Năm 1991, Mohammed bin Zayed, vị Thái tử trẻ 29 tuổi của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đến Washington để mua vũ khí. Sau khi Iraq xâm chiếm Kuwait, vị thái tử trẻ muốn mua rất nhiều vũ khí để bảo vệ chế độ quân chủ giàu dầu mỏ, từ tên lửa Hellfire cho đến trực thăng Apache và máy bay chiến đấu F-16. Điều đó khiến Quốc hội Mỹ lo lắng ông có thể gây bất ổn trong khu vực, New York Times cho biết.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cố gắng xây dựng các đồng minh hùng mạnh ở vùng Vịnh, đã xác định Thái tử Mohammed là một đối tác đầy triển vọng. Thái tử Mohammed là một phi công lái trực thăng được đào tạo bài bản, người đã thuyết phục cha mình chuyển 4 tỷ USD vào Kho bạc Mỹ để hỗ trợ cho cuộc chiến chống Iraq của Washington năm 1991.
Người đàn ông quyền lực nhất thế giới Arab
Richard A. Clarke, khi đó là trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ, đã trấn an các nhà lập pháp rằng thái tử trẻ sẽ không bao giờ trở thành một kẻ xâm lược. Ông Clarke nhấn mạnh rằng UAE lúc đó và sẽ không bao giờ là mối đe dọa cho hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Điều đó thật khó tưởng tượng!
Thái tử Mohammed bắt tay Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào năm 2017. Ảnh: New York Times. |
Gần 30 năm sau, Thái tử Mohammed, dù là phó tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang UAE, nhưng ông được mô tả là người cai trị thực tế ở UAE. Ông được đánh giá là lãnh đạo quyền lực nhất thế giới Arab. Ông cũng là một trong những người nước ngoài có ảnh hưởng nhất ở Washington, kêu gọi Mỹ áp dụng cách tiếp cận ngày càng hiếu chiến của ông đối với khu vực Trung Đông.
Thái tử Mohammed gần như không được công chúng Mỹ biết đến và đất nước nhỏ bé của ông có dân số còn ít hơn cả bang Rhode Island. Tuy nhiên, ông có thể là người giàu có nhất thế giới. Ông kiểm soát các quỹ tài sản trị giá hơn 1,3 nghìn tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Hoạt động và ảnh hưởng của ông ở Washington được ví như huyền thoại. Quân đội của ông là một trong những lực lượng hùng mạnh nhất thế giới Arab, được trang bị các hệ thống giám sát, chiến đấu công nghệ cao vượt xa biên giới, do Mỹ sản xuất.
Trong nhiều thập niên, vị thái tử là một đồng minh quan trọng của Mỹ, theo sự dẫn dắt của Washington. Nhưng bây giờ, ông dần đi theo con đường riêng của mình. Lực lượng đặc nhiệm của ông hoạt động ở Yemen, Libya, Somalia và Bắc Sinai, Ai Cập.
Đôi khi Thái tử Mohammed mâu thuẫn với chính sách của Mỹ, làm hàng xóm bất ổn. Các nhóm nhân quyền chỉ trích ông vì bỏ tù những người bất đồng chính kiến, hay vai trò của ông trong việc tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen.
Đặc biệt, dưới thời Tổng thống Donald Trump, ảnh hưởng của ông ở Washington lớn hơn bao giờ hết. Thái tử Mohammed có mối quan hệ thân mật với Tổng thống Trump, người thường xuyên chấp nhận quan điểm của thái tử về Qatar, Libya và Saudi Arabia, thậm chí là thông qua lời khuyên của các quan chức trong nội các, hoặc nhân viên an ninh quốc gia cao cấp.
Đối với các nhà ngoại giao phương Tây, thường gọi Thái tử Mohammed là “MBZ”. Họ nói rằng ông ta bị ám ảnh bởi hai kẻ thù là Iran và Tổ chức Anh em Hồi giáo. Tổng thống Trump cũng ủng hộ quan điểm này và đã qua mặt Quốc hội để tiếp tục bán vũ khí cho UAE và Saudi Arabia.
Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho biết việc Washington tiến hành đàm phán với Iran đã dẫn đến sự chỉ trích từ Thái tử Mohammed.
