Dự án cảng hàng không Quảng Ninh được đầu tư theo hình thức BOT. Theo đó, căn cứ vào hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, do công ty TNHH một thành viên Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) lập vào tháng 1/2015, Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt điểm bất hợp lý, thiếu chính xác trong hồ sơ này.
“Có thể lấy form thiết kế của sân bay Phan Thiết”
Cụ thể, theo Bộ Xây dựng, về giải pháp quy hoạch - kiến trúc, cảng hàng không Quảng Ninh theo quy mô đầu tư được duyệt là cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế, với tính chất dùng cho dân dụng và quân sự.
Tuy nhiên, trong thiết kế cơ sở và thuyết minh dự án, dây chuyền công nghệ khai thác không được thiết kế cho việc đón các chuyến bay quốc tế.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, trong giải pháp cấu tạo kiến trúc mái của cảng hàng không chưa rõ ràng, “tiềm ẩn những vấn đề khó giải quyết liên quan đến thấm dột, hư hại khi sử dụng”.
Hàng loạt hạng mục phụ trợ như nhà điều hành, đài kiểm soát không lưu, nhà xe ngoại trường, trạm khẩn nguy cứu hỏa, kho xăng dầu, trạm khí tượng... thiết kế chưa đồng bộ với nhà ga hành khách về đường nét cấu trúc.
Đặc biệt nghiêm trọng, trong văn bản gửi UBND Quảng Ninh, Bộ Xây dựng nêu rõ: “Thuyết minh thiết kế cơ sở còn nhầm lẫn giữa số liệu tính toán công suất của sân bay Phan Thiết và sân bay Quảng Ninh”.
Số liệu tính toán công suất đầu vào trong thuyết minh báo cáo nghiên cứu khả thi xác định, lượng khách giờ cao điểm (giai đoạn đến năm 2020) là 800 hành khách. Tuy nhiên, số liệu tính toán trong thuyết minh thiết kế cơ sở hạng mục nhà ga hành khách lại tính trên thông số 1.000 hành khách, dẫn đến quy mô diện tích của nhà ga tăng 20%, so với công suất dự kiến 2 triệu khách/năm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về chi tiết này, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án của ADCC, các đơn vị chuyên môn của Bộ Xây dựng đã phát hiện chi tiết thuộc thiết kế của sân bay Phan Thiết chưa được xóa bỏ.
“Ở đây có thể đơn vị thiết kế lấy form thiết kế của sân bay Phan Thiết, trên cơ sở đó để nghiên cứu xây dựng cho sân bay Quảng Ninh. Tuy nhiên có thể do lỗi kỹ thuật nên các số liệu chưa được điều chỉnh cho chính xác”, ông Dung nói.
Phối cảnh sân bay Quảng Ninh. |
Ngoài ra, trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra hàng loạt bất cập trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án liên quan tới giải pháp kết cấu, giải pháp cho các hệ thống kỹ thuật công trình.
Trong số này lại tiếp tục có sự nhầm lẫn hi hữu, khi phần thuyết minh và tính toán hạng mục điều hòa thông gió được đơn vị thiết kế lấy thông số khí hậu ở Hà Nội, dẫn tới sai sót trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Thuyết minh giải pháp thiết kế kết cấu công trình nhà ga hành khách trong thiết kế cơ sở sơ sài, không nêu được các vấn đề về giải pháp xử lý nền móng, khung sàn, vỏ mái, tường - vách kính, mái sảnh chính...
Thay đổi nhà đầu tư
Sáng 31/3, trả lời Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành thừa nhận, tỉnh đã nắm được và cơ bản đồng thuận những thông tin trên của Bộ Xây dựng.
Trước đó ngày 29/3, Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã có thông báo chính thức về việc lùi thời gian khởi công xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh từ ngày 27/3 sang thời điểm thích hợp.
Nguyên nhân tỉnh Quảng Ninh đưa ra là do thời tiết bất thường, mưa nhiều ngày liên tục tại khu vực Vân Đồn, nên một số hạng mục hạ tầng đấu nối vào khu vực xây dựng sân bay chưa thể hoàn thành đồng bộ, đúng tiến độ như dự kiến.
Một nguyên nhân nữa là nhà đầu tư (Sun Group) đề xuất và đang điều chỉnh hướng tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái từ phía tây bắc sang phía đông nam, đoạn sát với dự án sân bay, nhằm khai thác tối ưu điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường. Đặc biệt là tạo quỹ đất lớn hơn để phát triển, mở rộng sân bay trong tương lai, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ có hiệu quả, bền vững tại khu vực này.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã có sự thay đổi ngay trong tháng 3/2015. Liên danh Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc - Công ty TNHH Joinus - Công ty TNHH Posco E&C, là đơn vị đầu tư đầu tiên có văn bản xin không tiếp tục nghiên cứu và triển khai dự án gửi UBND. Lý do được liên danh nhà thầu đưa ra, là theo phê duyệt thì sân bay Quảng Ninh là sân bay nội địa được đón các chuyến bay quốc tế, chứ không phải là sân bay quốc tế như mục tiêu đã đặt ra của liên danh.
Ngoài liên danh đầu tư, hai đơn vị khác là Tập đoàn CCC (Canada), Sun Group Việt Nam đến khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án. Đến thời điểm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư chỉ còn Sun Group, nên UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định lựa chọn Sun Group là nhà đầu tư.