Gần Tết, nhu cầu thực phẩm chay tăng mạnh. Nhiều cửa hàng bán lẻ ở khu vực chợ Bình Tây nhập hàng chục tấn hàng để trữ bán Tết. Đồ giả chay như tôm, mực, cá, chả lụa… là những mặt hàng được ưa chuộng. Bán chạy nhất là hương liệu giả mùi, vị của đồ mặn. Sau khi chế biến các loại đồ chay, người sử dụng cho thêm vài muỗng hương liệu tạo mùi. Những món đồ chay được làm từ tàu hũ, tinh bột sẽ có vị giống như đồ mặn.
Đồ giả chay được bày bán la liệt tại chợ Bình Tây với đầy đủ mùi vị. Ảnh: Zen Nguyễn |
Tại một cửa hàng chuyên bán đồ chay phía sau chợ Bình Tây, bà H - chủ cửa hàng nhiệt tình tư vấn các loại hương liệu giúp món chay hóa mặn, với cam kết: “Mùi không giống thật, cửa hàng trả lại tiền”. Để thuyết phục khách, bà này lấy một chai mẫu hương liệu màu vàng khui nắp, dí ngay vào mũi khách. Một mùi thơm nhẹ xông lên, người ngửi không khó để nhận biết, đây là vị gà.
Bà này còn hướng dẫn, sau khi nấu chín, thêm gia vị đầy đủ, dùng loại hương liệu này tưới trực tiếp lên món ăn, trộn đều là có thể dùng được. Khi hỏi về liều lượng, bà H nói: “Muốn giống thật thì đổ nhiều, một chai hương liệu loại 1 kg, có thể dùng cho 500 kg thức ăn”.
Tại chợ hóa chất Kim Biên, những loại hương liệu này có màu vàng mỡ, được chiết bán trong những chai nhựa có giá 30.000 đồng/100 ml. Ảnh: Zen Nguyễn |
Trong khi đó, ông Thành - chủ một cửa hàng gần đó cho biết, khách mua đồ giả chay, tôm, mực, cá… sẽ được tặng kèm hương vị của loại tương ứng, nhưng giá cao hơn 5.000-10.000 đồng/kg.
“Nhờ loại hương liệu này mà nhiều quán chay ở TP HCM luôn đông khách, món chay ăn không khác gì đồ mặn. Một ngày, cửa hàng xuất hàng tấn đồ giả chay, 200 lít hương liệu có giá sỉ 250.000-350.000 đồng/lít chủ yếu đi các tỉnh”, ông Thành nói.
Tại khu vực chợ Kim Biên, quận 5, TP HCM, loại hương hiệu này được nhiều cửa hàng bày bán tràn lan, giá bán lẻ 200.000-300.000 đồng/ lít. Ông Đ, chủ một cửa hàng chuyên cung cấp hương liệu cho biết, loại hương liệu này còn dùng để tăng mùi vị cho món ăn. Nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, một số loại được sản xuất trong nước.
“Chỉ có nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp sản xuất món chay mới mua hương liệu này. Không có khách lẻ nào mua nấu ăn cho gia đình. Dù bán nhưng tôi vẫn khuyên khách nên sử dụng đúng liều lượng, không trộn trực tiếp vào đồ ăn sau chế biến”, ông Đ cho biết.
Anh Nguyễn Hồng Phú, chuyên viên hóa sinh của Công ty thực phẩm Phú Cường Thịnh, quận Tân Bình cho biết, những chất tạo vị, hương liệu được sử dụng nhiều trong quá trình chế biến thực phẩm, nhưng với liều lượng cho phép không vượt quá 2%. Lạm dụng những chất trên sẽ làm thay đổi vị giác, lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng.
Ông Lê Hồng Minh, nhân viên phụ trách kinh doanh – Ban quản lý chợ Bình Tây, cho biết, đơn vị này thường xuyên phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các gian hàng thực phẩm, trong đó có đồ chay. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm lượng hàng hóa nhiều, phần lớn các gian hàng chỉ chưng bày sản phẩm để giới thiệu, kho hàng nằm nơi khác nên việc quản lý nguồn hàng rất khó.