Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất cho nhà đầu tư ngoại quản lý sân bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia quản lý, điều hành sân bay.

Đề xuất cho nhà đầu tư ngoại quản lý sân bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia quản lý, điều hành sân bay.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Lại Xuân Thanh cho biết, nếu được thông qua, đây sẽ là cú hích lớn thu hút những nhà đầu tư quốc tế tiềm năng trong lĩnh vực này vào Việt Nam.

Theo ông Thanh, trong quy hoạch giai đoạn 2012-2020, Việt Nam sẽ đầu tư sửa chữa và nâng cấp mới 26 cảng hàng không với số vốn khoảng 221.000 tỷ đồng. Để đảm bảo được kế hoạch phát triển, quy hoạch, Cục Hàng không nhận thấy sẽ rất khó khăn nếu trông chờ nguồn vốn nhà nước cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không, mà phải có giải pháp thu hút được các nguồn vốn khác.

Việc có các nhà đầu tư với tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm điều hành, vận hành, công nghệ tiên tiến... cùng tham gia đầu tư, chia sẻ áp lực về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm điều hành là điều rất cần thiết.

 
Những sân bay như Buôn Ma Thuột rất cần kinh nghiệm quản lý, điều hành của nhà đầu tư ngoại.

- Hệ thống cảng hàng không, sân bay sẽ được phân cấp như thế nào để kêu gọi được nguồn vốn từ bên ngoài?

- Hệ thống cảng hàng không Việt Nam có đặc thù là được sử dụng chung giữa dân dụng và quân sự. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, việc quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay vẫn phải do 100% Nhà nước đảm nhiệm. Những yếu tố này đã ảnh hưởng lớn đến chính sách kêu gọi đầu tư từ bên ngoài vào việc xây dựng, quản lý khai thác các sân bay này.

Do đó, chúng tôi đề nghị phân loại các cảng hàng không thành hai loại, loại thứ nhất gồm những cảng ở các cửa ngõ quan trọng của quốc gia và an ninh quốc phòng (Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cam Ranh, Nà Sản...). Loại thứ hai là các cảng còn lại.

Với loại thứ nhất, Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư vốn và quản lý khai thác, nhưng không loại trừ hoàn toàn sự tham gia của bên ngoài. Hệ thống cảng này không những có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng mà tiềm năng khai thác thương mại rất lớn, nên sẽ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Với hệ thống cảng còn lại (loại thứ hai), chúng tôi kiến nghị đẩy mạnh xã hội hóa, giao cho nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và quản lý khai thác hoặc cổ phần hóa.

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng đưa ra các quy định liên quan đến việc xã hội hóa, cổ phần hóa, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư và quản lý khai thác cảng hàng không trước khi trình Chính phủ.

- Nhưng số lượng các cảng hàng không ở Việt Nam có tiềm năng thương mại không nhiều, thưa ông?

- Vẫn có nhiều sân bay mà các nhà đầu tư để mắt đến, chẳng hạn sân bay Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang... vì còn rất tiềm năng.

Riêng vấn đề quản lý khai thác, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi quan tâm đến việc khả năng quảng bá, thu hút, lôi kéo hành khách, các hãng hàng không bay đến sân bay của các nhà đầu tư này.

Ngoài ra, kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài khai thác cảng hàng không hiệu quả và biết phát động thị trường là rất quý báu.

- Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề hợp tác liên doanh với phía Việt Nam chưa, thưa ông?

- Thời gian qua đã có một vài nhà đầu tư riêng lẻ tiếp cận, tìm hiểu và chờ đợi chính sách cởi mở của Chính phủ về vấn đề này như nhà đầu tư sân bay Changi (Singapore) vào tìm hiểu một thời gian ở sân bay Huế, gần đây có nhóm nhà đầu tư Mỹ nhưng cũng chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, chưa phải là đợt sóng lớn. Hi vọng khi những kiến nghị này được thông qua sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư bên ngoài.

- Có phải do quy hoạch cảng hàng không Việt Nam quá nhiều, lẻ tẻ?

- Trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không Việt Nam đến năm 2020, Việt Nam sẽ chỉ có 26 cảng hàng không được khai thác. Tuy nhiên đến nay Việt Nam chỉ mới có 21 cảng hàng không hoạt động, chưa kể cảng hàng không Quảng Ninh dự kiến được đưa vào hoạt động.

Sân bay Quảng Ninh sẽ do địa phương này kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa chứ ngân sách nhà nước không rót tiền vào nữa. Còn sân bay Phú Quốc được xây mới để thay thế sân bay cũ, chưa có thêm sân bay mới nào trong mạng sân bay đã quy hoạch.

So với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... mật độ sân bay của Việt Nam rất trung bình. Nhưng theo đánh giá của một số nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống cảng hàng không Việt Nam có khả năng sinh lợi, tính thương mại chưa nhiều và nếu có thì lợi nhuận chưa cao.

Theo quy hoạch dự án đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), giai đoạn đến năm 2020 có bốn vị trí tiếp nhận máy bay B777, công suất tiếp nhận 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2030 có bảy vị trí tiếp nhận máy bay B777, công suất tiếp nhận 5 triệu hành khách và 30.000 tấn hàng hoá/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD. Hiện có hai nhà đầu tư Hàn Quốc và Canada được cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu dự án. Cuối năm 2012, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và đầu tư dự án sân bay Vân Đồn với tập đoàn thương mại CCC của Canada.

Theo Tuổi trẻ

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm