Dù có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/4 tuyên bố Mỹ công nhận việc Ottoman giết hại 1,5 triệu người Armenia hơn một thế kỷ trước là tội ác diệt chủng.
Ông Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên bố như vậy, theo New York Times. Những người tiền nhiệm của ông không muốn mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của NATO và là quốc gia quan trọng về mặt chiến lược.
Thông báo của ông Biden có ý nghĩa biểu tượng to lớn, đưa vụ thảm sát người Armenia vào cùng hàng ngũ với cuộc diệt chủng ở châu Âu, Campuchia và Rwanda.
Việc sử dụng thuật ngữ trên là một cái tát với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Recep Erdogan, người kịch liệt phủ nhận tội ác diệt chủng. Ông Erdogan thậm chí từng chỉ trích cả Giáo hoàng Francis vì đã gọi vụ thảm sát với thuật ngữ này.
Đài tưởng niệm các nạn nhân Armenia trong một nhà nguyện ở Antelias, Lebanon. Ảnh: New York Times. |
Vì sao người Armenia bị tàn sát?
Bạo lực với người Armenia diễn ra trong bối cảnh Đế chế Ottoman, tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, bắt đầu tan rã. Ottoman bao gồm khu vực mà ngày nay là Armenia, một quốc gia không giáp biển được Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Azerbaijan và Iran bao quanh.
Ottoman liên kết với Đức trong Thế chiến I. Từ năm 1915, họ tìm cách ngăn cản người Armenia hợp tác với Nga và ra lệnh trục xuất hàng loạt. 1,5 triệu người Armenia chết vì đói, bị binh lính Ottoman và cảnh sát giết hại. Đồng thời, người Armenia buộc phải di cư về phía nam, đến vùng đất ngày nay là Syria và các nơi khác ở Trung Đông.
Khoảng 500.000 người Armenia sống sót sau sự kiện trên. Nhiều người phải phân tán đến Nga, Mỹ và khắp thế giới.
Nhiều nhà sử học coi vụ giết hại người Armenia là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20. Với nhiều người Armenia, đây là vết sẹo để lại qua nhiều thế hệ. Vết sẹo của họ vẫn gợi lên những cảm xúc mạnh mẽ, đặc biệt là khi Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng rằng đó không phải là cuộc diệt chủng.
Một nghĩa trang của người Armenia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015. Ảnh: New York Times. |
Diệt chủng (genocide) thường được định nghĩa là việc cố ý giết người thuộc một nhóm chủng tộc, chính trị hoặc văn hóa, với mục đích tiêu diệt nhóm đó.
Thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1944. Luật sư Ba Lan gốc Do Thái Raphael Lemkin đã kết hợp từ Hy Lạp "geno", có nghĩa là chủng tộc hoặc bộ tộc với gốc “-cide”, trong tiếng Latin nghĩa là giết người. Ông Lemkin nói những vụ giết người Armenia và thảm sát Holocaust do Đức Quốc xã gây ra đã định hình suy nghĩ của ông.
Tội diệt chủng chưa phải là một khái niệm pháp lý khi Tòa án Nuremberg đưa Đức Quốc xã ra xét xử sau Thế chiến II. Tuy nhiên, quá trình tố tụng đó đã tạo cơ sở cho các tòa án sau này truy tố tội diệt chủng.
Thuật ngữ diệt chủng được đưa vào một hiệp ước của Liên Hợp Quốc năm 1948. Hiệp ước này quy định diệt chủng là tội ác theo luật quốc tế.
Sự phủ nhận của Thổ Nhĩ Kỳ
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận các hành động tàn bạo đã được thực hiện trong thời kỳ đó. Tuy nhiên, họ lập luận nhiều người Turk cũng bị giết và con số thương vong của người Armenia đã bị phóng đại.
Các thế hệ lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lên án việc gọi đó là cuộc diệt chủng. Họ cho rằng đây là hành động nhằm bôi xấu câu chuyện về sự ra đời của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.
Tàn tích của một nhà thờ ở Ani, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi từng là thủ đô của vương quốc Armenia thời trung cổ. Ảnh: New York Times. |
Ý thức phủ nhận tội ác diệt chủng đã ăn sâu vào xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Những nhà văn dám sử dụng thuật ngữ này đã bị truy tố theo mục 301 của bộ luật hình sự, quy định cấm “phỉ báng người Thổ Nhĩ Kỳ”.
Học sinh Thổ Nhĩ Kỳ được dạy ngay từ khi còn nhỏ rằng cuộc diệt chủng là một lời nói dối. Sách giáo khoa Thổ Nhĩ Kỳ mô tả người Armenia trong thời kỳ đó là những kẻ phản bội. Sách cũng tuyên bố các hành động của Ottoman là "biện pháp cần thiết" chống lại chủ nghĩa ly khai của người Armenia.
Nhiều năm tránh né của Mỹ
Trước ông Biden, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhắc đến "nạn diệt chủng người Armenia" trong tuyên bố ngày 22/4/1981 kỷ niệm việc giải phóng các trại tập trung của Đức Quốc xã. Đây là động thái được cho là gần nhất với việc tuyên bố cuộc thảm sát người Armenia là diệt chủng.
Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ thường không nói tới cuộc giết hại theo các như vậy để tránh phản ứng tiêu cực từ Thổ Nhĩ Kỳ. Phản ứng như vậy có thể gây nguy hiểm cho việc hợp tác với nước này trong ngoại giao hoặc các cuộc xung đột khu vực.
Một người đàn ông ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ, cùng bức ảnh của ông nội, người sống sót sau vụ thảm sát năm 1915. Ảnh: New York Times. |
Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Biden từng thể hiện quan điểm về vụ giết hại người Armenia qua bài phát biểu ngày 24/4/2020. Ông sử dụng thuật ngữ "diệt chủng Armenia" và khẳng định "chúng ta không bao giờ được quên hoặc giữ im lặng về chiến dịch tiêu diệt khủng khiếp và có hệ thống này".
Những năm gần đây, Quốc hội Mỹ ngày càng không hài lòng về ông Erdogan. Năm 2019, Hạ viện và Thượng viện đã thông qua các nghị quyết gọi các vụ giết người ở Armenia là tội ác diệt chủng.
Là phó tổng thống trong chính quyền Obama, ông Biden không có quan hệ tốt với ông Erdogan. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã lạnh nhạt khi đón tiếp ông Biden vào tháng 8/2016.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với các đồng minh NATO khác. Ngoài ra, việc nước này mua tên lửa phòng không của Nga đã khiến chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ khó chịu.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ gặp ngày càng nhiều vấn đề kinh tế dưới thời ông Erdogan. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ ít có khả năng trả đũa bất kỳ tuyên bố nào của Mỹ làm họ không hài lòng.
Ba tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden, tổng thống Mỹ và ông Erdogan không tổ chức cuộc thảo luận nào. Đây là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng không xem Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng.
Và khi nói về tuyên bố của Tổng thống Biden, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết “quan hệ hai bên có xấu đi hay không phụ thuộc vào quyết định của Mỹ”.