Chủ tịch ABBank muốn bán 49% cho nước ngoài
Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng An Bình cho rằng, khi các tổ chức tài chính Việt Nam còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính yếu thì sự góp mặt của các đối tác nước ngoài là rất cần thiết.
Cuối tháng 4 vừa qua, ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) công bố phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và ngân hàng Maybank, sau khi 2 tổ chức này thực hiện việc chuyển đổi bắt buộc trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông ghi danh vào ngày 18/04/2013 theo hợp đồng ba bên ký hồi tháng 12/2010.
Việc chuyển đổi giúp IFC trở thành cổ đông lớn của ABBank với tỷ lệ sở hữu 10% và Maybank sở hữu 20% vốn điều lệ, bên cạnh các cổ đông lớn là tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco). ABBank cũng đã sử dụng hết “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 30%.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBank - Vũ Văn Tiền chia sẻ, trong tương lai, nếu được, ABBank mong muốn có thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Vũ Văn Tiến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị ABBanks. |
- Ông đánh giá thế nào về sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược nước ngoài đối với ngân hàng nội?
- Các tổ chức, đối tác nước ngoài đều là những định chế tài chính có uy tín, có hệ thống hoạt động chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế. Việc hỗ trợ của họ đối với các ngân hàng nội sẽ giúp nâng cao chất lượng quản trị của các ngân hàng trong nước theo hướng chuyên nghiệp hóa, đến gần hơn với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Việc hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, đối tác uy tín nước ngoài đối với ngân hàng nội đặc biệt trong các lĩnh vực đối tác nước ngoài có ưu thế cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ đa dạng của khách hàng.
Tôi tin tưởng với thiện chí từ cả hai phía, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi trong cơ chế, chính sách điều hành cho hoạt động tài chính ngân hàng, việc hợp tác giữa các định chế tài chính quốc tế và nội địa sẽ tạo nên diện mạo mới tích cực cho ngành tài chính ngân hàng Việt Nam.
- Cùng với Maybank (giữ 20% vốn điều lệ) và IFC (10% vốn), ABBank còn có cổ đông lớn là EVN (24,3% vốn) và Geleximco (20%), vậy các đơn vị này đã hỗ trợ cho hoạt động quản trị của ABBank ra sao?
- EVN tiếp tục là cổ đông chiến lược trong nước lớn nhất của ABBank. Maybank, ngân hàng lớn nhất Malaysia trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của ABBank từ năm 2008. Maybank hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực cho ABBank thông qua việc cử người tham gia Hội đồng Quản trị, quản lý rủi ro, tư vấn phát triển về công nghệ, hỗ trợ đào tạo cán bộ, xây dựng cơ cấu tổ chức...
Trong thời gian tới, Maybank sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, hỗ trợ ABBank, cử chuyên gia đảm nhận các vị trí quan trọng tại ABBank mà Maybank có năng lực chuyên sâu, và hỗ trợ đào tạo cán bộ.
Về phía cổ đông lớn mới là tổ chức tài chính quốc tế (IFC), IFC thực hiện các chương trình hợp tác, tư vấn phát triển dịch vụ ngân hàng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cấp hạn mức tài chính cho ABBank, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng quản trị, điều hành... Thêm nữa, tổ chức này tiếp tục giúp ABBank thực hiện đánh giá và nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam. IFC cũng sẽ hỗ trợ ABBank trong hoạt động quản lý nợ và xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Tại đại hội cổ đông vừa tổ chức cuối tháng 4/2013, cùng với Maybank, IFC đã chính thức cử đại diện tham gia vào Hội đồng Quản trị ABBank.
- Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên nới “room” cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thay vì hạn mức 30% như hiện nay. Quan điểm của ông ra sao?
- Về quan điểm cá nhân, tôi cũng đã đề nghị với Ngân hàng Nhà nước, nên nới room cho các ngân hàng thương mại cổ phần lên tới 49%. Bởi lẽ, trong thời buổi hiện nay, các tổ chức tài chính Việt Nam còn non nớt, thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính yếu. Chúng ta nên sử dụng năng lực từ nước ngoài, song không nên từ bỏ quyền làm chủ của mình. Tôi đề xuất 49% cho nước ngoài, chúng ta sở hữu 51% và vẫn có quyền kiểm soát.
Nếu được Ngân hàng Nhà nước nới “room”, có đối tác muốn mua ABBank với tỷ lệ đó, chúng tôi rất sẵn sàng bán.
Theo CafeF/TTVN