Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu niên Saudi Arabia đối mặt án tử hình vì đi biểu tình năm 10 tuổi

Một thiếu niên Saudi Arabia bị giam giữ hơn 4 năm đang phải đối mặt với án tử hình vì tham gia biểu tình chống chính phủ năm 10 tuổi.

Theo các nhóm nhân quyền theo dõi vụ việc của thiếu niên Murtaja Qureiris (hiện 18 tuổi), việc thi hành án tử hình với cậu bé là vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ trẻ em trên thế giới.

"Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế nếu xử tử một đứa trẻ", bà Maya Foa, giám đốc nhóm nhân quyền Reprease, nói.

Bị bắt vì biểu tình chống chính phủ

Bị cáo bị bắt năm 13 tuổi và ngồi tù kể từ đó. Các cáo buộc chống lại Murtaja cho rằng cậu tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ, sở hữu súng và gia nhập tổ chức khủng bố. Một số cáo buộc được đưa ra từ 3 năm trước khi cậu bị bắt. 

Saudi Arabia tu hinh thieu nien anh 1
Thiếu niên Murtaja Qureiris. Ảnh: Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Tuần vừa rồi, Tổ chức Nhân quyền Saudi Arabia (trụ sở tại châu Âu) nói rằng họ đã xác nhận được việc Murtaja bị buộc tội vào tháng 8/2018 liên quan đến việc tham gia biểu tình, và đề nghị tội tử hình đối với cậu bé. Tổ chức này đã giám sát vụ việc trong suốt nhiều năm qua.

Trước đó, Murtaja bị giam giữ trong nhiều năm mà không có cáo trạng. Thời gian đầu cậu bị biệt giam và không được tiếp cận với luật sư cho đến khi bị buộc phải nhận tội.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng khẳng định văn phòng công tố viên Saudi đã theo đuổi án tử hình cho Murtaja ngay từ phiên xét xử đầu tiên vào tháng 8/2018.

"Quốc gia chuyên tử hình"

Tử hình bằng cách chặt đầu là biện pháp phổ biến ở Saudi Arabia. Các nhóm nhân quyền nói rằng án tử thường đến sau nhiều năm các bị cáo bị giam giữ, tra tấn và xét xử giả.

Theo New York Times, Đại sứ quán Saudi Arabia tại Washington chưa đưa ra bình luận về vụ việc.

Chế độ quân chủ của Saudi Arabia từ lâu đã bảo vệ việc thi hành án tử hình nặng nề. Đây cùng là một trong các quốc gia có tỷ lệ tử hình cao nhất thế giới.

Trả lời Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc về các vụ hành quyết năm 2017, chính phủ Saudi Arabia cho biết án tử hình chỉ được áp dụng đối với các tội danh nghiêm trọng nhất. Đồng thời, nó phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt trong quá trình xử lý.

Trong khi đó, các nhóm nhân quyền cho rằng án tử hình ở quốc gia này được thi hành với các tội nhẹ, hoặc để trừng phạt các nhóm dân thiểu số cũng như các nhà hoạt động chống đối chính phủ.

Saudi Arabia tu hinh thieu nien anh 2
Một nhà hoạt động giăng băng rôn và khẩu hiệu kêu gọi Saudi Arabia dừng thi hành án chặt đầu trước Đại sứ quán Saudi Arabia ở Jakarta, Indonesia, vào tháng 3/2018. Ảnh: Reuters.

"Không có gì nghi ngờ về việc chính quyền Saudi Arabia sẵn sàng trấn áp và thẳng tay trừng trị những công dân có quan điểm bất đồng, thậm chí tử hình cả trẻ vị thành niên trong thời gian chúng bị giam giữ", bà Lynn Maalouf, giám đốc nghiên cứu về Trung Đông của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết.

Bà Maalouf nói rằng việc tử hình một đứa trẻ khi tham gia các cuộc biểu tình là một điều kinh khủng.

