Điểm sáng về kim ngạch xuất nhập khẩu là điều Tổng cục Thống kê vừa nêu tại hội nghị tổng kết sáng ngày 6/1. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính trong tháng 12 đạt 70,53 tỷ USD, tăng trưởng 6,2% so với tháng trước và 15,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung cả năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD và cán cân thương mại ghi nhận mức xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu
Trong tháng 12/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu, đạt 24,85 tỷ USD, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại, linh kiện điện tử và dệt may đều đạt kết quả ấn tượng.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 51,6 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thành công này không thể thiếu sự đóng góp của các “ông lớn” như Samsung và Foxconn, với các nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam.
Ngoài công nghệ, ngành dệt may cũng ghi nhận thành tích xuất khẩu đáng chú ý. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023, giúp Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy xuất khẩu rau quả năm 2024 báo đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2023.
Tương tự như xuất khẩu, khu vực FDI cũng chiếm tỷ trọng lớn trong nhập khẩu với 240,65 tỷ USD, tăng 15,1%. Điều này phản ánh nhu cầu gia tăng về nguyên liệu sản xuất phục vụ cho ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là các mặt hàng điện tử và nguyên liệu chế biến công nghiệp.
Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 đạt 380,76 tỷ USD; tăng 16,7% so với năm 2023. Ảnh: Nam Khánh. |
Một trong những điểm nổi bật của năm 2024 là Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) chia sẻ việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2023 đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại, và đầu tư giữa hai bên.
Tuy nhiên, ngành xuất khẩu Việt Nam trong năm 2025 vẫn được cho sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, ngành dệt may sẽ gặp khó khăn do chính sách thuế của Mỹ, có thể áp dụng mức thuế 10-20% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra rào cản lớn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành này.
Triển vọng năm 2025
Mặc dù gặp phải một số khó khăn, triển vọng xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2025 vẫn rất sáng sủa. Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng từ 10-12% so với năm 2024.
Những nhóm ngành chủ lực như dệt may, rau quả và công nghệ được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, ngành rau quả, với sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, dự báo sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2025 nhờ sự xuất khẩu mạnh mẽ sang các thị trường như Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, ngành này cũng cần đối mặt với các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và công nghệ sau thu hoạch để duy trì sự bền vững trong xuất khẩu. Việc cải thiện năng lực tuân thủ các yêu cầu của thị trường quốc tế sẽ là yếu tố quyết định để Việt Nam phát triển bền vững trong các ngành xuất khẩu chủ lực.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.