“i thích thơ. i vẽ lòng mình bằng những con chữ trên mặt phẳng trắng. Lòng i tầm thường, những con chữ của i cũng tầm thường. Lòng i cô độc, những con chữ của i cô độc. Lòng i tăm tối, những con chữ của i tăm tối” (Cô độc nên thơ - Nam Thi).
Cô độc nên thơ mở ra một cõi sống
Tôi đọc Cô độc nên thơ nhiều lần, từ khi tập thơ còn ở dạng bản thảo. Những nâng lên đặt xuống, những khép lại mở ra, cuối cùng kết lại trong tôi một chùm câu hỏi: Tại sao i lại viết thế này? Điều gì đang diễn ra trong tinh thần, tư tưởng của i? Và, sát hơn nữa, cô độc ở đâu, nên thơ ở đâu?
Những câu hỏi trườn trong bóng tối, vươn về quầng sáng nghiêng nghiêng, thấp thỏm. Tôi len lén quan sát những câu hỏi, có khi tôi thấy chúng ủ rũ và uể oải, có khi hân hoan mừng rỡ, có khi lại xen lẫn giữa hoài nghi và hi vọng… Dường như, những câu hỏi cũng cảm nhận được rằng, đáp án dành cho chúng thật bấp bênh, không dễ thỏa thuận.
Cô độc nên thơ mở ra một cõi sống. Đó là cõi sống của chữ - thơ - người, tần ngần lựa chọn một vị thế để tồn tại. Không sa ngã vào đám đông, chối từ những thói quen, nhịp điệu cũ mòn, mỏi mệt, Cô độc nên thơ là thơ của miền cô độc.
Dẫu vậy, nó lại khẩn khoản đợi chờ một sự thông hiểu và chia sẻ. Cô độc lưỡng lự và hoang mang bởi những trượt trôi vô nghĩa của đời sống. Cô độc dấy lên những dự cảm trống rỗng, mất căn cước, mất hiện hữu nhưng đồng thời cũng tha thiết một cội rễ, một xác quyết, một bến bờ.
Trở về với ngôn ngữ, Cô độc nên thơ cho thấy nỗ lực của Nam Thi trong việc hoàn nguyên nhận thức về yếu tính của tồn tại. Giằng níu của các đối cực cảm xúc trong Cô độc nên thơ tạo nên trạng thái của một người trẻ bên ngưỡng cửa cuộc đời. Có lẽ tại điểm ban đầu, sơ nguyên nhất, thế giới, con người, thi ca đều rất cô độc. Cô độc ánh lên vẻ đẹp của sự sống.
Sách Cô độc nên thơ. Ảnh: Tao Đàn. |
Sống cô độc và sáng tạo trong cô độc
Cô độc là trạng thái tối ưu cho sáng tạo. Bởi chỉ trong cô độc, mất kết nối toàn diện với thế giới, con người mới nảy sinh nhu cầu sáng tạo một thế giới khác, như là nơi chốn để “tị nạn” và an trú: Kẻ du mục giữa dòng đời nắng gió/ Trong gian khó tôi tị nạn vào thơ (Nam Thi).
Cô độc là từ khóa quan trọng trong tập thơ, diễn tả trạng thái tinh thần của chủ thể (i). Cô độc bởi bị bỏ rơi trong gia đình. Cô độc bởi sự bứt lìa khỏi môi trường xã hội. Cô độc trong tình yêu bởi những gãy đổ không gì cứu vãn được. Nhưng, đáng sợ hơn là cô độc trong tư tưởng, trong quan niệm về sự tồn tại của một con người đúng nghĩa.
Cô độc đến ngột ngạt khó thở, không nghe, không thấy, không cảm giác – tri giác được gì, đó là tình thế ngăn cách tuyệt đối với xung quanh mà i lâm vào. Một người trẻ trong môi trường đô thị hiện đại, thèm được gọi tên cảm giác sống của mình, dù là cay đắng:
em
em
em
ở đâu?
xin hãy khơi lại mọi đắng cay
để anh còn có thể
một lần
định danh được cảm giác.
(Những quan năng câm vì cô độc)
Cõi sống cô độc hiện hình trong chữ, đổ vào bóng chữ, cườm trong vân chữ, lặn sâu vào âm bản của chữ. Dạng thức nào cũng cho thấy tình thế “căn cước rỗng” của i.
Không phải là i không mong cầu một niềm tương giao gắn kết, mà dường như, những cố gắng của i đã bất lực. Hoang mang, i réo gọi những cái tên trong tâm tưởng. Kia là Nietzsche nhọc nhằn để siêu vượt trong bóng lạc đà qua sa mạc.
Kia là Trần Dần khóc những chân trời tuyệt vọng. Kia là Trịnh Công Sơn với tấm lòng thầm thì trong gió. Thấp thoáng, ta còn nhận ra những ưu tư về hữu thể và thời gian của Heidegger; về nỗi cô đơn rướm máu của Hàn Mặc Tử; lại có chút gì hư vô, tuyệt vọng, cuồng điên lưu đầy trong hố thẳm của Phạm Công Thiện.
Gần hơn, ta nghe tình khúc hai tư mọc trên những phím dương cầm ảo não của Dương Tường… Từ căn gác nắng mưa xô lệch đến phố phường Hà Nội, TP.HCM; từ Xuân - Hạ - Thu - Đông đến mùa yêu mùa đôi lứa; từ lời ru đến bóng hình người mẹ, và chụm lại trên “lặng-trình” cô độc… ta nhận ra một cõi sống tang thương, một “Bảo tàng tan vỡ”:
Ru ngày mẹ sinh / Con bế em đong đưa đầu ngõ / Chết đứng trăng treo / Mười ngón nhỏ đan nôi điêu linh /…/ Đừng ai muộn phiền nếu anh em con không giao tiếp / Mẹ còn xa thì cần gì người lạ (Cậu bé ru mẹ).
Tác giả trẻ Nam Thi. Ảnh FBNV. |
Cô độc nên thơ
- nên thơ ở đâu?
Câu hỏi bấp bênh dưới luồng ánh sáng của ai kia một lần nghiêng vào đời chữ. Chữ là người, một phận người “tầm thường”, “tối tăm”, “cô độc”. Bản thân cách lựa chọn để hiện diện ấy đã nói lên tình thế của cái tôi thu mình vào bé mọn (i).
Nhưng, ngay trong tình thế khó khăn nhất, dẫu hoài nghi và hoang mang, những con chữ vẫn mơ mộng, đợi chờ, vẫy gọi: Em có mơ về Hà Nội cùng anh? / Mơ anh bên em một sớm rất trong / Mơ em bên anh một chiều lãng đãng / Mơ mình bên nhau trời hanh nắng nhạt / Khoác áo mơ phai Hà Nội mơ màng (Em có mơ về Hà Nội cùng anh?).
Có thể nói, mơ mộng chính là chất thơ của cô độc. Có còn cách nào khác nữa đâu. Mơ mẹ, mơ em, mơ người, mơ phố, mơ sống, mơ vui, mơ thơ, mơ tuổi trẻ, mơ thời gian, mơ những chân trời, mơ về chính mình… là dưỡng chất của chữ khi hóa thân vào thơ:
Mơ em chiều nghiêng / Anh đứng mơ em / Mơ em muộn phiền / Nắng xiên bóng nắng / Mơ em triền miên / Ngày dài đằng đẵng / Say đắm mơ em / Say đắm môi em / Mơ em nhá nhem / Lấm lem chập choạng / Mơ em miền hoang / Cỏ tàn miên man / Chứa chan mơ em / Mơ tràn vũng nhớ / Lặng yên mà thở / Thinh không mơ em / Âm câm mơ em / Viển vông chậm bước / Mải miết mơ em / Mơ em bên người / Bên người em đi / Giật anh tỉnh giấc / Ôi em đi thật / Mơ em / Mơ / Em (Mơ em).
Chữ sống trong mộng mơ cứu rỗi cho một phận người cô độc. Cô độc nên thơ mang trái tim hồi hộp khép mình vào bóng tối, dẫu chất chứa đầy những bi kịch, nhưng chưa lúc nào ngừng hi vọng. Có lẽ, đó mới là điều sâu thẳm (nên thơ) nhất mà Nam Thi đã kín đáo tỏ bày trong cô độc.