Sở Công Thương TP HCM cho biết, sẽ gắn logo riêng cho các sản phẩm đảm bảo an toàn, giúp người tiêu dùng nhận diện hàng đúng chất lượng.
Dân khát đồ sạch
Sau một lần cả gia đình “bị tào tháo rượt” vì nghi ăn rau mới phun thuốc, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt ở quận 7 cấp tốc lắp đặt 5 giàn rau thủy canh trên sân thượng. Theo bà Nguyệt, người không chuyên thì khó có thể phân biệt được loại rau nào an toàn.
“Đi chợ, nghe người bán nói sao thì mình tin vậy. Mình đặt niềm tin vào người bán, nhưng họ cũng mua đi bán lại, khó xác định khâu mất an toàn nằm ở đâu. Ngay cả rau bán trong siêu thị tôi cũng không yên tâm, vì không thể kiểm chứng. Tôi đành chịu cực để bảo vệ sức khỏe cả nhà thôi”, bà Nguyệt nói.
Với 15 loại rau ăn lá, bà Nguyệt tính mỗi tháng thu trên 110 kg, dư ăn cho 5 người, không lo mua phải rau bẩn.
Nhà bà Trương Thị Hoa nằm lọt thỏm giữa khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức). Với diện tích đất eo hẹp nên bà Hoa chỉ trồng rau mầm. Xung quanh nhà bà dày đặc những chậu, thùng xốp, khay nhựa, nhìn vào không khác gì “chợ” rau.
Còn ông Nguyễn văn Ngữ ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 thì trồng “ké” rau từ các khu đất chưa xây nhà trong xóm. Ông Ngữ chia sẻ, là người kỹ tính, vợ ông đi chợ mua rau, trái cây thường chọn lựa rất kỹ song không thể phân biệt được đâu là trái cà, củ hành Trung Quốc với hàng trong nước. Chọn mua các loại rau xanh thì lo tưới hóa chất độc hại. Sau nhiều ngày suy tính, ông quyết định xin trồng rau trên các khu đất chưa xây dựng. Chỗ này lấy lại thì ông chuyển đến điểm khác. Cứ vậy mà 2 năm nay nhà ông không phải đi chợ mua rau.
“Cả xóm tôi nhà nào cũng tự trồng rau với đủ cách có thể. Chúng tôi vẫn đùa nhau là đang 'nông thôn hóa đô thị’. Nhà nào cũng mua đất, mua thùng xốp về trồng rau sạch để ăn thì đúng là nông thôn hóa rồi. Nhưng khi niềm tin với thực phẩm bán trên thị trường không còn thì người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình thôi”, ông Ngữ nói.
Đủ kiểu trồng rau sạch của người dân TP HCM. Ảnh: N.Trí. |
Vào chợ, thịt sạch bị cạnh tranh "bẩn"
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH An Hạ, đơn vị vừa đưa sản phẩm thịt heo VietGap ra bán tại chợ Hòa Bình, TP HCM, trong tháng 10 cho biết, mới bán được vài ngày, các hàng thịt của doanh nghiệp đã vấp phải sự phản ứng từ những người kinh doanh cùng ngành hàng.
Những tiểu thương bán thịt tại chợ này gây áp lực với ban quản lý chợ, buộc doanh nghiệp tháo băng rôn quảng cáo, bỏ những hình ảnh có chữ “thịt sạch” dán tại sạp. Bảng giá cũng bị tiểu thương ép phải làm thật nhỏ, khó nhìn.
Nguyên nhân của sự việc là khi nghe tin thịt heo VietGap bày bán với giá ngang với thịt thông thường (sườn non 125.000 đồng /kg, thịt vai 70.000 đồng/kg, thịt thăn 85.000 đồng/kg, ba rọi 85.000 đồng/kg, thịt đùi 75.000đ/kg…), nhiều người tiêu dùng tại các quận, huyện ngoại thành tìm đến những sạp của doanh nghiệp này mua.
Không ít khách từ các huyện xa của thành phố phải tới chợ thật sớm mới có thể mua được thịt sạch. Các tiểu thương xung quanh ngay lập tức cũng gắn bảng “thịt sạch” và không ngại giới thiệu quầy thịt của mình cũng bán… heo VietGap.
Nghịch lý là trong khi người tiêu dùng e ngại thực phẩm bẩn thì doanh nghiệp làm thịt sạch cũng không dễ đưa sản phẩm đến được với người dân. Ảnh: Lê Quân. |
Trong khi đó, bà Phan Ngọc Sinh, chủ hàng thịt 79D tại chợ này, lại cho biết, bà tham gia quầy hàng thịt an toàn tại chợ nhưng hàng bán chậm hơn trước kia. Nguyên nhân là các quầy thịt bên ngoài giá rẻ hơn 5.000-10.000 đồng/kg. “Mỗi ngày chỉ bán được 200-300 kg thịt các loại, chủ yếu là bỏ cho mối quen. Lượng khách ra vào khu vực cửa hàng thịt an toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay”, bà Sinh cho biết.
Sẽ gắn logo để phân biệt rau, thịt sạch
TP HCM đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt tuyên chiến với thực phẩm bẩn. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương cho hay, trong chương trình bình ổn hàng hóa Tết năm nay, các doanh nghiệp có hàng hóa tham gia chương trình buộc phải đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, HACCP…
Cụ thể, thành phố phân công 5 doanh nghiệp sản xuất và phân phối các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn trong dịp Tết này, là Vissan; Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn; Saigon Co.op; Satra và Hợp tác xã Anh Đào (Đà Lạt). Một số nhà cung cấp khác tham gia cung ứng các loại rau củ quả sẽ phải lấy nguồn hàng tại các địa chỉ được chứng nhận an toàn.
Theo bà Đào, Sở cũng có logo riêng để dán lên các sản phẩm đạt chứng nhận an toàn, giúp người tiêu dùng có thể nhận diện. “Những sản phẩm được dán nhãn Sở Công thương đã thẩm định quy trình quản lý theo chuỗi nên có thể cho phép truy suất nguồn gốc…”, bà Đào khẳng định.
Sở Công Thương TP HCM sẽ gắn logo sản phẩm an toàn cho các loại thực phẩm đạt chuẩn, nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết thực phẩm sạch. Ảnh: Z.Nguyễn. |
Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Hệ thống Saigon Co.op cho biết thêm, ngoài việc để bảng hướng dẫn cho người tiêu dùng nhận biết sản phẩm đạt chứng nhận VietGap, khách hàng sẽ tận mắt chứng kiến quá trình kiểm tra (test) nhanh mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả tại siêu thị bằng những dụng cụ, chất thử nhanh được lắp đặt sẵn.
Theo ông Nhân, nguồn rau củ đến được tay người tiêu dùng đã được Saigon Co.op tiến hành kiểm duyệt ở ba khâu: vùng trồng, trung tâm phân phối và khi rau lên kệ tại các điểm bán.
Mua thịt VietGap ở đâu?
Ngoài điểm bán tại chợ Hòa Bình (quận 5), thịt heo VietGap của TP HCM được mở rộng bán thêm các điểm tại chợ Bà Điểm (Hóc Môn), Tân Định (quận 1), cửa hàng nông sản thuộc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn số 176 Hai Bà Trưng quận 1.Công ty An Hạ cũng cho biết đang phát triển bán tại các cửa hàng trên đường Nguyễn Cửu Vân (quận Bình Thạnh) và Nguyễn Tri Phương (quận 5).
Từ ngày 7/12, Vissan cũng đã chính thức phân phối ra thị trường thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGap và thịt bò Úc nhập khẩu, đáp ứng tiêu chuẩn giết mổ nhân đạo và an toàn vệ sinh thực phẩm ESCAS tại 221 điểm bán tại các cửa hàng của công ty và các siêu thị. Ông Trần Tấn An, Phó tổng giám đốc Vissan cho hay, thịt heo, thịt bò đạt tiêu chuẩn bán ra thị trường đều có chỉ dẫn thông tin cụ thể giúp người tiêu dùng nhận diện.