Không chỉ thành công trong nghề cầm mic, Liêu Hà Trinh sở hữu lượng người hâm mộ lớn vì khả năng viết văn, làm thơ. Các tác phẩm của cô là phương pháp trị liệu cảm xúc bằng ngôn từ, mang đến sự nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu lắng.
Sau thành công của 4 tác phẩm (tập thơ và tản văn), cuốn sách thứ 5 của Liêu Hà Trinh có tên Giỏ trái cây sắp ra mắt độc giả. Toàn bộ số tiền nhuận bút lần này sẽ ủng hộ quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của TP.HCM.
Tác giả của Cúc họa mi, Tự tình lúc 0h, Em... chia sẻ về quãng thời gian giãn cách xã hội, nghỉ cầm mic nhưng chỉ cần tìm lại được chính mình thì sẽ không ngừng cầm bút.
MC Liêu Hà Trinh. Ảnh: NVCC |
"Giỏ trái cây" cho thành phố
- "Giỏ trái cây" được viết trong mùa dịch. Chị muốn nhắn gửi tới độc giả thông điệp tích cực nào qua tác phẩm sắp ra mắt này trong thời điểm giãn cách xã hội?
- Giỏ trái cây được viết vào mùa giãn cách đầu tiên của năm Covid-19 thứ hai. Nội dung xoay quanh những suy tư của người dân thành thị khi đột nhiên phải dừng mọi hoạt động vì lệnh giãn cách. Đối tượng mà tôi hướng tới trong cuốn sách này không chỉ là yêu văn thơ, mà còn là những có đời sống eo hẹp về mặt tinh thần, dễ bị cuốn theo cơm, áo, gạo, tiền.
Giỏ trái cây là biểu tượng của sự thăm hỏi, quan tâm tới đời sống tinh thần (nó thường xuất hiện khi đến thăm nhà, thăm bệnh) với mong muốn chia sẻ nguồn năng lượng tích cực đến những người xung quanh; tượng trưng cho niềm mong cầu an lành, sung túc và hy vọng.
Phong cách cuốn sách này, cũng như những cuốn sách trước, gồm một nửa là thơ. Tôi nghĩ nó phù hợp tâm trạng của con người trong thời điểm này, đi từ cảm xúc chông chênh, bế tắc, đến những giây phút cho phép bản thân được thả lỏng.
Cuốn sách mang thông điệp như chính tiêu đề, nó sẽ là giỏ trái cây cho thành phố, với lời mong chúc cả thành phố sẽ sớm ổn trong mùa dịch.
- Thời gian này, chắc hẳn chị có thêm thời gian rảnh rỗi để đọc sách và viết lách?
Cuốn sách là giỏ trái cây cho thành phố, với lời mong chúc cả thành phố sẽ sớm ổn trong mùa dịch.
Liêu Hà Trinh
- Tôi rất quan tâm đến đời sống tinh thần. Tủ sách nhà tôi chứa nhiều cuốn về luật tâm thức (Muôn kiếp nhân sinh, Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau, Đời sống bí ẩn của cây); sách tâm lý học; tự truyện; sách của Nguyễn Nhật Ánh; và những cuốn sách “dễ tiêu hóa” hơn như Cây táo yêu thương, Mảnh khuyết, Nàng rẽ trái, chàng rẽ phải, hay một số cuốn khiến bản thân phải cảm thấy xấu hổ vì sự hời hợt với cộng đồng như Khuyến học.
Tôi nhận thấy nhiều điều thú vị trong thời điểm giãn cách mùa dịch. Có hôm, tôi dành ra 10 giờ liên tiếp để xem Netflix, mặc cho bản thân trôi lạc vào tiềm thức của người khác (của biên kịch, đạo diễn khác). Tôi cũng tìm đến những thú vui như nấu ăn, chăm sóc cây cối, gieo hạt... cho đến khi cảm thấy bức bối thì mới viết.
Tôi không ép bản thân phải viết lách trong thời gian rảnh rỗi. Giống như những mầm cây khi chưa tách vỏ, phải đợi tưới tắm đủ cảm hứng, khi ấy sự ngứa ngáy muốn cầm bút sẽ khiến ta lập tức muốn lột lớp da đó.
Bản chất của nhà văn không phải tận dụng thời gian rảnh để viết, mà viết là để tìm lại chính mình. Có thêm thời gian không có nghĩa là viết được nhiều hơn. Bạn được gọi là nhà văn không có nghĩa là lúc nào cũng phải viết.
Thế giới sách trong căn nhà của Liêu Hà Trinh. Ảnh: NVCC. |
Viết sách để tìm những tâm hồn đồng điệu
- Các tác phẩm của chị thường được độc giả trẻ quan tâm. Theo chị, điểm kết nối lớn nhất giữa người viết và độc giả nằm ở nội dung hay sự nổi tiếng của tác giả?
- Tôi không nghĩ mình là người nổi tiếng. Đa số người hâm mộ biết đến tôi qua sách và audio. Tôi thường xuyên quan sát những bình luận của độc giả trên mạng xã hội, có người hỏi: “Ôi, chị cũng là MC à? Em mới thấy chị trên TV”. Điều đó cho thấy người ta đọc sách, biết đến tôi trước, sau đó mới thấy tôi trên truyền hình.
Điều quan trọng của người viết không phải là tìm sự nổi tiếng hay một cộng đồng hâm mộ, mà họ cần tìm những người đồng cảm, cùng đập chung một nhịp và đem lại niềm vui thực thụ cho độc giả.
Độc giả ngày nay, đặc biệt là gen Z, vô cùng thông minh và tri thức, không dễ bị thu hút bởi những gì hào nhoáng.
Khi viết sách, tôi tìm thấy nhiều người có tâm hồn đồng điệu hơn, còn khi làm MC tôi phải rất vất vả mới tìm được những người thực sự hiểu mình. Càng ngày, tôi càng ít cập nhật công việc MC hay diễn viên của mình trên mạng xã hội. Trong khi đó, tôi đầu tư hơn cho việc viết lách, vì nó hợp với thế giới nội tâm của tôi hơn.
Những cuốn sách tôi viết, nhiều ý kiến cho rằng đó không phải một tác phẩm quá xuất sắc, nhưng họ đồng ý cho nó 4 sao vì cảm thấy được kể câu chuyện của chính mình qua câu từ dung dị.
Có người bình luận: “Tôi không biết sự nổi tiếng có phải điều đem lại lượng fans cho chị ấy không, nhưng đó là những cuốn sách bạn nên đọc”. Những ý kiến như thế làm tôi thấy ấm lòng.
"Nếu bị cấm biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ, tôi không làm được"
- Nhiều ý kiến cho rằng các cây bút trẻ hiện nay không còn chờ “hữu xạ tự nhiên hương” mà luôn tìm cách đưa tác phẩm của mình đến với công chúng thông qua mạng xã hội. Chị đánh giá sao về điều này?
- Tôi cũng là một trong số họ. Cá chép không tự nhiên hóa rồng được, nó phải trải qua một quãng đường rất xa. Các nhà xuất bản không thể cắt cử người đi lùng khắp thế gian cho ra được người viết hay, trong khi bản thảo của bạn được giấu dưới gầm giường.
Không một thiên thần nào tự nhiên bay đến và trao cho bạn cơ hội để tiếp cận với hàng nghìn độc giả. Những điều giới trẻ đang làm, quẫy đạp trong thế giới này là chính đáng.
Điều quan trọng của người viết không phải là tìm sự nổi tiếng hay một cộng đồng hâm mộ.
Liêu Hà Trinh
Nhiều người nghĩ rằng hoa đẹp thì tự khắc bướm ong sẽ bay đến, nhưng nếu những bông hoa đó ở trên tầng thượng, bướm ong khó lòng chạm tới.
Hoặc những bông hoa “hữu xạ” bị kẹt dưới ống cống, bướm ong nào bay xuống được? Bông hoa đẹp nên đặt đúng vị trí, nơi dễ chiêm ngưỡng, để mọi người đều có thể nhìn ngắm được nó.
- Giữa cầm mic và cầm bút, thành thực mà nói, chị “nghiện” công việc nào hơn?
- Nếu từ “nghiện” mang nghĩa “thiếu nó mình sống không được” thì tôi "nghiện" cầm bút hơn. Hàng ngày, tôi vẫn đăng tải những bài thơ mà không có ai trả tiền. Không cầm mic, tôi không chết được, 14 ngày nay tôi đâu cầm mic và thấy vẫn ổn. Vấn đề không nằm ở điều kiện sinh sống, mà ở đời sống tinh thần.
Sau này, giả sử bị cấm viết sách, tôi vẫn tạo những tài khoản Facebook ảo để viết tiếp. Nếu người ta cấm tôi chia sẻ, biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ hay cấm tôi ca ngợi hoa nở, trời xanh, mây trắng, tôi không làm được. Nếu thứ mình nghiện là đem lại cho bản thân và người khác cảm xúc thì tôi kết luận luôn, với tôi, nó là thơ, văn, viết lách.
Tác giả Liêu Hà Trinh và cuốn Em. Ảnh: NVCC. |
- Chị có định hướng gì trong sự nghiệp viết lách sắp tới? Có thể là thử sức với một thể loại mới (khác với thơ và tản văn) chẳng hạn như tiểu thuyết, trinh thám?
- Tôi rất thích. Truyện trinh thám hiện tại tôi chưa đủ sức viết. Còn tiểu thuyết thì 2 năm nay, tôi đang nung nấu. Tuy nhiên, tôi cần thêm nhiều bằng chứng và kinh nghiệm hơn nữa.
Tôi là người khá tỉ mẩn và muốn tỉa tót tác phẩm của mình. Ví như cuốn Anh - nó đã sẵn sàng lên kệ, thậm chí đã được thiết kế bìa, nhưng tôi cho ngừng xuất bản, vì tôi cần thay thế và tìm thêm một số nhân vật. Có thể, mùa thu này cuốn đó sẽ được ra mắt.
Khi đọc Rừng Na Uy, 1984,... tôi thấy mình còn ở xa vòng gửi xe của ngưỡng cửa tiểu thuyết. Với thể loại này, tôi chỉ mong mình được 4 điểm.
Nhưng để đạt được 4 điểm đó, tôi cần cố gắng rất nhiều. Tôi sẽ không xuất bản tiểu thuyết nếu như chưa cảm thấy nó gần đạt ngưỡng trung bình này.