Nghi vấn can thiệp bầu cử
Theo New York Times, Thái tử Mohammed đã làm việc cật lực trước bầu cử tổng thống Mỹ để tác động vào vòng tròn quyền lực trong chính tuyền của Tổng thống Trump. Vị thái tử cũng tiến hành một cuộc họp bí mật trong thời kỳ chuyển tiếp quyền lực với Jared Kushner - con rể của Tổng thống Trump.
Thái tử Mohammed được cho là đã cố gắng môi giới cuộc đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Trump và Nga, một vụ lùm xùm mà sau đó khiến Tổng thống Trump vướng vào cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về can thiệp bầu cử của nước ngoài.
Thái tử Mohammed dường như đang lái chính quyền Tổng thống Trump theo quan điểm hiếu chiến với Iran của ông. Ảnh: New York Times. |
Hiện tại, ít nhất 5 thuộc hạ thân cận làm việc cho Thái tử Mohammed đang bị các công tố đặc biệt của Mỹ điều tra vì nghi vấn liên quan đến can thiệp bầu cử. Thái tử Mohammed - vị khách thường xuyên đến Mỹ trong 3 thập niên qua, đã không “bén mảng” đến Nhà Trắng trong 2 năm qua.
Theo 2 người thân cận với thái tử, có thể Thái tử Mohammed sợ bị các công tố viên Mỹ tìm đến để thẩm vấn ông hoặc các trợ lý của ông. Đại sứ quán UAE tại Washington từ chối bình luận. Một số người bảo vệ thái tử nói rằng ông chỉ cẩn thận trong khi cố gắng định hình chính sách của Mỹ. Ông coi sự can thiệp của mình là nỗ lực để bù đắp cho sự thoái lui của Mỹ.
Tuy vậy, các nhà phê bình nói rằng sự trỗi dậy của ông là bài học về những hậu quả không lường trước được. Thái tử trẻ mơ hồ mà Washington nhận làm đồng minh 3 thập niên trước chứa đựng đầy sự hận thù và đang thổi bùng ngọn lửa đầy biến động của mình.
“Bằng cách trang bị cho UAE với công nghệ giám sát, chỉ huy và vũ khí tiên tiến, chúng tôi đã tạo ra một Frankenstein nhỏ”, Tamara Cofman Wittes, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện làm việc tại Viện Brookings nhận xét.
Thái tử hoàn hảo
Phần lớn các thái tử khác trong hoàng gia UAE đều bệ vệ và khiến quan chức hay khách mời phải chờ đợi, Thái tử Mohammed không như thế. Ông tốt nghiệp chương trình đào tạo sĩ quan tại Sandhurst, Anh khi mới 18 tuổi.
Ông vẫn giữ được vóc dáng cân đối và không bao giờ đến muộn trong các cuộc họp. Các quan chức Mỹ mô tả Thái tử Mohammed là người thú vị, tò mò và khiêm tốn.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (phải) tiếp đón Thái tử Mohammed (trái) trong chuyến thăm Cairo, Ai Cập vào năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Thái tử Mohammed tự rót cà phê cho mình. Ông từng chia sẻ với khách mời rằng ông đã lặng lẽ đưa cháu mình đi tham quan Disney World, khu giải trí nổi tiếng ở bang Florida.
Ông thường dành thời gian cho các quan chức cấp thấp ở Mỹ và chào đón các quan chức cấp cao tại sân bay. Với nụ cười nhếch môi, pha chút nhút nhát, ông đưa khách mời lên trực thăng và bay qua các tòa nhà chọc trời ở Dubai và Abu Dhabi.
“Luôn có một từ 'wow' khi nhắc đến MBZ”, Marcelle Wahba, cựu Đại sứ Mỹ tại UAE nói. Tại thủ đô Abu Dhabi, Thái tử Mohammed giám sát cơn sốt xây dựng đã che khuất đường bờ biển cũ phía sau những hòn đảo nhân tạo, với dự định trở thành khu tài chính tương tự Phố Wall của Mỹ, và nhiều công trình đầy tham vọng khác.
