Ông Joe Tsai từng là cánh tay phải của tỷ phú Jack Ma nhờ vốn kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực luật, tài chính. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Nikkei Asia, trong thời kỳ đỉnh cao, ít ai được đánh giá cao ở cả phương Tây lẫn phương Đông như Joe Tsai - người đồng hành cùng Jack Ma trong việc thành lập và phát triển đế chế thương mại điện tử Alibaba và gã khổng lồ tài chính công nghệ Ant Group.
Nhưng đó là trước khi ông Ma và Alibaba rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh, trước khi Alibaba phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường tiêu dùng trực tuyến, và trước khi Mỹ - Trung bắt đầu phân ly kinh tế.
Người sẽ vực dậy đế chế Alibaba
Ông Ma thẳng thắn, bất cần, và luôn chiếm mọi hào quang của những người bên cạnh. Nhưng ông khó có thể thành công nếu không có Joe Tsai.
Ông Tsai đã cố gắng đảm bảo rằng tầm nhìn chung của họ luôn đúng hướng. Ông là người đứng sau thương vụ giữa tập đoàn và Goldman Sachs, khi ngân hàng đầu tư Mỹ lần đầu rót vốn vào Alibaba.
Giờ đây, ông Ma một lần nữa cần ông Tsai để vực dậy đế chế thương mại điện tử của mình. Giá trị vốn hóa thị trường của tập đoàn đã giảm mạnh từ mức đỉnh gần 850 tỷ USD hồi tháng 10/2020.
Alibaba đã công bố chủ tịch và giám đốc điều hành mới, thay thế ông Daniel Zhang. Theo đó, ông Tsai - người từng giữ vị trí Phó chủ tịch điều hành tập đoàn - sẽ trở thành Chủ tịch.
Dù vậy, những gì mà ông Tsai đã đóng góp cho Alibaba trước đây có thể không còn mang lại lợi thế. Trước đây, ông là người duy nhất trong nhóm sáng lập Alibaba từng được đào tạo và làm việc ở phương Tây.
Ông Joseph Tsai (trái) và tỷ phú Jack Ma (phải). Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng ngày nay, khả năng hiểu rõ cả Mỹ lẫn Trung Quốc không phải là một lợi thế lớn như trong quá khứ. Bởi cả hai bên không còn quan tâm đến việc thu hẹp khoảng cách.
Nhiều người từng coi Alibaba là "ngọn hải đăng của tương lai", "doanh nghiệp dẫn đầu Trung Quốc". Nhưng giờ, cái nhìn của họ đã thay đổi.
Ông Tsai sinh ra ở Đài Loan, được học tập tại Mỹ, hiện đã lấy quốc tịch Hong Kong và Canada. Theo nguồn tin của New York Post, ông Tsai sống tại Hong Kong và thường xuyên đến thăm vợ và 3 con ở Mỹ. Ông gặp vợ, bà Clara vào năm 1993 tại New York khi còn đang làm việc cho công ty luật Sullivan & Cromwell.
Năm 1999, ông Tsai và bà chuyển đến Hong Kong. Tại đây, ông Tsai điều hành một công ty cổ phần tư nhân với mức lương 700.000 USD/năm. Năm đó, một người bạn đã kết nối ông Tsai với ông Ma - một giáo viên về hưu đang ấp ủ ý tưởng đưa hàng trăm công ty Trung Quốc lên Internet, để họ có thể bán các sản phẩm ra thế giới.
Quá ấn tượng với tầm nhìn của ông Ma, ông Tsai nhanh chóng rời bỏ công việc đang làm. Ông thậm chí còn chấp nhận mức lương chỉ 50 USD/tháng từ ông Ma vào cuộc gặp đầu tiên của họ.
Nhiều thách thức hơn
Trở lại với hiện tại, theo Nikkei Asia, hoàn cảnh của Alibaba hiện tại không phải hoàn toàn u tối hay tươi sáng, mà là một màu xám.
Các nhà phân tích phương Tây coi việc Bắc Kinh hoãn đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant Group là phản ứng trước những bình luận của ông Ma hồi cuối năm 2020.
Theo đó, tỷ phú Jack Ma chỉ trích dữ dội hệ thống tài chính Trung Quốc và gọi các ngân hàng là "tiệm cầm đồ", bởi nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao để đánh giá rủi ro tín dụng.
Nhưng đó có thể chỉ là một lý do rất nhỏ. Giới chức Bắc Kinh lo ngại về việc Ant xử lý gần 75% thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc, và công ty có thể nhận hàng tỷ USD tiền gửi từ các hộ gia đình nước này nhưng không phải chịu ràng buộc như hệ thống ngân hàng.
Cả Ant lẫn Alibaba đều bị coi là những tay chơi giữ thế độc quyền, bóp nghẹt loại hình đổi mới mà họ rao giảng từ những ngày đầu.
Mới đây, Alibaba đã công bố kế hoạch tái cấu trúc toàn bộ công ty. Trọng tâm của quá trình tái cấu trúc này là chia tách đế chế trị giá 220 tỷ USD thành 6 công ty phụ trách các mảng kinh doanh riêng biệt, bao gồm thương mại điện tử, truyền thông và đám mây...
Trong đó, mỗi đơn vị sẽ lên kế hoạch huy động vốn hoặc IPO vào thời điểm thích hợp.
Ý tưởng chia tách Alibaba thành 6 công ty nhỏ hơn bắt nguồn từ các thành viên trong hội đồng quản trị. Họ đồng tình rằng tập đoàn đang được định giá thấp hơn tổng định giá của từng bộ phận riêng lẻ.
Ban lãnh đạo của Alibaba cũng tin rằng tập đoàn đã trở nên quá lớn để quản lý. Và việc chia tách có thể giải quyết những mối lo ngại về quy định đối với một gã khổng lồ như Alibaba.
Dưới sự lãnh đạo của ông Joe, Alibaba sẽ phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt hơn so với những ngày đầu. Thị trường đã tin rằng Ernie Bot của Baidu là cái tên triển vọng nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ cao ở Trung Quốc.
PDD Holdings - công ty vận hành nền tảng Pinduoduo và được rót vốn bởi Tencent Holdings - đã có những bước tiến đáng kể trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cạnh tranh trực tiếp với mảng kinh doanh cốt lõi của Alibaba. Trong khi đó, nền tảng Douyin của ByteDance cũng là một đối trọng lớn.
Ông Tsai sẽ bước vào một cuộc chiến gắt gao. Còn ông Ma đã tìm được một lối thoát an toàn hơn. Đó là giảng dạy với tư cách là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Tokyo.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.