Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP |
"Sự phi đạo đức này ở chỗ họ nhằm vào vấn đề gia đình tôi", AFP trích phát biểu của Tổng thống Tayyip Erdogan trên truyền hình. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga công bố những "bằng chứng" cho thấy một số thành viên trong gia đình ông Erdogan, bao gồm con trai và con rể, liên quan đến hoạt động mua dầu lậu từ lực lượng IS.
Ông Erdogan khẳng định, Ankara cũng đang nắm trong tay những bằng chứng cho thấy Moscow mới là phía thực sự tham gia vào hoạt động mờ ám này. "Chúng tôi đã có chứng cứ và sẽ sớm công bố với thế giới", nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định.
Cùng ngày 3/12, Reuters đưa tin, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng phủ nhận những thông tin của Bộ Quốc phòng Nga.
"Đây là lối tuyên truyền cũ của họ từ thời Chiến tranh Lạnh. Họ đưa ra những thông tin không đúng sự thật rồi nghĩ rằng thế giới sẽ tin như vậy. Tuy nhiên, không ai tin vào những điều này", ông Davutoglu nói. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, Ankara đang nỗ lực để bảo đảm an ninh dọc biên giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng bác bỏ những thông tin cáo buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhập dầu lậu từ phiến quân.
Đêm 2/12, Bộ Quốc phòng Nga tổ chức họp báo để cung cấp bằng chứng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến của những tuyến vận chuyển dầu phi pháp của IS qua Syria và Iraq.
Họ công bố ảnh vệ tinh về các đường vận chuyển dầu và xe chở nhiên liệu hoạt động ở khu biên giới Syria gần Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài phát biểu liên bang chiều 3/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Moscow sẽ không cho qua "việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khủng bố".
"Hành động bắn rơi máy bay Nga sẽ không thể dễ dàng được bỏ qua với chỉ lệnh cấm vận đơn thuần. Chúng ta sẽ tiếp tục nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ về những gì họ đã làm. Chúng ta sẽ không tha thứ cho hành động đâm sau lưng của Ankara cũng như mối quan hệ của họ với khủng bố", RT trích lời ông Putin.
Dự án khí đốt Nga - Thổ bị đình chỉ
Trang RT cho biết, Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak chính thức tuyên bố dừng dự án khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa việc nước này bắn rơi máy bay Su-24 của Nga. Trước đó, hoạt động của dự án đã tạm ngưng vì chờ chỉ thị chính thức từ chính phủ.
"Chúng tôi hy vọng dự án sẽ chỉ bị chậm lại vài năm chứ không phải hoàn toàn hủy bỏ", một nguồn tin từ công ty năng lượng Gazprom nói.
Dự án khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thỏa thuận hợp tác lớn giữa hai nước, nhằm vận chuyển khí đốt từ Nga về Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Biển Đen, sau đó tiếp tục đến Nam Âu.
Việc khởi công dự kiến diễn ra hồi tháng 6, nhưng bị hoãn do Moscow và Ankara vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Theo trang RT, rắc rối của dự án này không ảnh hưởng đến việc Nga chuyển khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các ống dẫn Blue Stream hiện tại.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ có cuộc họp riêng bên lề hội nghị của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra ở Serbia từ ngày 3/12. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà ngoại giao cấp cao của hai nước từ sau sự cố Su-24 bị bắn rơi.