Các dự án điện hạt nhân sẽ đặt tại xã Vĩnh Hải và Phước Dinh của tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Bloomberg. |
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 tổ chức sáng 6/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có hàng loạt kiến nghị lên Thủ tướng.
Trong đó, để có cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội thống nhất chủ trương, EVN đề xuất Thủ tướng giao tập đoàn tiếp tục đầu tư.
Năm 2009, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã giao EVN làm chủ đầu tư các dự án và tập đoàn cũng đã hợp tác với phía Nga (dự án Ninh Thuận 1) và Nhật Bản (dự án Ninh Thuận 2) để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Tuy nhiên, dự án sau đó bị tạm dừng 8 năm theo quyết định của cấp có thẩm quyền và mới được khởi động lại vào cuối năm ngoái.
Tại Chỉ thị về việc bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 ban hành mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung chỉ đạo triển khai, hoàn thành công tác đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm.
Địa điểm chọn đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 thuộc xã Vĩnh Hải và Phước Dinh (tỉnh Ninh Thuận). Theo báo cáo của Chính phủ, các địa điểm đã được tư vấn trong và ngoài nước khảo sát, đánh giá rất kỹ, là hai địa điểm tốt nhất, đáp ứng các tiêu chí khắt khe của quốc tế, phù hợp để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
Việc sử dụng các địa điểm đã được nghiên cứu trước đây để phát triển, xây dựng điện hạt nhân trong thời gian tới là rất thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm.
Liên quan đến đường dây 500 kV mạch 3, EVN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ tập đoàn triển khai thực hiện các dự án cấp bách để EVN và các đơn vị có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án và thi công xây dựng, kịp thời tăng cường nguồn cung cho hệ thống điện miền Bắc, trong đó xem xét tiếp tục giao EVN các dự án nguồn điện mới.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các Tập đoàn PVN, TKV, chủ đầu tư các nhà máy điện, đặc biệt là nhiệt điện than miền Bắc, đảm bảo độ khả dụng sẵn sàng và độ tin cậy của các tổ máy, không để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô; chuẩn bị đủ nhiên liệu cho phát điện theo nhu cầu huy động của hệ thống.
Đồng thời, chỉ đạo PVN/PV GAS sớm có phương án cấp khí bổ sung cho các nhà máy tuabin khí để đáp ứng nhu cầu huy động, đảm bảo cung ứng điện năm 2025 và các năm sau; ưu tiên cấp khí cho phát điện, không bán khí cho các hộ tiêu thụ ngoài điện.
Tại hội nghị tổng kết, EVN cho biết doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD). Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 480.662 tỷ đồng, tăng 14,3% so với 2023. Vốn chủ sở hữu đạt 204.000 tỷ đồng, tăng 4%.
EVN không công bố chi tiết lợi nhuận nhưng cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ vào năm ngoái đã có lãi. EVN cũng nộp ngân sách hơn 25.000 tỷ đồng.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.