Xung đột sắc tộc, tôn giáo

Theo một báo cáo của Tổ chức Nhân quyền Saudi Arabia ngày 6/6, Murtaja bị giam giữ vào tháng 9/2014. Cậu là người Hồi giáo dòng Shiite.

Chế độ quân chủ chuyên chế của Saudi Arabia tuân theo chủ nghĩa Wahhabi, một học thuyết Hồi giáo đã ăn sâu vào các quy tắc xã hội, chính phủ và tòa án của quốc gia này. Chính phủ Saudi Arabia, quốc gia với đa số người theo Hồi giáo dòng Sunni, cũng thường bị cáo buộc là đàn áp người Shiite trong nước.

CNN đã công bố video về Murtaja, khi đó 10 tuổi, dẫn đầu nhóm trẻ em tham gia cuộc biểu tình bằng xe đạp vào năm 2011. Đây là thời điểm cao trào của cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab ở Trung Đông và Bắc Phi. Các cuộc biểu tình đã nổ ra trong cộng đồng người Shiite ở các tỉnh phía đông của Saudi Arabia.

Murtaja xuất thân từ một gia đình tham gia hoạt động tích cực trong các cuộc biểu tình phản đối ở tỉnh Qatif. Anh trai của cậu, Ali Qureiris, đã bị giết khi tham gia cuộc biểu tình năm 2011.

Phiên tòa đầu tiên xét xử Murtaja diễn ra tại tòa án hình sự chuyên biệt của Saudi Arabia. Tòa án đặc biệt này được thành lập năm 2008, chuyên xét xử các nhà hoạt động nhân quyền và người biểu tình. Phiên xét xử tiếp theo của Murtaja có thể diễn ra trong vài tuần tới.

Saudi Arabia tu hinh thieu nien anh 3
Tòa án hình sự chuyên biệt của Saudi Arabia. Ảnh: Arab News.

Theo Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 3 thiếu niên khác là Ali al-Nimr, Dawood al-Marhoon và Abdulla al-Zaher, những người cũng chưa đủ tuổi thành niên vào thời điểm bị buộc tội, đã bị kết án tử hình và đang chờ thi hành án.

Vào tháng 4, hãng thông tấn quốc gia Saudi đã đưa tin về vụ hành quyết hàng loạt 37 người đàn ông, trong đó ít nhất 33 người theo dòng Hồi giáo Shiite. Hầu hết trong số này bị kết án tử hình sau khi bị kết tội mang tư tưởng cực đoan, khủng bố và lôi kéo các phần tử khủng bố gây rối an ninh trật tự, gây ra sự bất hòa giáo phái.

Các vụ hành quyết đã bị Liên Hợp Quốc lên án. Đồng thời, các nhóm nhân quyền đã yêu cầu Thái tử Mohammed bin Salman, nhân vật quyền lực bậc nhất nước, phải chịu trách nhiệm.

Vụ hành quyết hàng loạt vào tháng 4 là vụ xử tử lớn nhất ở Saudi Arabia kể từ tháng 1/2016, lúc quốc gia này xử tử 47 người vì tội danh khủng bố.

Saudi Arabia đã xử tử 139 người vào năm 2018, hầu hết mang tội danh giết người hoặc liên quan đến ma túy. Trong 5 tháng đầu năm 2019, ít nhất 110 người đã bị xử tử, theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Đây mới thực sự là nhân vật quyền lực nhất thế giới Arab

Thái tử Mohammed bin Zayed đã mở rộng sức mạnh của UAE bằng cách đi theo sự lãnh đạo của Mỹ, nhưng giờ đây ông ngày càng hiếu chiến và lái Washington theo chính sách của ông.


Game bắn súng yêu cầu người chơi 'giết nhà báo để anh ta nổi tiếng'

Trong lúc sự thù ghét với giới truyền thông thường được tổng thống Mỹ cổ vũ, trò chơi Sniper 3D Assassin đặt ra nhiệm vụ "giết nhà báo, để làm anh nổi tiếng theo cách khác".


Hà Lan

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm