Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thơ của một người 'điên'

Cuốn sách "Phạm Phú Hải - Tác phẩm và dư luận" ra đời sau hơn mười năm ngày mất của thi sĩ là sự ghi nhận xứng đáng cho một tâm hồn thuần khiết, đốt hết mình cho thơ ca.

Sách Phạm Phú Hải - Tác phẩm và dư luận. Ảnh: Mộc Uyển.
Pham Phu Hai anh 1
Pham Phu Hai anh 1

Sách Phạm Phú Hải - Tác phẩm và dư luận. Ảnh: Mộc Uyển.

Nhà thơ tượng trưng người Pháp Arthur Rimbaud cho rằng: “Thi nhân tự biến mình thành tiên tri thấu thị bằng một sự hỗn loạn của mọi giác quan, lâu dài, rộng lớn phi thường và hợp lý”.

Ở Việt Nam, nhà thơ Chế Lan Viên trong lời tựa tập Điêu tàn đã khẳng định: “Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tỉnh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý”.

Nói là nói vậy, người làm thơ ở nước Việt tuy nhiều, bước vào lâu đài của “thơ điên” tính ra không nhiều. Đầu tiên có thể kể đến nhà thơ Hàn Mặc Tử, sau nữa là Bùi Giáng, người cuối cùng có thể kể đến là Phạm Phú Hải. Với Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng độc giả đã biết đến nhiều.

Riêng trường hợp Phạm Phú Hải, cuốn sách Phạm Phú Hải - Tác phẩm và dư luận (Nhà xuất bản Đà Nẵng) ra đời sau hơn mười năm ngày mất của nhà thơ là sự ghi nhận xứng đáng cho một tâm hồn thuần khiết, đốt hết mình cho thi ca.

"Nhà thơ điên" hay người ở thế giới khác

Theo từ điển thì “điên” là trạng thái bệnh lý về tâm thần, mất năng lực tự chủ và năng lực kiềm chế hành vi, thường có những hành động quá khích. Về “điên” ta có các trạng thái như điên khùng, điên rồ, điên loạn…

Chiểu theo những gì viết ở trên thì Phạm Phú Hải là "người điên". Cái khác là ông không quá khích hay phá phách, chỉ lang thang tìm kiếm, viết chộp lấy cái mình nghĩ, xong quên ngay cái mình viết, lại tìm, từ ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác.

Với mọi người nhà thơ không tỉnh táo, không có tương tác với môi trường, con người xung quanh. Nhưng nhà thơ lại chẳng quan tâm đến điều ấy. Thậm chí còn tự giễu mình: “tôi điên rồi đấy / tôi đang cười và đang khóc đấy / tôi đang mừng và đang buồn đấy / tôi đang thương và đang giận đấy”.

Ở đây, nhà thơ đang sống trong thế giới thơ của mình, đóng chặt mọi thứ với môi trường xung quanh. Ở trạng thái: “một năm có bốn mùa nhưng tôi biết có một mùa thứ năm / không gian có bốn phương nhưng tôi biết có một phương thứ năm / tôi đang sống / trong mùa phương không tên gọi đó”. Và luôn tự hỏi: “bay lên thiên hà khác / lại hỏi lại từ đầu / câu hỏi sao quái ác / ta có là từ đâu”.

Thế nhà thơ có từ đâu? Câu hỏi này chắc chỉ có nhà thơ biết. Biết để rồi nuốt vào bụng. Biết để rồi quên ngay, như “lão già cưỡi con ngựa già / trắng phau lừng lững bay qua ngọn đồi / ngọn đồi, người ngựa, cùng trôi / chao ơi ta thấy cuộc đời cũng mau”.

Cuốn sách về Phạm Phú Hải cho thấy ở thơ ông, những hình ảnh bất chợt, vụt hiện, rờn rợn pha trộn giữa cõi mộng và cõi thực. Ảnh: Mộc Uyển.
Pham Phu Hai anh 2
Pham Phu Hai anh 2

Cuốn sách về Phạm Phú Hải cho thấy ở thơ ông, những hình ảnh bất chợt, vụt hiện, rờn rợn pha trộn giữa cõi mộng và cõi thực. Ảnh: Mộc Uyển.

Những hồn thơ cô độc gặp nhau

Nhà thơ Bùi Giáng và nhà thơ Phạm Phú Hải quê đều ở Quảng Nam, đều vì cái sự “không bình thường” đối với cõi thơ mà biết nhau. Sinh thời Phạm Phú Hải thường từ Đà Nẵng tìm vào Sài Gòn thăm nhà thơ mà mình yêu quý. Có lần gặp Bùi Giáng tỉnh, có lần mê chông chênh giữa trầm cảm và hưng phấn. Nhưng khi tỉnh ra, biết Phạm Phú Hải vào thăm thường tiếc nuối: “Phạm Phú Hải vào thăm tao mà hồi đó tao điên quá nên mất vui”.

Thơ Bùi Giáng và Phạm Phú Hải có sự đồng điệu với nhau ở những hình ảnh bất chợt, vụt hiện, rờn rợn pha trộn giữa cõi mộng và cõi thực một cách đầy bất ngờ. “Có bàn chân dài hơn con đường / nên chân trời là những đốt xương / của ai bỏ lại ngàn năm trước / sửng sốt kêu lên tiếng dị thường”. Hay: “ta về chép lại chiêm bao / đốt câu thơ cũ bỏ vào ống xương”, “lạnh mùa thu lạnh trong núi đá / có con chim nhỏ chết bên cầu / có con chim nhỏ vì vui quá / cũng chết bên cầu ấy, bữa xưa”.

Nhiều độc giả bảo Phạm Phú Hải chịu ảnh hưởng của Bùi Giáng. Nhưng khi đọc cả tập Phạm Phú Hải - Tác phẩm và dư luận gồm tập Lâm thâm ngâm hoàn thành từ năm 1973 và những bài thơ rời viết sau này thấy hai nhà thơ là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Họ đều mang tâm bệnh, có nhiều nét giống trong tướng mạo, râu tóc, cách hành xử, nhưng “thơ” khi phát tiết mỗi người mỗi kiểu, với nỗi bi hoan rất riêng biệt.

Có thể tạm hiểu thế giới của hai "người điên" xứ Quảng ấy đã có lúc ở gần nhau, nhưng rồi mỗi người vẫn sống trong thế giới của riêng mình, đắm chìm trong đó đến khi trút hơi thở cuối cùng - tạm biệt thế giới thật bên ngoài của người bình thường với chật vật quay vòng hỷ nộ ái ố.

Nói về thơ, mà lại là thơ “điên” của người “điên” nữa vốn là việc không nên. Như nhà phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam, ở phần Hàn Mặc Tử, khi viết về Thơ Điên (hay Đau thương), gồm ba tập: Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và hồn điên đã “mệt mỏi” nhận định: “Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử ta không hiểu được và chắc chắn cũng không ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và e còn cô độc đến muôn kiếp… Một tác phẩm như thế ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng dân gian, nhân gian không có quyền phê phán…”.

Như tập thơ Phạm Phú Hải, cái chúng ta nên làm là đọc, thương cảm cho một tâm hồn cô độc đến tận cùng, và nếu cảm được điều gì hay thì là may mắn. Còn không thì để lại trong giá sách, biết đâu đấy, ở trạng huống đọc khác đi (sau này) ta có thể hiểu, chia sẻ được đôi ba phần với nhà thơ…

Bài liên quan

'Tuyển tập luận đề' - Bùi Giáng bình Kiều

'Tuyển tập luận đề' - Bùi Giáng bình Kiều

Qua từng vấn đề, Bùi Giáng khai mở cho người đọc bước vào thế giới của "Truyện Kiều", chỉ từng khung cảnh, nhận mặt từng nhân vật, khám phá lại một tác phẩm kinh điển.

Con duong mau cua tu nhan Do Thai hinh anh

Con đường máu của tù nhân Do Thái

0

Kiệt sức, đầm đìa mồ hôi, máu me be bét, những người mới đến được lùa đi qua cánh cổng. Lúc này còn lại 1.010 người; hai mươi lăm người xuất phát từ Vienna giờ đã là những xác chết nằm lại dọc trên Con Đường Máu.

Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm