Theo Wall Street Journal, 8 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi thành lập Ngân hàng Phát triển Mới ở Thượng Hải, ngân hàng này gần như đã dừng cấp khoản vay mới.
Nhà băng này còn gặp khó trong việc huy động vốn bằng đồng USD để trả nợ.
Tuần này, một ngân hàng đa phương khác đặt trụ sở tại Trung Quốc - Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) - cũng gặp rắc rối. Cùng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), hai ngân hàng nằm trong tham vọng 1.000 tỷ USD của Trung Quốc nhằm tăng cường sức ảnh hưởng trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
Tham vọng giảm phụ thuộc vào USD
Mục tiêu chủ yếu của cả AIIA lẫn Ngân hàng Phát triển Mới đều nhằm giảm sự phụ thuộc của các nước đang phát triển vào nguồn vốn bằng đồng USD.
Nhưng đến giờ, Ngân hàng Phát triển Mới đang chật vật để duy trì hoạt động. Nghịch lý nằm ở chỗ nhà băng này bị đe dọa bởi chính sự phụ thuộc vào đồng USD.
Ngay sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022, ngân hàng đã nhanh chóng đóng băng các khoản vay mới của Nga, nhằm trấn an nhà đầu tư rằng họ tuân thủ đòn trừng phạt từ phía phương Tây.
Nhưng Phố Wall nhanh chóng trở nên cảnh giác với một ngân hàng được Nga rót vốn 20%. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow cũng ngày càng khăng khít.
Kể từ đó, ngân hàng phải gánh khoản nợ ngày càng đắt đỏ nhằm trả những gói vay cũ và đáp ứng yêu cầu về thanh khoản. Hồi tháng 4, nhà băng này phát hành một trái phiếu trị giá 1,25 tỷ với chi phí cao gấp 5 lần khoản vay trước đó.
"Ngân hàng cần lo ngại về việc không thể tiếp cận các thị trường vốn. Đó không phải vấn đề có thể giải quyết ngay lập tức", WSJ dẫn lời bà Luciana Acioly - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ứng dụng ở Brazil - bình luận.
Rắc rối từ lãi vay tăng cao
Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm cách gia tăng sức ảnh hưởng của đồng nhân dân tệ song hành với đà tăng trưởng thần tốc của đất nước, và bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Việc thành lập một ngân hàng với BRICS hoàn toàn phù hợp với chiến lược của ông Tập.
Sau khi thành lập ngân hàng tại Thượng Hải hồi năm 2015 với số vốn cam kết 10 tỷ USD từ 5 nhà sáng lập, các thành viên bắt đầu nhận thấy vấn đề nếu chỉ phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và thị trường vốn của Trung Quốc.
Ngân hàng phát triển bắt đầu vay hàng tỷ USD từ các tổ chức đầu tư ở Phố Wall và ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Một số được vay bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, nhưng khoảng 2/3 là đồng USD. Điều này trái ngược với mục tiêu ban đầu là giảm sự phụ thuộc của các quốc gia thành viên vào đồng bạc xanh.
Với nguồn vốn của mình, ngân hàng bắt đầu cho vay và phát triển nhanh chóng. Khoảng 1 tỷ USD khoản vay cam kết trong năm 2017 đã tăng trưởng lên 30 tỷ USD vào đầu năm ngoái.
Hơn 10 tỷ USD trong số những khoản vay này được dùng để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng và chương trình cứu trợ đại dịch Covid-19 trong khối BRICS, chiếm 1/3 nền kinh tế thế giới.
Nhưng cuộc chiến ở Ukraine khiến Phố Wall bắt đầu cảnh giác với một ngân hàng do Trung Quốc và Nga sở hữu tổng cộng 40%.
Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng vào tháng 7/2022 do những thách thức trong việc tiếp cận thị trường trái phiếu bằng USD. Các ngân hàng đầu tư cho biết chi phí vay của Ngân hàng Phát triển Mới có thể tăng gấp 4 lần so với trước xung đột.
Lãi vay tăng mạnh là điều rất nguy hiểm với một ngân hàng phát triển. Tại các ngân hàng đa phương, những quốc gia thành viên tận dụng các nguồn lực để vay với lãi suất thấp, rồi chuyển khoản vay lại cho thành viên.
Nếu chi phí đi vay của ngân hàng phát triển tăng lên, lãi suất đối với các thành viên cũng phải tăng lên, ảnh hưởng đến mục tiêu của ngân hàng.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, ngân hàng phát triển đã phải tăng gấp đôi mức phí cho các nước thành viên. Tốc độ giải ngân cũng chậm lại đáng kể.
Hơn nữa, đến nay, Bắc Kinh vẫn ngần ngại huy động thêm vốn để tăng ngân sách cho ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế của nước này đã giảm tốc tăng trưởng. Giới phân tích tin rằng Điện Kremlin sẽ rút lại lệnh cấm cho vay đối với nước này, bởi Nga đóng góp hơn 2 tỷ USD vào nhà băng.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy các nước như Saudi Arabia hay những nước khác sẽ rót thêm nhiều vốn. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Phát triển Mới sẽ vẫn mắc kẹt trong vũng lầy hiện tại.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...