Mỗi khi gặp người Mỹ, Thái tử Mohammed luôn nhấn mạnh những điều khiến UAE tự do hơn so với các nước láng giềng. Phụ nữ tại quốc gia này có nhiều cơ hội hơn. Một phần ba trong số các bộ trưởng nội các là nữ.
Ở UAE, các nhà thờ Thiên chúa giáo và đền thờ đạo Hindu, hoặc đạo Sikh được phép xây dựng . Điều này để phục vụ cho lượng lớn lao động nước ngoài làm việc tại đây. Đất nước này có hơn 9 triệu người, nhưng chỉ khoảng hơn 1 triệu công dân, còn lại là lao động nước ngoài.
“Tôi nghĩ rằng thái tử đã thực hiện công việc đáng ngưỡng mộ, không chỉ đa dạng hóa nền kinh tế mà còn cho phép đa dạng hóa hệ tư tưởng của dân chúng”, tướng John R. Allen, cựu chỉ huy liên quân Mỹ - NATO ở Afghanistan, hiện là chủ tịch Viện Brookings, kiêm cố vấn cho Bộ Quốc phòng UAE nói.
Mục tiêu hấp dẫn với Iran
UAE là một liên bang nhỏ của các bang và thành phố, riêng Abu Dhabi chiếm khoảng 6% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Điều đó khiến thành phố này trở thành mục tiêu hấp dẫn với các nước láng giềng lớn hơn như Iran.
Năm 1971, khi UAE giành được độc lập từ Anh, Iran đã chiếm 3 hòn đảo đang tranh chấp ở Vịnh Ba Tư. Bên cạnh đó, tổ chức Anh em Hồi giáo, phong trào Hồi giáo lâu đời nhất được thành lập ở Ai Cập trở thành xu hướng chủ đạo ở nhiều nước Arab.
Không quân UAE chiến đấu bên cạnh người Mỹ từ năm 1991. Ảnh: AP. |
Thái tử Mohammed đặc biệt lo lắng về sự hấp dẫn chính trị Hồi giáo đối với người dân. Các nhà ngoại giao cho biết thái tử từ lâu đã nói rằng thế giới Arab chưa sẵn sàng cho nền dân chủ. “Ở bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào, bạn sẽ thấy kết quả tương tự”, Thái tử Mohammed nói trong một cuộc họp với quan chức Mỹ vào năm 2007.
UAE bắt đầu cho phép lực lượng quân sự Mỹ hoạt động tại các căn cứ trong nước kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Kể từ đó, các chỉ huy và lực lượng không quân của thái tử đã được triển khai cùng người Mỹ ở Kosovo, Somalia, Afghanistan và Libya, cũng như chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Ông tuyển mộ các cựu quan chức quân đội, tình báo của Mỹ để đào tạo và xây dựng mạng lưới tình báo. Thái tử Mohammed mua được nhiều vũ khí hơn trong 4 năm trước 2010, so với các quốc gia Vùng Vịnh khác cộng lại, gồm 80 tiêm kích F-16, 30 trực thăng tấn công Apache và 62 tiêm kích Mirage-2000.
Với lời khuyên từ các cựu chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ, gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và tướng Allen, Thái tử Mohammed thậm chí đã phát triển nền công nghiệp quốc phòng của UAE. Sản phẩm tiêu biểu là xe bọc thép được gọi là The Beast.
UAE cũng đang chuẩn bị phát triển máy bay chiến đấu tầm thấp, động cơ cánh quạt để chống phản công, một ý tưởng mà ông Mattis đề xuất từ lâu. Thái tử Mohammed thường nói với các quan chức Mỹ rằng ông coi Israel là đồng minh chống lại Iran và tổ chức Anh em Hồi giáo.
Israel cũng đủ tin tưởng để bán cho UAE các gói nâng cấp F-16, cũng như phần mềm gián điệp tinh vi nhất. Đối với nhiều người ở Washington, Thái tử Mohammed đã trở thành người bạn tốt nhất của Mỹ trong khu vực, đối tác đáng kính có thể được giao cho các nhiệm vụ chống lại ảnh hưởng của Iran ở Lebanon và tài trợ cho việc tái thiết Iraq.