"Người dân Mỹ trân trọng tất cả người Armenia thiệt mạng trong cuộc diệt chủng bắt đầu cách đây 106 năm", ông Biden tuyên bố ngày 24/4, theo Guardian.
“Cuộc diệt chủng bắt đầu ngày 24/4/1915, với việc chính quyền Ottoman bắt giữ các trí thức Armenia và những nhà lãnh đạo cộng đồng ở Constantinople. 1,5 triệu người Armenia bị trục xuất, tàn sát hoặc phải hành quân đến chết trong một chiến dịch tiêu diệt”, theo tuyên bố của tổng thống Mỹ.
Ông Biden ngày 23/4 đã gọi cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan để thông báo về động thái này.
Cuộc trò chuyện giữa hai nhà lãnh đạo được cho là rất căng thẳng và nội dung trên không được nhắc đến trong các biên bản ghi nhận cuộc nói chuyện.
Ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên coi vụ giết 1,5 triệu người Armenia năm 1915 là tội ác diệt chủng. Ảnh: AFP. |
Ankara đã ngay lập tức phản đối tuyên bố của ông Biden.
“Lời nói không thể thay đổi hoặc viết lại lịch sử”, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşo saidlu viết trên Twitter. “Chúng tôi không cần học quá khứ của mình từ người khác. Chủ nghĩa cơ hội chính trị là sự phản bội lớn nhất đối với hòa bình và công lý. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ tuyên bố này”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng: “Rõ ràng tuyên bố của tổng thống Mỹ không có cơ sở học thuật, pháp lý và bằng chứng. Câu nói đó sẽ mở ra vết thương làm tổn hại sự tin tưởng lẫn nhau và tình bạn của chúng ta. Chúng tôi kêu gọi tổng thống Mỹ sửa chữa sai lầm nghiêm trọng này”.
Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết ông Biden vẫn sẽ ra tuyên bố trên, bất kể tình trạng quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đây là điều mà Tổng thống Biden đã tin tưởng trong một thời gian rất dài, kể từ khi ông còn ở Thượng viện. Đây cũng là quan điểm ông thể hiện rất rõ trong chiến dịch tranh cử”, quan chức này nói.
Các tổng thống Mỹ không thể ra tuyên bố chính thức về sự kiện trên trong nhiều năm qua do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và đồng minh lâu năm trong khu vực. Tuy nhiên, quan hệ giữa Washington và Ankara đã trở nên xấu đi đáng kể trong những năm gần đây.
Động thái của ông Biden cho thấy sự thành công sau nhiều thập kỷ vận động hành lang của các tổ chức người Mỹ gốc Armenia.
“Đây là một thời điểm cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền”, Bryan Ardouny, người đứng đầu Hội đồng Armenia Mỹ, cho biết. “Đó là một hành trình dài. Tổng thống Biden đang chống lại một thế kỷ của sự phủ nhận và đang vạch ra một lộ trình cho nhân quyền ở mọi nơi".
Hơn 1,5 triệu người Armenia bị giết hại khi đế chế Ottoman sụp đổ và nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ra đời. Nhiều người thiệt mạng trong các cuộc hành quân vào sa mạc Syria.
Vụ tàn sát được nhiều người coi là tội ác ở quy mô lớn - và là tiền đề của cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã.