Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thịt bò Pháp quay trở lại thị trường Việt Nam sau 15 năm

Quyết định gỡ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và táo từ Pháp giúp các doanh nghiệp đưa sản phẩm vào Việt Nam đồng thời là cơ hội để khách hàng thưởng thức sản phẩm chất lượng cao.

Đại diện Pháp tại cuộc họp báo chiều 10/12. Ảnh: Hải Anh

Chiều 10/12 tại Hà Nội, Đại sứ quán Pháp tổ chức họp báo về sự kiện Bonjour French Food nhằm giới thiệu kỹ năng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Pháp. Bonjour French Food được tổ chức nhân dịp Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm vận nhập khẩu đối với thịt bò và táo Pháp kể từ ngày 1/5.

"Đây là quyết định cần thiết giúp cụ thể hóa việc tái mở cửa thị trường Việt Nam, trên cơ sở xác nhận kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm được thương thảo với các cơ quan Việt Nam", Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier phát biểu.

Đại diện Bộ Nông nghiệp Pháp, ông Jean-Philippe Dop, cho hay, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu táo từ Pháp sang Việt Nam. "Chính phủ Việt Nam thông qua đề nghị cấp phép của 23 doanh nghiệp Pháp muốn xuất khẩu thịt bò cho đối tác Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Pháp khác cũng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu táo của họ. Chúng tôi cũng đang đàm phán với các doanh nghiệp để cho phép nhập khẩu quả kiwi vào thị trường Việt”.

Đại diện Bộ Nông nghiệp Pháp cũng nhấn mạnh, để cạnh tranh với số lượng thịt bò nhập khẩu lớn từ Mỹ, Australia, Nhật Bản cùng một số nước Đông Nam Á, sản phẩm từ Pháp chú trọng tới chất lượng.

Theo ông Dop, các sản phẩm như thịt bò và táo của Pháp đều là sản phẩm chất lượng cao, không sử dụng thuốc trừ sâu đối với táo và hoàn toàn không dùng chất kích thích hay hooc-mon tăng trưởng trong quá trình nuôi bò. “Với ngành chăn nuôi bò lấy thịt, Pháp chăn nuôi theo hộ gia đình, từ 50 tới 100 con và các chủ trang trại đều có những quy định khắt khe. Đây là điểm khác biệt so với hình thức chăn nuôi tại nhiều quốc gia khác”, ông Dop cho hay.

Đề cập tới khâu bảo đảm thương hiệu của sản phẩm Pháp, tránh nhầm lẫn với các loại hàng từ nhiều nước khác, đại diện các doanh nghiệp Pháp nói: "Chúng tôi quản lý hàng hóa bằng cách truy nguyên nguồn gốc theo từng cá thể. Ví dụ, mỗi sản phẩm thịt bò đều được gắn mã gồm 4 chữ số. Khách hàng có thể biết rõ sản phẩm đó thuộc con bò nào, trang trại ở đâu".

Dù không tiết lộ chi tiết số lượng sản phẩm thịt bò và táo cung ứng sang thị trường Việt Nam, đại diện Pháp chia sẻ, mục tiêu của họ không phải là xuất khẩu ồ ạt vào thị trường mà muốn tạo lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm Pháp.

Pháp từng là một trong những nước xuất khẩu thịt bò hàng đầu thế giới, nhưng sau đó bị gián đoạn một thời gian dài vì dịch bò điên năm 2000. 8 năm sau, Tổ chức Thú y thế giới chính thức công nhận Pháp đã kiểm soát được dịch bệnh này.

Trong khi đó, sau khi tiến hành kỹ lưỡng việc thanh sát kiểm định thực vật vào đầu tháng 7 tại Pháp, các cơ quan Việt Nam đã chính thức mở cửa thị trường cho táo Pháp. Kể từ ngày 15/8, việc nhập khẩu táo Pháp vào Việt Nam chính thức có hiệu lực, sau hai năm đóng cửa do số lượng hạn chế.

Pháp cấp thị thực 5 năm cho cựu sinh viên

Các sinh viên Việt Nam và trên thế giới có bằng thạc sĩ hoặc tương đương tại Pháp sẽ có cơ hội được cấp thị thực lưu hành trong khối Schengen có giá trị trong vòng 1 tới 5 năm.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm