Theo South China Morning Post, sau lệnh cấm vận chuyển thịt lợn sống của Trung Quốc vào thị trường Hong Kong khi thành phố này xác nhận trường hợp đầu tiên mắc dịch cúm lợn, hàng nghìn người tiêu dùng Hong Kong đã đổ xô vào các chợ thực phẩm sống của thành phố.
Thiếu hụt nguồn cung thịt lợn
Một người mua hàng tại chợ thực phẩm Mei Foo cho biết do nhu cầu sử dụng thịt lợn của các gia đình Trung Quốc là rất lớn nên sự thiếu hụt nguồn cung sẽ gây ra tác động rất lớn. Bà cho biết cứ mỗi tuần, trung bình một hộ gia đình Trung Quốc lại dùng xương lợn nấu canh từ 1-2 lần.
Trung Quốc ra lệnh đình chỉ xuất khẩu thịt lợn sang Hong Kong trong dịch tả lợn. Ảnh: AFP. |
Thịt lợn là một trong những nguyên liệu chính trong chế độ ăn của người dân Hong Kong, từ bánh bao đến canh. Để đáp ứng nhu cầu này, mỗi ngày thành phố thường nhập khẩu khoảng 4.000 con lợn sống từ Trung Quốc để bổ sung cho lượng cung khoảng 500 con từ nông dân địa phương. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu thịt lợn vào tháng 5, con số đó đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 1.300 con vào tháng 12.
Sự khan hiếm nguồn cung thịt lợn đã khiến giá cả tăng vọt từ 75,7 đôla HongKong lên tới 159 đôla HongKong (tương đương 20,31 USD) mỗi kg. Người Hong Kong vốn tiêu thụ trung bình 664 g thịt lợn và thịt bò mỗi ngày, đang phải cắt giảm lượng thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình.
Hong Kong đang tìm kiếm đáp án cho bài toán thịt lợn từ các nền kinh tế lân cận, và cách làm của Singapore hội tụ những điểm sáng mà họ có thể áp dụng.
Nguồn cung thịt lợn Singapore
Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong dự định đến đảo quốc sư tử vào tháng 1/2020 để tìm hiểu cách thức nhập khẩu lợn sống từ Malaysia bằng đường biển. Hong Kong cũng đang tìm kiếm giải pháp tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia và Hàn Quốc. Kể từ tháng 8, Thái Lan đã tăng 40% sản lượng thịt lợn sang Hong Kong, theo Surachai Sutthitham, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Thái Lan.
Thịt lợn bày bán ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Jason Lee/Reuters. |
Paul Peng - chuyên gia an ninh lương thực từ Đại học Công nghệ Nanyang - cho biết khá kỳ lạ khi HongKong tìm đến các quốc gia Đông Nam Á để giải quyết bài toán thịt lợn vì khu vực này thường có khá ít thặng dư dành cho xuất khẩu. Hơn nữa, Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với dịch lợn châu Phi. Hai nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất Đông Nam Á gồm Việt Nam và Philippines đều phải đối mặt với dịch tả lợn.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thịt lợn lớn thứ 6 thế giới và lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, nhưng dịch tả lợn châu Phi đã lan sang tất cả 63 tỉnh thành kể từ khi được phát hiện vào tháng 2 năm nay. Tính đến cuối tháng 7, hàng triệu con lợn đã bị tiêu hủy, tổng đàn giảm 18,5% xuống chỉ còn 22,2 triệu cá thể.
Nhập khẩu lợn đông lạnh
Dù chỉ nhập khẩu khoảng 126.000 tấn thịt lợn mỗi năm - khoảng một phần tư số lượng của Hong Kong - nhưng cách giải quyết vấn đề thịt lợn của Singapore có nhiều điểm sáng để Hong Kong phải học hỏi. Thịt lợn nhập khẩu ở Singapore chia thành ba loại: lợn sống từ Pulau Bulan (Indonesia) và Sarawak (Malaysia); thịt lợn đông lạnh từ 23 quốc gia; và thịt lợn ướp lạnh.
Lò mổ lợn tại Singapore chỉ xử lý khoảng 1.000 con lợn sống mỗi ngày từ Pulau Bulau. Lợn sống được đưa tới lò mổ và kiểm tra tổng thể tình trạng cân nặng, kích thước và màu da. Lợn đạt tiêu chuẩn được gắn nhãn hiệu màu hồng, giết mổ và bán dưới dạng thịt lợn ướp lạnh. Đây là giải pháp mà Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong cân nhắc để áp dụng cho thị trường quê nhà.
Ngoài lợn sống và thịt lợn ướp lạnh, cách Singapore thay đổi quan điểm người tiêu dùng về thịt lợn đông lạnh đã làm thay đổi nhu cầu thịt lợn một cách ngoạn mục. Năm 2008, Singapore đã phát động một chương trình giáo dục công cộng khuyến khích người tiêu dùng mua thịt đông lạnh để giảm sự phụ thuộc vào thịt sống.
Thịt lợn tươi tại chợ Sha Tin, Hong Kong. Ảnh: May Tse |
Lượng thịt lợn đông lạnh tiêu thụ tăng từ 57.600 tấn trong năm 2008 lên 71.900 tấn trong năm 2012, trong khi tiêu thụ thịt lợn ướp lạnh giảm 1.700 tấn trong cùng kỳ. Kể từ đó, giá thịt lợn đã ổn định đáng kể ở Singapore.
Tuy nhiên, chi phí nhập khẩu lợn từ các thị trường ở xa vẫn là vấn đề cho HongKong. Các gia đình Singapore trung bình chỉ chi 20,3% ngân sách cho thực phẩm. Tại Hong Kong, con số này là 27%. Nếu muốn học theo Singapore, Hong Kong sẽ phải cân đối nhiều về vấn đề chi phí nhập khẩu để giá thịt lợn không quá leo thang.