với quân Ottoman vào Thế chiến II. Đế chế Ottoman là tiền thân của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận các vụ tàn sát đã được dàn dựng một cách có hệ thống để cấu thành tội ác diệt chủng.