Thực phẩm nhiễm độc liên quan tới các loại thức ăn nhiễm hóa chất hoặc vi sinh vật có thể gây bệnh cho người tiêu dùng. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 600 triệu người, tức cứ 10 người thì một người, nhiễm bệnh sau khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm độc. Mỗi năm, 420.000 người tử vong vì thức ăn kém chất lượng, trong đó 40% là trẻ em (125.000 trường hợp).
Sữa nhiễm thạch tín ở Nhật Bản
Năm 1955, cả nước Nhật chấn động khi vụ việc sản phẩm nhiễm arsenic (thạch tín) của công ty sữa Morinaga tại Tokushima bị phanh phui. Công ty đã trộn thạch tín với chất bảo quản disodium phosphate thông thường vào sữa. Trẻ em uống sữa của Morinaga gặp những triệu chứng ban đầu như tiêu chảy, nôn mửa cùng một số biểu hiện khó xác định. Theo số liệu thống kê, 13.400 nạn nhân bị ảnh hưởng và ít nhất 100 người tử vong sau khi dùng sản phẩm của Morinaga.
Người đứng đầu quy trình sản xuất tại Morinaga lĩnh án 3 năm tù trong vụ kiện kéo dài 18 năm. Trong thời gian này, nhiều cuộc biểu tình diễn ra, nạn nhân và gia đình họ yêu cầu công ty phải bồi thường.
Sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc
Ngày 16/7/2008, báo cáo đầu tiên về vụ bê bối sữa nghiêm trọng ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. 16 trẻ em được phát hiện mắc sỏi thận sau khi uống sữa bột do công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc sản xuất. Cơ quan chức năng phát hiện sữa và sữa bột trẻ em của tập đoàn này nhiễm chất độc melamine. Họ dùng melamine trộn trong sữa để làm cho thực phẩm có độ đạm cao hơn.
Các nhân viên kiểm định chất lượng thực phẩm tiêu hủy sữa nhiễm độc tại thành phố Thâm Quyến, tháng 9/2008. Ảnh: Reuters |
Trong quá trình điều tra, cơ quan an ninh phát hiện tập đoàn Tam Lộc đã phớt lờ các đơn kiếu nại về chất lượng sữa và thông tin về các em nhỏ nhiễm bệnh vào cuối năm 2007. Họ chỉ bắt đầu thực hiện quy trình kiểm tra chất lượng năm 2008. Theo các quan chức của Bộ Y tế và truyền thông Trung Quốc, Tập đoàn Tam Lộc đã cố tình che đậy bê bối và tìm mọi cách dập tắt những chỉ trích tiêu cực. Hiện tượng sữa nhiễm bẩn được phát hiện ở 22 công ty Trung Quốc, gồm tập đoàn Tam Lộc, Mengniu, Yili và Yashili.
Theo số liệu ước tính, tới tháng 11/2008, vụ việc ảnh hưởng tới 300.000 người, với 54.000 trẻ phải nhập viện và 6 bé tử vong do tổn thương thận. Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận và các vụ kiện, một số quan chức chính phủ buộc phải từ chức. Hai quan chức bị tử hình, một người nhận án tử hình treo và hai người chịu án 15 năm tù, 3 người lĩnh án chung thân. Đặc biệt, quá trình thu hồi sản phẩm sữa nhiễm methamine còn kéo dài tới cuối năm 2010.
Cung cấp thịt ôi thiu cho chuỗi cửa hàng ăn nhanh
Tháng 7/2014, nhà máy cung cấp thực phẩm Husi Thượng Hải thuộc tập đoàn OSI của Mỹ buộc phải đóng cửa sau khi bị cáo buộc bán thịt gà và thịt bò hết hạn cho các chuỗi nhà hàng ăn nhanh McDonald's và KFC ở Trung Quốc.
Hình ảnh trên truyền thông cho thấy công nhân trộn thịt quá hạn với thịt mới để sản xuất sản phẩm. Mục đích của hành động này là nhằm tăng sản lượng và giảm chi phí sản xuất. Tệ hơn, lãnh đạo công ty dọa sẽ đuổi việc các nhân viên nếu sự việc bại lộ.
Hoạt động tại nhà máy Husi Thượng Hải trước khi bị đóng cửa. Ảnh: Reuters |
Bê bối thực phẩm ôi thiu của nhà máy Husi còn lan sang nước láng giềng Nhật Bản khi chuỗi nhà hàng McDonald's ở quốc gia này cho hay, nhà máy Husi Thượng Hải cũng cung cấp khoảng 20% thịt cho các sản phẩm thịt gà chiên bột của nhà hàng.
Rượu lậu trộn thuốc trừ sâu
Năm 2011, ngộ độc rượu nhập lậu là nguyên nhân cái chết của 143 người ở Tây Bengal, Ấn Độ. Rượu hỏng được bổ sung chất methanol, amoni nitrat hoặc cả hai loại. Một trong hai chất này có hại với con người, dẫn đến các triệu chứng như rối loạn nhịp tim và hô hấp. Giới chức Ấn Độ bắt 10 người liên quan. Một người bán rượu lậu khai rằng một lô hàng nhiễm độc sau khi họ trộn rượu với nước cùng thuốc trừ sâu để tăng “hương vị”, theo BBC.
Ảnh minh họa: Besthealthsciencedegree |
Người Ấn Độ có thói quen mua rượu ở chợ đen. Nó cũng là nguyên nhân liên quan tới các vụ ngộ độc rượu ở quốc gia này. Dù vậy, các nhà máy sản xuất ở Tây Bengal vẫn hoạt động phi pháp mà không có sự cho phép từ chính quyền. Họ cũng thường hối lộ cảnh sát để làm ngơ trước yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thảm họa hạt nhiễm độc ở Iraq
Năm 1971, giới chức Iraq mở cuộc điều tra vụ việc hơn 6.500 người nhập viện và gần 650 người tử vong sau khi ăn hạt giống tiêm thuốc diệt nấm có thủy ngân Methyl với độc tính cao.
Ảnh minh họa: Besthealthsciencedegree |
Đây là những loại hạt được nhập khẩu từ Mỹ và Mexico. Những người sử dụng hạt này mất cảm giác ở da cùng một số phản ứng thông thường khác, mất thị lực, thậm chí tổn thương não. Đây là cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất từng được ghi nhận trên thế giới.